23/03/2014 08:00 GMT+7

Giải thưởng Hồ Hảo Hớn 2014: Góp cây rồi sẽ thành rừng

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TT - Tối nay 23-3, Thành đoàn TP.HCM vinh danh và tặng giải thưởng mang tên người bí thư Thành đoàn đầu tiên Hồ Hảo Hớn cho sáu tập thể.

Báo Tuổi Trẻ nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn 2014 6 tập thể được trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2014Ngày hội thanh niên TP.HCM 2014

GRXyHMe5.jpgPhóng to
Các bạn trẻ Đoàn P.Tăng Nhơn Phú B (Q.9) cùng với sự góp sức của bà con đã làm được 11 con hẻm tại nhiều khu phố từ nguồn bêtông đi xin - Ảnh: Tuấn Anh

Sáu mô hình, chương trình được Thành đoàn TP.HCM trao giải thưởng năm nay đều đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng trong các năm qua.

Chia sẻ cộng đồng

6 giải thưởng Hồ Hảo Hớn 2014

- Ngày hội “Mùa xuân biển đảo” - Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

- Hội thi sáng tác truyện ngắn “Ước mơ hồng” - Nhà Thiếu nhi Q.5.

- Học bổng “Tiếp sức đến trường” - báo Tuổi Trẻ.

- “Vận động xây dựng, nâng cấp và bêtông hóa các tuyến hẻm nông thôn” - Đoàn P.Tăng Nhơn Phú B (Q.9).

- “Đào tạo, huấn luyện kỹ năng thực hành pháp luật cho sinh viên luật và cung ứng nguồn lực cho các đơn vị nội chính tư pháp” - các cơ sở Đoàn cụm nội chính - tư pháp thuộc Đoàn khối dân chính đảng TP.HCM.

- “Máy tính cũ - tri thức mới” - Đoàn Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM).

Đã hơn chục năm kể từ bài báo đầu tiên về một học sinh nghèo của Quảng Trị vì không có tiền mà hai lần thi đậu nhưng cổng trường đại học vẫn cứ xa mãi, học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ đã ra đời. Ngay sau mùa tuyển sinh, những thông tin về các học sinh nghèo cả nước lại dội về với những người làm báo ở Tuổi Trẻ. “Làm sao đừng để bất kỳ một thí sinh nào vừa trúng tuyển đại học trên cả nước không thể đến trường vì thiếu tiền” đã trở thành tâm niệm của những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các câu lạc bộ nghĩa tình và rất nhiều tấm lòng của bạn đọc cả nước.

Từ những ngày đầu chỉ vài chục trường hợp, đến nay mỗi năm có trên 1.500 tân sinh viên khắp vùng miền cả nước được nhận học bổng này như là sự tiếp sức để không phải dở dang giấc mơ bước chân vào giảng đường. Trên 50 tỉ đồng học bổng không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chở nặng bao tấm lòng, sự kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của những bạn trẻ nghèo khó. Và không phụ lòng khi hôm nay, những trái ngọt đầu tiên đã thành hình, nhiều tân sinh viên được tiếp sức ngày nào giờ đã là những thầy cô giáo, kỹ sư, có người đang tu nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

Bằng mối quan hệ của mình, bí thư Đoàn P.Tăng Nhơn Phú B (Q.9) Nguyễn Tuấn Anh đã xin được cả trăm khối bêtông để cùng các bạn trẻ trong phường tráng đường hẻm cho dân. Xin bêtông làm hẻm đúng là chuyện chưa từng có trước đây ở một địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh như Q.9. Vậy mà các bạn trẻ đã làm được và còn làm rất chuyên nghiệp. Tính từ năm 2010 đến nay các bạn đã hoàn thành 11 con hẻm lớn nhỏ khác nhau ở các khu phố. Bất kể giờ giấc, hễ khi nào có bêtông dư người ta gọi thì “đội quân làm hẻm” lại tập hợp để làm, nên chuyện làm đường lúc 0g đã trở thành “chuyện thường ngày ở phường”. Thừa thắng xông lên, nhiều con hẻm khác đã được các bạn lên kế hoạch thực hiện bởi “Chỉ có những công trình cụ thể mới cho người dân thấy họ có thể tin Đoàn không chỉ biết nói mà còn biết làm và làm tốt” như lời bí thư Đoàn phường.

Trong khi đó, từ hoạt động của một câu lạc bộ Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) mà đến nay chương trình “Máy tính cũ - tri thức mới” đã đến với nhiều vùng miền khác nhau. Góp nhặt những máy tính cũ còn sử dụng được, bằng kiến thức được học tại trường, các bạn đã sửa chữa, thay mới các bộ phận hư hỏng và làm quà tặng cho những nơi còn khó khăn. Hàng trăm chiếc máy tính ấy đã tạo nên những phòng máy cho công nhân tại TP học thêm tin học, truy cập thông tin sau giờ làm, và còn vươn ra khỏi TP.HCM để tới tận vùng sâu ở An Giang hay vượt đồi đến cùng bạn trẻ vùng núi Bình Phước, Đắk Nông.

Ươm mầm tình yêu

“Các em nhỏ bây giờ có nhiều chọn lựa giải trí quá nên ngại viết, chúng tôi muốn khơi gợi lại thói quen này cho các em” - giám đốc Nhà Thiếu nhi Q.5 Trần Thị Minh Tân nói về nguyên do ra đời hội thi sáng tác truyện ngắn “Ước mơ hồng”. Sau vòng loại, các tác giả có bài viết tốt hơn sẽ tham dự những ngày trại sáng tác mà ở đó được gặp các nhà văn, đi làm công tác xã hội, dự lửa trại để nuôi dưỡng cảm xúc. Và sau những hoạt động ấy, các bạn nhỏ từ 9-15 tuổi sẽ thể hiện lại cảm xúc của mình qua những trang sáng tác. “Nhiều nhà văn làm giám khảo nhận xét nhiều giọng văn rất tốt, chúng tôi hi vọng từ sân chơi này biết đâu sẽ có được những nhà văn tương lai” - chị Minh Tân nói.

Ba năm qua, ngày hội “Mùa xuân biển đảo” do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức đã trở thành nhịp cầu đưa các văn nghệ sĩ đến gần hơn với biển đảo quê hương, với những người lính đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Số văn nghệ sĩ mỗi năm lại tăng thêm, dù bận rộn cách mấy nhưng nhận được lời mời các anh chị cũng cố gắng sắp xếp để góp giọng trong những DVD ca nhạc, rồi lại đến với các hoạt động của ngày hội. Ở đó, họ được hát cho chiến sĩ nghe, tự tay làm những cánh thiệp xuân với lời chúc của mình, gói những phần quà xuân để gửi đến chiến sĩ. Ấy cũng là dịp hiếm hoi các nghệ sĩ trò chuyện qua điện thoại với đảo xa để “chưa bao giờ mình thấy đảo và bờ gần nhau đến thế” như lời chia sẻ của nhiều nghệ sĩ.

Cũng vì muốn có được cơ hội thực tập tốt để nuôi dưỡng tình yêu nghề cho các sinh viên luật mà Đoàn thanh niên sáu đơn vị: Đoàn luật sư TP, Tòa án nhân dân TP, Viện Kiểm sát nhân dân TP, Thanh tra TP, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự TP đã bắt tay nhau để ra đời chương trình “Đào tạo, huấn luyện kỹ năng thực hành pháp luật cho sinh viên luật và cung ứng nguồn lực cho các đơn vị nội chính tư pháp”. Nhiều phiên tòa giả định, các buổi huấn luyện kỹ năng thực hành pháp luật, nhiều cơ hội thực tập đã đến với sinh viên luật.

Các bạn được trải nghiệm và tập làm quen với môi trường làm việc tương lai ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được trả lời những thắc mắc chứ không phải đi thực tập chỉ để được... sai vặt. Và quan trọng hơn, từ chiếc nôi ấy nhiều cơ hội việc làm đã mở ra, các cơ quan cũng nhìn thấy và chọn lựa cho đơn vị những nhân viên phù hợp. Nói như lời luật sư Trịnh Đức Duy - một trong những người khởi xướng chương trình - đó là “Chúng tôi muốn giúp sinh viên có thêm những cơ hội tìm hiểu để định hướng việc làm sau khi ra trường”.

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên