25/11/2015 07:26 GMT+7

Giải pháp chống ngập của Sơn

KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)
KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)

TT - Chuyện ngập của TP.HCM là nỗi niềm bức xúc không chỉ của người dân mà còn là trăn trở lớn của những người làm công tác trong lĩnh vực “chống ngập” như anh Sơn.

Trần Đức Sơn (trái) theo dõi hoạt động phá bọt tại khu song chắn rác nhà máy xử lý nước thải  - Ảnh: K.Anh
Trần Đức Sơn (trái) theo dõi hoạt động phá bọt tại khu song chắn rác nhà máy xử lý nước thải - Ảnh: K.Anh

Trăn trở với công việc, đề xuất những sáng kiến cải tiến hữu ích cho đơn vị, anh Trần Đức Sơn - 31 tuổi, chuyên viên phòng quản lý nước thải Trung tâm Chống ngập TP.HCM - vừa được Thành ủy TP.HCM tuyên dương về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014-2015.

Những năm trước khi chưa lắp đặt hệ thống tia nước tại “họng” chắn rác, công nhân tụi tôi khổ sở với việc xử lý đám bọt bốc mùi khó chịu lắm. Bọt còn làm trạm biến áp hư hỏng thiết bị, mà trạm biến áp như trái tim của nhà máy, nếu bị trục trặc thì ảnh hưởng ngay tức thì. Từ ngày áp dụng sáng kiến của anh Trần Đức Sơn, công nhân tụi tôi bớt vất vả hơn, mọi người xung quanh cũng đỡ ngửi mùi khó chịu khi phải đi ngang qua khu vực này

Anh NGUYỄN CHÍ THANH (công nhân Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa)

Tìm lời giải để công nhân bớt vất vả

Khuôn viên Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa nhìn như công viên với cây xanh, những hồ nước mênh mông nhưng công nhân vận hành nơi đây rất vất vả để xử lý phần bọt tạo ra ngay cửa bơm nước thải trước khi đưa vào hệ thống xử lý.

Với áp lực nước mạnh, lưới chắn rác đặt ngay cửa lấy nước thải vô tình càng làm tăng thêm bọt nơi đây. Những hôm nước thải quá nhiều hóa chất, trời nắng nóng, cột bọt cao đến 5 - 6m. Chính những cột bọt sóng đó là tác nhân gây ra những hỏng hóc của trạm biến áp ngay đấy. Đã có lần bọt sóng tác động quá trình oxy hóa làm mất điện, nhà máy phải ngưng hoạt động.

Công nhân tìm mọi cách khắc phục tình trạng tạo bọt vì không thể gỡ rào chắn, rác sẽ tràn vào hệ thống. Có hôm bọt lên cao bị gió thổi bay dính cả vào người đi đường, gây ô nhiễm môi trường. Hôm nào bọt nhiều, công nhân phải dùng vợt để hớt, nhiều hôm còn phủ cả bạt lên cũng không ăn thua. Ban ngày còn dễ, gặp ban đêm càng làm khó người công nhân.

“Ban đêm nhiều hộ dân sản xuất nhỏ lén đổ chất thải công nghiệp vào hệ thống thoát nước thải sinh hoạt nên hiện tượng bọt càng nhiều. Tôi trăn trở không biết làm sao khắc phục tình trạng này. Rồi tôi chợt nghĩ những tia nước sẽ đánh tan bọt một cách dễ dàng. Tôi đề xuất đặt một máy bơm lấy chính nguồn nước thải đang xử lý dưới hồ bơm lên tạo các tia nước nhỏ xung quanh “họng” đưa nước thải vào xử lý. Nhờ thế hiện tượng bọt giảm hẳn. Công nhân không phải đứng hớt bọt dưới tình trạng nắng gắt và mùi hôi nồng nặc nữa” - Trần Đức Sơn cho biết.

Làm “bửu bối” dày 200 trang

Trần Đức Sơn được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ làm trưởng nhóm mục tiêu 1 của dự án “Tăng cường năng lực quản lý hệ thống thoát nước và thu gom tại TP.HCM, giai đoạn 2”. Anh cùng đồng nghiệp phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và sau ba năm, dự án đã kết thúc hiệu quả vào năm 2014, góp phần vào công việc chung nhằm giảm ngập cho đô thị.

Với vai trò là bí thư chi đoàn, Sơn cùng các bạn trẻ trong đơn vị triển khai thực hiện công trình thanh niên “Xây dựng quy trình giám sát, quản lý vận hành, bảo dưỡng các trạm bơm trung chuyển và nhà máy xử lý nước thải”.

Không bao lâu, một cuốn cẩm nang dày hơn 200 trang đã hoàn thành và trở thành “bửu bối” cho những ai mới nhận nhiệm vụ tại các đơn vị liên quan đến trạm bơm hay nhà máy xử lý nước thải trong đơn vị.

“Công trình được mọi người chung tay thực hiện, đưa ra những việc cần làm từng bước cụ thể của từng khâu, từng vị trí nhằm tránh những sai sót không đáng. Nó hữu ích đối với những bạn trẻ mới vào nghề” - Sơn chia sẻ.

Năm 2014, Sơn tiếp tục cùng chi đoàn thực hiện thêm công trình thanh niên “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xóa, giảm các điểm ngập do triều tại khu vực chợ Thủ Đức”.

Chợ Thủ Đức là khu vực trũng nên mỗi lần trời mưa kèm hiện tượng triều lên là bị ngập. Nghiên cứu thấy hệ thống cống xung quanh khu vực chợ Thủ Đức vừa lớn lại vừa dốc, Sơn cùng các đoàn viên khác đề xuất xây vách ngăn vào cống để giảm lưu lượng đổ về phía chợ Thủ Đức, nhờ thế hiện tượng ngập do triều lên cũng giảm hơn.

Sơn còn thiết kế chương trình để chi đoàn tổ chức cho học sinh tham dự những buổi tham quan Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Hơn 1.200 học sinh quận Tân Phú, Tân Bình đã có những tìm hiểu thực tế. Chi đoàn còn tuyên truyền thêm cho các học sinh kiến thức bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức không xả rác bừa bãi, nhất là xả rác xuống kênh rạch cũng như nêu cao tinh thần tiết kiệm nước, nguồn tài nguyên không vô tận.

Riêng việc triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Sơn triển khai cho mọi đoàn viên trong chi đoàn tự đăng ký thực hiện, cuối năm viết phiếu thu hoạch và tập thể chi đoàn bình chọn, góp ý.

“Khi triển khai, tôi luôn nhắc các bạn hãy đăng ký những việc làm thiết thực, gắn với chuyên môn và ngay cả những phần việc cần khắc phục như đơn giản chỉ là giữ gìn nơi làm việc gọn, sạch; sử dụng máy móc thiết bị hiệu quả... không cần phải đăng ký những việc quá sức mình để không thể hoàn thành được” - Sơn cho biết.

KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên