Cọc mốc dự án đi qua nhà ông Mã Văn Quảng, 76 tuổi, ở 17B đường Nguyễn Văn Bứa (ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: Đ.PHÚ
Dọc khu vực đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP những ngày này, cọc mốc của ranh dự án đã được cơ bản cắm xong.
Mong có chỗ ở mới gần chỗ cũ
Mấy hôm nay xem ti vi, nghe đài biết tin giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3 là sẽ là dự án kiểu mẫu, nơi ở mới của người dân sẽ bằng hoặc tốt hơn, giá bồi thường sẽ sát giá thị trường, tôi cũng mừng thầm. Tôi có mảnh đất rộng hơn 1.000m2 chia cho bốn người con xây nhà. Cả bốn căn nhà đều nằm trong ranh dự án. Tôi sống ở trên mảnh đất này từ nhỏ và buôn bán làm ăn ở đây quen rồi, nên khi tái định cư tôi muốn được sống gần khu vực này.
Bà Huỳnh Thị Xuân (nhà trên đường số 10, phường Long Trường, TP Thủ Đức)
Tái định cư theo nguyện vọng
Nhà tôi ở mặt tiền đường, kinh doanh buôn bán 10 năm qua. Mặt bằng nơi này có thể nuôi sống gia đình tôi tới già, phải di dời cơ ngơi gắn bó mấy chục năm qua để đi chỗ khác là mất mát rất lớn. Với thực trạng đất đai đắt đỏ như hiện nay, nếu cầm số tiền đền bù đi mua, chưa chắc đã có vị trí kinh doanh tốt như vậy.
Nguyện vọng của gia đình tôi là địa phương phải tạo điều kiện cho chúng tôi có nơi ở tốt, phù hợp với tâm tư nguyện vọng. TP cũng đã nói quyết tâm không để người dân chịu thiệt và chúng tôi chờ thực hiện được điều này.
Tôi thấy trước đây có nhiều dự án tái định cư ở vị trí không tốt, các hộ bị giải tỏa phải bỏ đi nơi khác. Tôi đề nghị địa phương công bố rõ ràng về nơi tái định cư, nơi đó điện nước, hạ tầng, đường sá đầy đủ hay không để người dân xem xét và quyết định chọn nơi ở mới.
Một hộ dân (thuộc diện giải tỏa ở đường Nguyễn Văn Bứa, ấp 5 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn)
Đền bù sớm, mức giá hài lòng
Dự án này đã được quy hoạch từ 2011. Nhiều năm trước, địa phương cũng đã mời chúng tôi lên họp. Thực tình nhiều năm qua gia đình tôi chờ đợi Nhà nước làm con đường càng sớm càng tốt để được an cư, ổn định cuộc sống.
Gia đình tôi chuyển về đây sinh sống từ năm 1976, hiện có đất 600m2. Tôi xây căn nhà cấp 4 để ở, phía sau có làm dãy trọ cho thuê được 15 triệu đồng/tháng. Tôi đã già, con cái có gia đình riêng, cuộc sống bao năm nay phụ thuộc vào tiền thuê trọ. Tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng sớm để làm đường, phát triển kinh tế. Ngược lại, tôi muốn được đền bù với mức giá hài lòng.
Ông Mã Văn Quảng (76 tuổi, ở 17B đường Nguyễn Văn Bứa, ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn)
Thêm hỗ trợ để ổn định cuộc sống
Nhà tôi và nhà mẹ (kế bên) đều thuộc diện giải tỏa để làm đường vành đai 3 TP.HCM. Vài hôm trước, cán bộ ban bồi thường giải phóng mặt bằng đã xuống ghi nhận, kiểm kê, thu thập hồ sơ pháp lý.
Đất ông bà để lại. Tôi làm nội trợ và may vá, còn chồng đi làm phụ hồ. Khi nghe sẽ giải tỏa, cả gia đình tôi rất lo lắng, không biết mai này mình sẽ chuyển về đâu và được đền bù ra sao. Đây là dự án lớn, tôi chỉ mong Nhà nước đền bù giá tốt, gần nhà và có thêm các hỗ trợ khác để ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (đường Nguyễn Duy Trinh, khu phố Tam Đa, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức)
* Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):
Cần bồi thường thỏa đáng ngay từ đầu
Công tác giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định đến tiến độ dự án. Mặt bằng chậm dẫn đến đội vốn, giảm hiệu quả đầu tư. Để giải phóng mặt bằng vành đai 3 TP.HCM thành khuôn mẫu cho các dự án án khác, ngay từ đầu phải đề xuất vị trí tái định cư và số tiền đền bù phù hợp để người dân đồng thuận.
Đền bù theo chính sách của Nhà nước nhưng phải gắn với thực tế từng địa phương, phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Bởi họ là những người đã nhường đất, dời nhà để làm đường vì sự phát triển chung của TP. Trách nhiệm của địa phương là phải làm sao đảm bảo, chăm lo được đời sống của họ bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.
Khi có giá đền bù và thống nhất với người dân, các đơn vị phải làm nhanh và đồng bộ. Nếu chúng ta làm tốt công tác giải phóng mặt bằng vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra sự lan tỏa lớn để nhận được sự đồng thuận từ người dân khi làm các dự án khác trong tương lai.
* Ông Võ Kim Cương (nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM):
Xem người dân là đối tác
Về định nghĩa, theo tôi, mô hình kiểu mẫu phải đảm bảo được các yếu tố mô hình tốt và đã được thực hiện thành công.
Mô hình tốt là mô hình phải hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Tức là các bên vừa phải có sự hài lòng vừa đảm bảo tiến độ, đảm bảo kỹ thuật.
Tôi cho rằng cần phải xác định ngay từ đầu là phải bồi thường tốt, thỏa đáng cho người dân để công tác giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh. Giải phóng mặt bằng càng dây dưa càng khó giải quyết bởi giá đất mỗi năm lại thay đổi, tăng lên.
Do vậy, khi làm công tác giải phóng mặt bằng, người dân được đặt ở vị trí đối tác. Nói phải đi đôi với làm và phải thực hiện thành công thì mới trở thành mô hình kiểu mẫu được.
Hoàn thành cắm mốc vào 20-10
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư), việc cắm cọc dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 20-10. Việc hoàn thành công tác phê duyệt ranh dự án và cắm mốc bàn giao ranh mốc ngoài thực địa cho tất cả 13 phường, xã thuộc bốn địa phương với 47km vành đai 3 TP.HCM trên địa bàn thành phố trong tháng 10 này là một cột mốc vô cùng quan trọng trong tổng tiến độ triển khai dự án.
Dự án vành đai 3 TP.HCM dài hơn 76km, chia thành tám dự án thành phần, bốn địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Theo yêu cầu của Chính phủ, tới tháng 6-2023, các địa phương phải hoàn tất bàn giao mặt bằng 70% để khởi công dự án, cuối năm 2023 phải hoàn tất bàn giao 100% mặt bằng.
Riêng TP.HCM đang nỗ lực phấn đấu để giữa năm 2023 cơ bản bàn giao mặt bằng và quý 3-2023 phải hoàn tất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận