22/02/2012 06:23 GMT+7

Giải tỏa giao thông hay bảo tồn di sản?

Ông Nguyễn Đăng Trường(phó giám đốc Ban đầu tư và xây dựng giao thông thuộc Sở GT-VT Thừa Thiên - Huế)
Ông Nguyễn Đăng Trường(phó giám đốc Ban đầu tư và xây dựng giao thông thuộc Sở GT-VT Thừa Thiên - Huế)

TT - Gần như còn nguyên vẹn sau khoảng 200 năm tồn tại, hai chiếc cầu cổ Vĩnh Lợi và cầu Kho (bắc qua sông Ngự Hà*) thuộc di tích kinh thành Huế đang chuẩn bị “được” tháo dỡ để mở rộng nhằm giải tỏa ách tắc giao thông.

uGg5wM6D.jpgPhóng to

Cầu Kho bắc qua sông Ngự Hà hiện nay - Ảnh: THÁI LỘC

Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Chủ trương này đã nhận được sự thống nhất bằng văn bản của nhiều cơ quan chức năng, tuy nhiên đã có nhiều ý kiến không đồng tình cách giải quyết bài toán giao thông khu vực kinh thành Huế (thường gọi là Thành nội) theo cách làm này, vì xâm hại đến di tích đặc biệt của quốc gia.

Xây thêm cầu mới vào cầu cổ

Ông Nguyễn Đăng Trường, phó giám đốc Ban đầu tư và xây dựng giao thông (thuộc Sở GT-VT Thừa Thiên - Huế - một trong hai đơn vị được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao nghiên cứu việc nâng cấp, mở rộng cầu), cho biết đơn vị này đã hoàn thành phương án mở rộng hai cầu, và đang gửi xin ý kiến 12 chuyên gia và nhà nghiên cứu tại Huế, Bộ VH-TT&DL và các cơ quan hữu quan khác.

Phương án đơn vị này chọn là phá bỏ lan can đá hiện nay để xây thêm hai bên cầu cũ hai mảng bêtông và gạch, biến cầu cũ thành cái lõi để mở cầu rộng ra 10m. Phương án này được thuyết minh: “giải pháp tối ưu hơn cả là mở rộng cầu cũ hiện có ra hai bên, trên nguyên tắc bảo tồn tối đa cầu cũ hiện có và làm mới phải có kiến trúc phù hợp với cầu cũ đã tồn tại hàng trăm năm”. Ông Trường nói: “Nếu xây thêm cầu mới thì số lượng cầu qua sông Ngự Hà sẽ nhiều hơn, càng phá đi tổng thể của di tích”.

"Di tích thì ai cũng muốn bảo tồn, nhưng bây giờ muốn phát triển mà mấy vạn dân Thành nội đi lại đường sá ách tắc hết"

Ông Phan Văn Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị thứ hai được giao nhiệm vụ) - thông tin thêm việc mở rộng cầu chỉ là một trong năm phương án ông đưa ra tại cuộc họp có đại diện các sở ngành để cùng bàn bạc, nghiên cứu. Bốn phương án khác chính là: tìm cách giãn dân trong kinh thành, khai thông các tuyến đường và cửa trong khu vực, nghiên cứu xây thêm cầu mới và phân luồng giao thông hợp lý.

Ông nói: “Trung tâm vẫn đồng tình với chủ trương của tỉnh tìm giải pháp giải quyết vấn đề giao thông. Song phải chọn giải pháp tối ưu đảm bảo hài hòa các yếu tố gốc, các mối quan hệ. Trong thứ tự ưu tiên thì phương án mở rộng cầu chúng tôi vẫn đặt cuối cùng. Việc mở rộng cầu đương nhiên có tác động đến di tích, nhưng mà phải (tính toán để) giảm thiểu sự tác động. Công bằng mà nói để đảm bảo yếu tố gốc thì hiện nay nó (các cầu) đã không hàm chứa được nội dung đó rồi, đã bị trải thảm nhựa, trên cầu cũng mang hệ thống ống nước, cáp điện, hệ thống cáp truyền hình...”.

Phá hỏng di tích kinh thành Huế

"Sao lại chọn giảm ùn tắc giao thông bằng cách phá hỏng di tích?"

Nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng - nguyên trưởng phòng nghiên cứu Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, là một trong những người được mời tham gia ý kiến về dự án mở rộng hai cầu - cho rằng bảo tồn thì phải giữ nguyên trạng chứ xây mới hai bên cầu cũ mà nói là bảo tồn thì nghịch lý quá. Bởi khi hình hài chiếc cầu đã biến dạng thì coi như triệt tiêu luôn di sản.

Theo ông Ứng, toàn bộ các hạng mục thuộc kinh thành Huế là một thể thống nhất, theo một tỉ lệ hài hòa. Nếu đã mở rộng cầu thì phải mở rộng đường, mở rộng các cổng thành; và lúc đó di tích sẽ biến dạng hoàn toàn. “Lẽ ra khi đã là di tích đặc biệt của quốc gia và di sản thế giới thì việc chống ùn tắc giao thông trong kinh thành Huế phải bằng biện pháp giảm mật độ dân cư và hạn chế những phương tiện giao thông không thật cần thiết. Sao lại chọn giảm ùn tắc giao thông bằng cách phá hỏng di tích?”, ông Ứng nói.

GS.TS Hoàng Đạo Kính cho rằng những cây cầu cổ này chính là một thành tựu về kỹ thuật - nghệ thuật xây dựng truyền thống của người Việt, nó rất hiếm và đang là di sản quý giá duy nhất còn tồn tại ở Huế. “Nếu chưa bức bách lắm thì đừng nên làm, và cho dù có bức bách để phục vụ giao thông đi nữa thì giải pháp kém nhất cũng chỉ có thể là xây thêm cầu mới và tính toán làm sao đừng để ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích. Nếu làm theo cách mà ngành giao thông chọn thì còn gì là di sản nữa”, ông Kính nói.

sC8bsSyV.jpgPhóng to
Cầu Kho bắc qua sông Ngự Hà hiện nay - Ảnh: Thái Lộc
3HqPqs9u.jpgPhóng to
Phối cảnh cầu Kho mới mở rộng trên nền cầu cũ, do Công ty CP tư vấn thiết kế giao thông Thừa Thiên - Huế thiết kế. Ảnh: Ban đầu tư - xây dựng Thừa Thiên - Huế cung cấp

Nhiều ý kiến khác cho rằng thực trạng giao thông khu vực Thành nội Huế không đến nỗi bức bách để có thể đánh đổi cả di sản như vậy. Cùng bắc ngang sông Ngự Hà trong kinh thành hiện có năm cầu. Trên thực tế ba cầu Tây Thành Thủy Quan, Khánh Ninh, Đông Thành Thủy Quan (Lương Y) luôn rất vắng, gần như không hề kẹt xe kể cả trong giờ cao điểm. Tại hai cầu Vĩnh Lợi và cầu Kho, tình trạng kẹt xe chỉ thỉnh thoảng xảy ra, và mỗi lần không quá 20-30 phút. Mỗi khi kẹt xe, các phương tiện tự điều chỉnh bằng cách di chuyển sang các cầu lân cận gần đó. Người dân sống lân cận hai cầu cũng nói việc kẹt xe thường là do hai xe hơi cùng đối đầu trên cầu không ai chịu nhường ai, cho nên chỉ cần phân luồng đối với xe hơi là được.

Ông Nguyễn Đăng Trường(phó giám đốc Ban đầu tư và xây dựng giao thông thuộc Sở GT-VT Thừa Thiên - Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên