Phóng to |
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ LAN ANH, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ GD-ĐT) xung quanh những quy định mới về phụ cấp ưu đãi trong ngành giáo dục.
* Thưa bà, nhiều cán bộ, giáo viên công tác trong ngành giáo dục rất bức xúc vì phụ cấp ưu đãi bị giảm. Bà có thể giải thích rõ cơ sở của việc điều chỉnh mức phụ cấp này?
- Bà NGUYỄN THỊ LAN ANH: Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương của cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã quy định phụ cấp ưu đãi theo nghề gồm 10 mức: 5%, 10%, 15%... và cao nhất là 50% mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Theo khung phụ cấp mới này thì các ngành phải xây dựng lại mức phụ cấp ưu đãi theo nghề. Trước đây, phụ cấp ưu đãi nhà giáo cao nhất là 70% và thấp nhất là 30%. Theo khung của Nghị định về tiền lương mới thì mức phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo cao nhất chỉ được 50% và thấp nhất là 25%. Vì vậy, chế độ phụ cấp ưu đãi mới là sự điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với các mức mà Chính phủ cho phép.
* Với việc điều chỉnh giảm phụ cấp ưu đãi này, thu nhập thực tế của giáo viên giảm có giảm đi không, thưa bà?
- Tôi có thể khẳng định, với mức phụ cấp ưu đãi mới này, tiền lương thực tế của giáo viên đều tăng lên. Có thể do tỉ lệ phần trăm phụ cấp giảm đi nên nhiều giáo viên nghĩ rằng thu nhập giảm đi. Tôi có thể lấy một ví dụ thế này: một giáo viên tiểu học ở thị xã, thành phố có hệ số lương bậc 1 (1,57) và phụ cấp ưu đãi 40% sẽ có tổng lương là 637.420 đồng/tháng. Đây là mức lương cũ.
Với quy định tiền lương mới, giáo viên này sẽ có hệ số lương bậc 1 là 1,86, phụ cấp ưu đãi là 35% thì tổng lương sẽ là 728.200 đồng/tháng. Còn từ ngày 1-10, mức lương tối thiểu được điều chỉnh lên 350.000đồng/tháng thì tổng lương sẽ là 878.850 đồng/tháng, tăng 241.430 đồng/tháng so với trước khi điều chỉnh lương và phụ cấp. Như vậy thì không thể nói là tiền lương thực tế bị giảm đi.
* Nhưng nhiều giáo viên cho rằng, với mức trượt giá như hiện nay, phụ cấp ưu đãi không những không tăng mà lại giảm khiến đời sống của cán bộ giáo viên chưa được cải thiện?
- Để bù đắp vào phần trượt giá, Chính phủ đã tăng lương tối thiểu từ 290.000 đồng/tháng lên 350.000 đồng/tháng. Trong điều kiện hiện nay của đất nước, thực hiện chế độ ưu đãi này đã là sự cố gắng lớn của Chính phủ bởi thực tế, mức phụ cấp ưu đãi này đã được xây dựng ở mức tối đa mà Chính phủ cho phép.
Khi xây dựng Nghị định về tiền lương, ngành giáo dục cũng đã có ý kiến, về mặt cơ bản, chúng tôi cũng muốn giữ chế độ phụ cấp ưu đãi ở mức cao hơn nhưng thực tế, vẫn phải chấp nhận để phù hợp với mặt bằng kinh tế - xã hội nói chung.
Đồng thời, để khuyến khích các giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao thu nhập, theo đề nghị của Bộ GD-ĐT, đã có thêm nhiều quy định mới liên quan đến chế độ tiền lương của giáo viên như: bổ sung thêm ngạch cho giáo viên mầm non và THCS (gồm: giáo viên, giáo viên chính và giáo viên cao cấp ứng với các trình độ đào tạo khác nhau); hướng dẫn chuyển xếp lương cũ sang lương mới trong đó có giáo viên...
Hiện tại, giáo viên vẫn tạm thời hưởng phụ cấp ưu đãi với mức bằng số tiền đã thực lĩnh trước ngày 1-10-2004 cho đến khi liên bộ GD-ĐT, Tài chính, Nội vụ ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể các quy định của Quyết định 244 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 11-2005.
* Xin cám ơn bà!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận