Không có phà, trẻ em Long Thạnh Tây đi học bằng ghe thuyền nhỏ - Ảnh: LÊ TRUNG
Người dân Long Thạnh Tây đang đứng trước lựa chọn đi hay ở cùng bao trăn trở nếu đi thì định cư ở đâu, làm nghề gì để sống.
Từ đất liền, muốn đến Long Thạnh Tây chỉ có cách đi thuyền. Long Thạnh Tây lọt thỏm giữa sông nước. Ngôi nhà của ông Nguyễn Quốc Hải (77 tuổi) và bà Đỗ Thị Toàn (70 tuổi) nằm dưới những tán dừa chỉ còn hai vợ chồng già, bốn đứa con đã vào đất liền làm ăn, sinh sống.
"Mới đây, nghe chính quyền tính toán việc di dời bà con vào đất liền, gia đình tôi ủng hộ việc này và mong được hỗ trợ tiền để chúng tôi làm nhà cửa, chuyển đổi nghề", ông Hải nói.
Ông Đỗ Tấn Dũng (48 tuổi) bày tỏ nguyện vọng: "Chúng tôi cũng đề xuất nơi ở mới phải gần sông, hầu hết người dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt cá".
Ông Phạm Văn Quang, trưởng thôn Long Thạnh Tây, cho biết cả thôn có 103 hộ với hơn 400 nhân khẩu. Mấy năm trước có phà để chở người dân đi làm, đi học, nhưng ba năm nay phà hư, dân phải dùng những chiếc ghe nhỏ đi lại, mùa mưa bão học sinh phải nghỉ học. Một tháng dân ở đây phải trữ nước ngọt đến bốn lần để sử dụng.
Vừa qua chính quyền đã lấy phiếu thăm dò các hộ dân thì có 82% muốn di dời đến xã Tam Giang, số còn lại muốn đi xã khác hoặc muốn ở lại nơi mình chôn nhau cắt rốn.
Có dự án rồi sẽ hỗ trợ tái định cư
Giữa tháng 2-2022 trong buổi làm việc với xã đảo Tam Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết sắp tới tỉnh sẽ giao huyện Núi Thành tính toán, di dời người dân Long Thạnh Tây vào đất liền để bà con có được cuộc sống mới tốt hơn.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt nghiên cứu đầu tư khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Long Thạnh Tây, diện tích nghiên cứu là 32ha, gồm toàn bộ diện tích đảo này. Và mới đây Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đề nghị được tỉnh chấp thuận chủ trương giao nhà đầu tư nghiên cứu dự án.
Ông Lê Văn Sinh, chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho hay huyện đã trình danh mục thu hút đầu tư, được phê duyệt. Tỉnh có yêu cầu huyện Núi Thành phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này.
"Khi có dự án rồi thì mới thực hiện di dời dân, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Việc di dời dân là một điều cần thiết, đến nơi ở mới người dân được thuận lợi nhất là giao thông, nước sinh hoạt. Vả lại việc làm một cây cầu bắc qua ốc đảo này không thể được, nếu ở lại người dân muôn đời đối mặt với khó khăn" - ông Sinh nói.
Về hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề, ông Sinh cho hay khi có dự án, di dời rồi, chính quyền sẽ có tính toán tốt nhất đúng theo quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận