14/05/2009 04:08 GMT+7

Giải thưởng - học bổng Đặng Thùy Trâm 2009: Gắn bó và yêu thương

LAN ANH - TẤN ĐỨC
LAN ANH - TẤN ĐỨC

TT - 110 HS-SV, cán bộ y tế cơ sở nhận được Giải thưởng - học bổng Đặng Thùy Trâm hôm qua 13-5 đã mang đến nhiều câu chuyện về nghị lực sống và tình yêu thương. Tuổi 20 của họ đã nhận lửa từ người nữ bác sĩ “mãi mãi tuổi 20” Đặng Thùy Trâm và đang tiếp tục hành trình vốn còn rất nhiều chông gai để chữa bệnh, cứu người.

KVTchLWS.jpgPhóng to
Những gương mặt sinh viên nhận học bổng Đặng Thùy Trâm 2009 và các đại biểu sáng 13-5 - Ảnh: Việt Dũng

Gánh vất vả về mình

Sáng 13-5, tặng hoa 10 cán bộ y tế đoạt giải thưởng Đặng Thùy Trâm, bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu nữ anh hùng - bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, nói: “Tôi rất xúc động khi được gặp các đồng nghiệp, thấy được mơ ước của Đặng Thùy Trâm đang được tiếp nối như thế nào”.

Y sĩ Tô Thị Việt Đức, trạm y tế xã Bình Yên, Sơn Dương, Tuyên Quang, cho biết: “Phần thưởng này dành cho con gái”. Chả là y sĩ Đức có cô con gái 22 tuổi Đỗ Thị Hồng Minh vừa kịp theo nghề mẹ làm nữ hộ sinh ở Bệnh viện Sơn Dương. 28 năm công tác thì có đến 16 năm chị làm việc ở một xã vùng sâu, đi 12km mới tới chợ.

Nhìn chị Đức nói, nghe tiếng chị cười, chúng tôi biết chị là người cẩn trọng và hiền hậu. Chả thế mà bao nhiêu đoàn đến thăm xã Bình Yên, cả các cô y tá trong trạm, cả bà con dân bản đều nằng nặc đòi hỏi: “Đừng cho chị Đức chuyển đi”. Vậy là chị Đức ở lại với Bình Yên, học dần tiếng các dân tộc bạn bè để trao đổi với người bệnh, dần dần chị có thể trao đổi cả với bà con Sán Chí, Sán Dìu, Nùng, Cao Lan. “Phải bám vào dân” - ấy là bí quyết của chị Đức.

Lên sân khấu giao lưu và nhận học bổng, giải thưởng, tôi nhìn thấy nhiều gương mặt nhòe nước mắt. Họ không biết những người đang theo dõi câu chuyện của họ cũng nhòe nước mắt vì xúc động. Anh Ma Văn Dư đã làm cả hội trường bất ngờ khi thông báo thù lao “cán bộ” y tế bản Lự, xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn của mình là... 40.000đ/tháng. Trong khi đó việc nhà anh giao cả cho người vợ đảm đang biết và hiểu công việc của chồng mình. Có đại biểu thốt lên: “Trong khi nhiều người chỉ biết chăm lo cho gia đình mình, còn anh lại gánh hết vất vả về mình”!

Mơ ước từ bản xa

Phải đến những bản làng vùng sâu vùng xa ở miền núi phía Bắc mới hiểu hết những khó khăn của cán bộ y tế thôn bản. Đèo dốc cheo leo, muốn ra chợ phải đi cả chục kilômet đường, thiếu nước sinh hoạt, thiếu thực phẩm, đừng nói đến giải trí. Y sĩ Nông Quang Nghiêm, trưởng trạm y tế xã Đường Hồng, Bắc Mê, Hà Giang, một trong những cán bộ y tế xã được nhận giải thưởng lần này, mỗi tháng phải đi bộ ra huyện 2-3 lần để cõng thuốc chữa bệnh về xã, mà đoạn đường ấy đâu có ít, những 38km. Nếu không tha thiết gắn bó với nghề và những người dân hiền lành, chất phác ở những nơi sơn cùng thủy tận ấy, chắc họ không thể gắn bó với nghề y lâu đến vậy.

Do biết kết quả nhận giải chậm nên ông Đặng Đăng Lý, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, đã không kịp đến nhận giải. Cứ ngỡ ông rất buồn, nhưng gọi về trạm y tế xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, chúng tôi nghe tiếng ông tíu tít qua điện thoại: “Hôm nay bà con đến khám bệnh đông lắm, từ sáng tới giờ đã tiếp nhận hơn 50 người rồi. Mình đi vắng lại nhỡ việc điều trị bệnh cho bà con”. Ông Lý, dân tộc Dao, là người cao tuổi nhất trong lần trao giải thưởng-học bổng này. Tháng 9 năm nay ông đến tuổi hưu, sau 42 năm làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở xã vùng sâu này. Ngần ấy thời gian ông đã giành lại sự sống cho biết bao người, vậy mà ông nói nhẹ như không: “Có gì đâu, việc gì làm được thì mình làm”...

Thiếu thốn đủ thứ nên nhiều đại biểu dự lễ trao giải đã giật mình thảng thốt khi được nghe mơ ước của bác sĩ Ngân Hoàng Hưng, trạm y tế xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng: có điện. Có điện, không phải cho mình mà để trạm y tế có thể mơ ước nhiều điều khác lớn hơn khi muốn chăm sóc tốt hơn sức khỏe bà con mình.

“Qua các câu chuyện được viết bằng ước mơ, nghị lực, nhân cách của các bạn, một lần nữa chúng ta lại thấy lửa: lửa của ước mơ, lửa của khát vọng, lửa của lòng yêu thương con người và sự tận tụy nghề nghiệp. Báo Tuổi Trẻ cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi những bài học làm người sâu sắc...” - ông Phạm Đức Hải, TBT báo Tuổi Trẻ nói như tâm sự.

Ông Trần Chí Liêm, thứ trưởng Bộ Y tế: “Giải thưởng - học bổng Đặng Thùy Trâm dành cho cán bộ, học viên, sinh viên y khoa từ sáng kiến của báo Tuổi Trẻ là mô hình điển hình, để cộng đồng xã hội chung tay góp sức phát triển kinh tế, văn hóa vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước”.

Anh Trần Đắc Vinh, bí thư T.Ư Đoàn: “Tôi muốn tâm sự với các bạn trẻ được nhận học bổng Đặng Thùy Trâm hôm nay. Bao thế hệ đi trước đã không quản ngại hi sinh, kể cả xương máu. Còn chúng ta hôm nay, điều tốt nhất các bạn có thể làm cho cộng đồng là sẵn sàng đi đến bất kỳ nơi đâu người dân cần cán bộ y tế nhất...”.

Bà Trần Thị Đào, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty dược phẩm Imexpharm: “Thuốc men và các thiết bị y tế đang ngày càng hiện đại để bảo vệ con người. Tuy nhiên những phương tiện ấy sẽ không phát huy được hiệu quả nếu thiếu tấm lòng của người thầy thuốc...”.

..............................

fgN5G4ny.jpgPhóng to

Phúc lên Tuyên Quang bốc thuốc gửi cho em trai ở miền Nam - Ảnh: T.Đức

Hơn cả một hoàn cảnh, số phận và hành trình đến với giảng đường gian khó của cô SV 37 tuổi ấy khó ai tưởng tượng nổi. Phúc hồi tưởng:

Xã tôi là một xã nghèo ở huyện Yên Định (Thanh Hóa). Mẹ tôi bảo hồi mới sinh ra tôi hay khóc nhè; mà khóc lạ lắm, nhiều khi không thành tiếng, chỉ thấy nước mắt chảy ra. Lo sợ điều gì đó, mẹ chọn cho tôi cái tên Phúc - Nguyễn Thị Phúc, chắc mong đời con sẽ không khổ như đời mẹ.

Tên Phúc nhưng suốt những mùa đông giá rét, ba chị em tôi chưa một lần được tắm nước ấm vì phải dành củi bán mua gạo. Bữa cơm toàn rau với lạc; hôm nào bố may mắn bắt được con cá, chờ hai đứa em ăn xong phần nạc, còn tôi phần xương, ăn không bỏ chút gì.

Lên cấp III, ngày ngày tôi đi bộ 12km từ nhà đến Trường THPT Yên Định. Cứ 3 giờ sáng tôi dậy phụ mẹ bó đọt rau lang; nửa cân một bó, đủ 30 bó thì cho vào bao và cõng bao đọt lang ấy lần mò trong đêm, đi liên tục trong 3 giờ để đến chợ Kiểu (thị trấn Quán Lào), cách trường chừng 1km ngồi bán. Nhiều hôm mưa to, tới giờ học chỉ bán được vài bó rau, nước mắt con bé tuổi mới lớn trộn lẫn với nước mưa. Mang rau vào lớp, chúng bạn trêu, tôi tìm mấy bụi tre vắng người qua lại giấu rau vào, tan trường lại lôi ra bán tiếp...

Làng lúc ấy khó tìm việc quá. Mẹ và đứa em trai Nguyễn Văn Hòa nghe một người quen giới thiệu vào Krông Ana (Đắc Lắc) chăm sóc rẫy cà phê mướn. Hai năm sau, em gái út Nguyễn Thị Bình cũng rưng rức chia tay chị vào làm công nhân ở Bình Dương... Tôi ở lại nhà, vừa làm vừa học để chăm sóc bố đã cao tuổi lại hay bị ốm.

Tôi lấy chồng khi chưa kịp yêu, cốt chỉ tìm một chỗ dựa để chăm nom bố. Chồng tôi hay say rượu, mỗi lần say là đánh tôi sưng cả mắt mũi. Có lúc ngủ tôi cũng bị đánh, hốt hoảng mà không biết mình tội gì. Nhiều hôm tôi trốn chồng bồng con chạy sang hàng hiên, chái bếp của mấy nhà trong xóm ngủ nhờ. Ngủ mà không dám cho chủ nhà hay, phần sợ chồng biết lại đến đánh, phần giữ thể diện cho bố mẹ mình.

Suốt mấy năm như thế, chịu hết nổi tôi gửi con lại cho bố, đi học làm giáo viên giữ trẻ. Một lần về thăm nhà, bàng hoàng nghe tin bố té ao phải vào viện, tôi quáng quàng bắt xe sang cũng là lúc ông ra đi. Đau đớn quá, bố đi mà không có người thân bên cạnh. Chiều 8-4-2001 ấy, một mình tôi đưa bố từ bệnh viện về nhà lo hậu sự vì mẹ và hai em ở miền Nam không về kịp. Trong lúc soạn bàn hương cho bố, tôi tình cờ nhặt được lá thư bố viết gửi cho tôi tuần trước vỏn vẹn mấy dòng: “Bố bị ốm, đang nằm ở phòng số 3 bệnh viện huyện. Con về thăm bố nhé. Bố có gói kẹo cho con đây”. Khi ấy chồng tôi mới thú nhận chính anh đã giấu thư, không gửi. Tôi như hóa đá trước nỗi đau khôn cùng...

Chôn cất bố xong, ba mẹ con tôi dắt díu nhau ra ga tìm vào Đắc Lắc với mẹ và em trai; lên tàu chỉ với 120.000 đồng trong túi. Lần đầu đi xa, không thông đường, không tiền, xúc động quá khi tôi đã được nhiều bà con miền Nam thương, tận tình giúp đỡ. Cái nợ ân tình này không biết bao giờ tôi có thể trả được...

Mấy mẹ con hẹn nhau cùng về quê viếng hương hồn bố. Đoàn tụ dưới mái nhà xưa chưa được bao lâu thì đứa em gái ốm suốt. Đưa vào viện phát hiện em bị bệnh máu không đông, cần truyền máu. Đứa em trai thử máu để tiếp cho em thì lại hay lá gan của em đã bị nhiễm siêu vi, không chạy chữa ngay có thể tiến triển thành ung thư gan. Trời ơi, tuổi thơ của các em tôi đã quá vất vả, hi sinh vì gia đình... Nhiều đêm ngủ chập chờn, tôi mơ thấy mình là bác sĩ khám bệnh, tiêm thuốc cho em...

“Tôi như được sinh lần thứ hai”

Một bữa tình cờ nghe đài phát thanh thông báo Trường CĐ Y tế Thái Nguyên tuyển sinh trung cấp điều dưỡng, bao ước vọng sống lại trong tôi. Suy tính mãi, cuối cùng tôi quyết định dắt hai con về quê, mang sổ hộ nghèo của mẹ vay được ít tiền làm lộ phí lên Thái Nguyên nộp hồ sơ rồi về nhà tự ôn thi.

Mười năm chia tay kiến thức vậy mà lại đỗ. Tôi như được sinh ra lần thứ hai...

Lên Thái Nguyên trọ học, tôi xin được vào làm bưng bê, rửa bát ở một tiệm phở, được trả công 300.000 đồng/ tháng trong khi học phí 250.000 đồng/tháng, trọ 200.000 đồng/tháng, ăn 10.000 đồng/ngày Tôi lại xin đi làm thêm việc nữa: phát tờ rơi quảng cáo.

Cuối năm ngoái, khi đang làm thêm tôi bị ngất: vỡ khối u buồng trứng, phải truyền 4 lít máu và nghỉ làm, nghỉ học gần một tháng. Ra viện ít lâu lại bị xe tông (bạn cùng lớp chở tôi bị chấn thương sọ não), rạn một xương sườn. Tiền đâu mà chữa trị, tôi nén đau vừa đi làm trở lại vừa đi học.

...Sắp tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng, tôi mong học liên thông lên CĐ, ĐH để may sao trở thành một bác sĩ giỏi, trị được bệnh cho hai em và bao nhiêu người nghèo khác ở quê. Tôi sẽ chăm sóc được mẹ và trả được nợ vay...

LAN ANH - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên