Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 23 (ngày 10-10), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ ra hạn chế khi phối hợp công việc giữa các sở ngành, giữa sở và quận huyện còn chậm trễ, lòng vòng, mất cơ hội cho người dân, doanh nghiệp.
Vấn đề đất dân cư xây dựng mới là một ví dụ. Sau loạt bài của Tuổi Trẻ Online, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã chủ trì hai cuộc họp (ngày 11-5 và 5-7) và chỉ đạo giải quyết nhưng đến nay chưa có kết luận chính thức.
Trong văn bản thông báo của Văn phòng UBND TP.HCM sau cuộc họp ngày 5-7 cũng truyền đạt chỉ đạo của ông Cường về việc xem xét, giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất cho đất thuộc quy hoạch khu dân cư xây dựng mới.
Ông Cường giao Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ quy định hiện hành khẩn trương tham mưu, đề xuất trình UBND TP ban hành hướng dẫn về điều kiện và các nội dung cần thiết để chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày 15-8.
Dù vậy, mãi đến ngày 5-9, Sở Tài nguyên và Môi trường mới có văn bản báo cáo, đề xuất. Sau đó, đến ngày 23-9, Văn phòng UBND TP lại tiếp tục có công văn truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch Bùi Xuân Cường giao một số sở cùng UBND các quận huyện, TP Thủ Đức rà soát, có ý kiến với những nội dung báo cáo và kiến nghị.
Chỉ đạo cũng nêu Sở Tài nguyên và Môi trường TP tổng hợp và báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND TP trước ngày 10-10.
Như vậy, các quận huyện và người dân có đất phải chờ thêm ít nhất một lần báo cáo, tham mưu nữa mới hy vọng được "gỡ vướng" vấn đề này.
Các chuyên gia về tổ chức, quản lý hành chính và luật nhận định việc gỡ vướng này "lòng vòng" qua nhiều bước dẫn đến giải quyết một vấn đề chậm, không hiệu quả.
Vướng mắc lớn nhất vấn đề "đất dân cư xây dựng mới" là quan điểm khác nhau giữa việc cho chuyển như đất quy hoạch nhóm nhà ở hay không cho chuyển, giữ lại để kêu gọi làm dự án.
Khúc mắc này đã được chính Phó chủ tịch Bùi Xuân Cường tháo gỡ trong kết luận sau cuộc họp ngày 5-7. Khi có chủ trương, việc chuyển mục đích với loại đất này như đất ở hiện nay đã có quy định rất rõ trong Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn.
Ngay chính trong báo cáo, đề xuất mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nêu các điều kiện, nội dung, trình tự theo quy định để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai.
Những quy định này không có gì mới, phát sinh và các UBND quận huyện vẫn áp dụng lâu nay. Tương tự, quy định về tách thửa, xây dựng trên đất dân cư xây dựng mới cũng không thiếu và được quận huyện nằm lòng.
Theo các chuyên gia, lẽ ra vấn đề nên được chốt ngay sau hai cuộc họp của UBND TP với các sở ngành, quận huyện. Khi đã có chủ trương cho chuyển, lẽ ra UBND TP chỉ đạo luôn cho UBND các quận huyện và TP Thủ Đức giải quyết hồ sơ tương tự quy định về chuyển mục đích sử dụng đất của nhóm quy hoạch nhà ở. Khi giải quyết có vướng mắc phát sinh thì hỏi ý kiến các sở. Như vậy, vấn đề được tháo gỡ sớm hơn.
Còn với quy trình giải quyết như hiện nay, các sở ngành, quận huyện lại tiếp tục rà soát, có ý kiến, tham mưu những nội dung đã được bàn từ các cuộc họp trước. Trong khi người dân, doanh nghiệp mỏi mòn chờ…
Phải nói lại, đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo UBND TP.HCM có chỉ đạo gỡ vướng việc này. Từ năm 2019, Văn phòng UBND TP truyền đạt Thường trực UBND TP cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển mục đích sang đất ở đối với khu quy hoạch được duyệt là đất ở nhưng chưa có quyết định thu hồi và chưa có kế hoạch sử dụng đất để Nhà nước thu hồi.
Thường trực UBND TP cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn. Tuy nhiên sau đó văn bản hướng dẫn của sở này lại không rõ ràng, nhập nhằng giữa quản lý đất đai và xây dựng nên việc giải quyết bế tắc.
Có nghị quyết của HĐND TP.HCM vẫn phải chờ
Hơn hai năm nay, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của bà Trịnh Huệ Khanh tại phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) chưa được giải quyết vì lý do "chờ ý kiến sở".
Khu đất này trước đây được HĐND TP.HCM phê duyệt 5 khu tạo quỹ đất tham gia đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 2 trên địa bàn Thủ Đức.
Tuy nhiên, từ tháng 12-2020, HĐND TP.HCM đã có nghị quyết thông qua danh mục hủy bỏ các dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn TP, trong đó có khu đất này.
Nghị quyết cũng giao UBND TP có kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện, công bố công khai việc hủy bỏ theo đúng quy định để bảo đảm quyền và lợi ích của người dân.
Về lý, sau khi có nghị quyết HĐND TP, đương nhiên người dân được "trả" lại các quyền bị hạn chế trước đây. Dù vậy, trong thông báo kết luận cuộc họp ngày 23-3-2023 giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng lại đề nghị UBND TP Thủ Đức rà soát, báo cáo cụ thể các khu đất tạo quỹ đất phục vụ tuyến đường vành đai 2 và đề xuất cụ thể hướng xử lý.
Đồng thời, thông báo còn giao Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp với UBND TP Thủ Đức trong việc rà soát, đề xuất. Đến nay, Thủ Đức đã 2 lần gửi báo cáo xin ý kiến nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường chưa phản hồi. Bà Khanh và một số hộ dân khác vẫn mỏi mòn chờ ý kiến trao đổi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận