31/01/2012 03:29 GMT+7

Giải quyết hồ sơ cho dân: Nơi nhanh, nơi "ngâm"

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Người dân nông thôn nói chung và bà con ở khu vực ĐBSCL nói riêng có tâm lý ngại đến cơ quan nhà nước làm các thủ tục hành chính. Không ít người đã ví von công việc này “hành là chính”.

owWN1Xvd.jpgPhóng to

Người dân nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa điện tử” ở UBND huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) - Ảnh: Ngọc Hậu

Tuy nhiên, hiện nay đã có tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin và thay đổi cung cách làm việc của cán bộ tiếp dân theo hướng phục vụ dân.

Chỉ cần bấm nút...

Một ngày đầu năm 2012, chúng tôi đến UBND huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) và hết sức bất ngờ khi thấy người dân làm thủ tục nộp hồ sơ điện tử rất nhanh gọn. Chị Hồng Thị Cúc vừa đến nơi liền tiến tới máy bấm số thứ tự, rồi được nhân viên gọi nộp hồ sơ. Một lúc sau chị Cúc trở ra máy bấm lấy giấy hẹn tự động rồi hồ hởi nói: “Tui đi làm thủ tục điều chỉnh thành phần dân tộc Khmer cho chồng. Bấm máy lấy giấy hẹn thì biết một tuần sẽ có kết quả. Tui chắc chắn ngày đó sẽ có vì hai lần trước tui đã điều chỉnh cho con và được trả kết quả rất đúng hẹn”.

Nhờ UBND huyện Cầu Ngang cử hẳn một nhân viên chuyên hướng dẫn cách thức thao tác máy bấm số thứ tự và giải đáp thắc mắc nên bất cứ người dân nào, kể cả người không biết chữ, cũng có thể làm được.

Theo ông Lê Thanh Dũng, phó chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, từ khi ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” thì tất cả các thủ tục, thông tin giải quyết hồ sơ đều công khai trên máy tính. Người dân không phải tìm người này người kia hỏi mất thời gian.Thủ trưởng cơ quan ngồi tại phòng làm việc vẫn có thể theo dõi, quản lý các hoạt động của tổ tiếp nhận và trả kết quả.

Những người khá rành thủ tục điện tử như chị Cúc nói với việc giải quyết thủ tục hành chính điện tử thì họ dễ dàng biết tình trạng hồ sơ của mình. Một là thông qua máy đọc mã vạch hồ sơ được đặt tại trụ sở tiếp dân, hai là ngồi nhà gọi vào tổng đài 0743.849111 (làm theo hướng dẫn) để biết hồ sơ của mình được giải quyết tới đâu, đã xong chưa.

Ông Nguyễn Chí Hùng, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Trà Vinh, cho biết vừa qua đoàn công tác của Chính phủ đã khảo sát và đánh giá cao mô hình một cửa điện tử của huyện Cầu Ngang. Sắp tới tỉnh sẽ triển khai thêm mô hình này ở ba huyện Cầu Kè, Trà Cú và Tiểu Cần.

Tại tỉnh Bến Tre hiện có huyện Châu Thành và TP Bến Tre áp dụng mô hình giải quyết thủ tục hành chính một cửa điện tử. Ông Trần Văn Thanh, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bến Tre, nói cách làm này đã giúp mọi việc được tiến hành rất khoa học, nhanh gọn và công khai, minh bạch. Chỉ cần đưa phiếu hẹn vào máy đọc mã vạch là người dân có thể biết được hồ sơ đang giải quyết đến đâu để không phải lo lắng chờ đợi. Còn đơn vị quản lý hành chính cũng tiết kiệm được công sức tiền của, cán bộ quản lý có thể ngồi tại chỗ để giải quyết hồ sơ của dân.

Theo ông Thanh, những nơi giải quyết thủ tục hành chính thủ công vẫn còn rất nhiều hạn chế. Người dân nộp hồ sơ mà không biết có được giải quyết không, giải quyết tới đâu... Đó là chưa kể có tiêu cực trong quá trình nhận và giải quyết hồ sơ. Từ kết quả đạt được của mô hình “một cửa” điện tử, tỉnh Bến Tre có kế hoạch đầu tư tới cấp xã để tiến tới mô hình “chính quyền điện tử”. Trước mắt, tỉnh đã triển khai phổ cập Internet tới nông dân để khi áp dụng họ sẽ thao tác thuần thục.

Làm thủ công, dân bị “hành”

Bà N.T.X.H. ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) là một trong rất nhiều nạn nhân của nạn “hành là chính”. Tháng 7-2010, bà H. nộp hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tháng 11-2010, bà H. đến Phòng tài nguyên - môi trường huyện hỏi thì được hướng dẫn về xã lấy... giấy hẹn! Bà H. trở về xã thì được cán bộ địa chính cấp giấy hẹn đến ngày 15-12-2010 trả hồ sơ nhưng đúng hẹn bà ra xã lại được chỉ lên... huyện. Lần này bà H. lên huyện thì huyện chỉ ngược về xã, nhưng cuối cùng chẳng thấy sổ đỏ ở đâu.

Bà H. cho biết bà đã gọi tổng cộng 62 cuộc điện thoại và đi đến huyện, xã tới 24 lần nhưng vẫn không lấy được sổ đỏ. Bà H. khiếu nại. Tháng 7-2011, phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ với ông Đinh Văn Tấn, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường, thì được trả lời giải quyết hồ sơ của bà H. chậm là do phần mềm in sổ đỏ bị hỏng. Ông Tấn hứa sẽ cố gắng giải quyết hồ sơ cho bà H. một tuần sau đó.

Hồ sơ của bà H. được giải quyết trong một năm vẫn còn là may mắn. Hồ sơ đất đai của ông Phạm Thành Niên (xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã nộp tới 10 năm mà vẫn còn được hẹn... ráng chờ. Năm 2000 ông Niên bị thu hồi đất làm chợ Hòa Lạc và được hứa cho ông ưu tiên mua nền nhà diện tích 64m2 thuộc khu A7 (có biên bản thỏa thuận). Thế nhưng suốt 10 năm ông Niên chạy từ xã lên huyện rồi về xã thì đều được khuyên ráng chờ huyện sẽ giải quyết.

Đến tháng 10-2011, ông Niên nhận được thông báo đến xã nhận nền nhà tái định cư nhưng xã chỉ giao cho ông nền nhà ở khu A5 và diện tích chỉ có 56m2. Tết Nhâm Thìn vừa qua, gia đình ông Niên buồn hiu vì kết quả không như mong đợi của 10 năm chạy tới chạy lui lo giấy tờ miếng đất.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên