14/02/2024 08:09 GMT+7

Giải đấu cầu lông của tình yêu gia đình

SĨ HUYÊN
và 1 tác giả khác

Khi mọi người có xu hướng cùng đắm chìm trên không gian mạng, có lẽ rất hiếm khi các thành viên trong gia đình cùng ném điện thoại qua một bên để quây quần bên nhau. Có đấy, có một mô hình rất cần nhân rộng khi xã hội bước nhanh vào số hóa.

Cả nhà giảng viên Vương Đức Hải có mặt từ giải thử nghiệm vào năm 2020 - Ảnh: NVCC

Cả nhà giảng viên Vương Đức Hải có mặt từ giải thử nghiệm vào năm 2020 - Ảnh: NVCC

Cha động viên con, con hỗ trợ và bọc lót cho cha mẹ, chồng bao sân cho vợ..., đi kèm là những cái ôm, đập tay...

Những khoảnh khắc dễ thương ấy xuất hiện ở Giải đấu cầu lông gia đình do Trung tâm Thể dục thể thao kết hợp với Liên đoàn Lao động và Phòng Giáo dục TP Thủ Đức tổ chức trong năm qua.

Để có khoảnh khắc ấy là những ngày tháng rèn luyện của nhiều gia đình. Họ đã bước ra khỏi thế giới mạng, dành nhiều thời gian bên nhau.

Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình Giải cầu lông gia đình sang các môn khác và mong muốn không chỉ dừng trong TP Thủ Đức. Tình cảm gia đình, những tiếng yêu thương sẽ chắp cánh để các môn thể thao lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng. Nhiều người trong gia đình chơi thể thao thì gia đình khỏe, mà gia đình khỏe thì đất nước khỏe.
Ông Nguyễn Hải Đăng

Đồng thuận “xé luật”

Ông Nguyễn Hải Đăng (phó giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Thể dục thể thao TP Thủ Đức) cho biết: “Thật choáng ngợp trước số lượng VĐV dự giải.

Ba năm trước, chúng tôi từng phối hợp tổ chức thử nghiệm giải đấu, khi ấy chỉ có mươi cặp dự thi. Nay lên TP Thủ Đức (TP.HCM), sân chơi nở nồi đến không ngờ”.

Dù ban tổ chức không quảng bá về giải đấu nhưng số người đăng ký quá lớn, chốt sổ rồi vẫn còn nhiều gia đình xếp hàng chờ. Một cảm xúc vừa vui, vừa áy náy, thế là ban tổ chức đã quyết định “xé luật”.

Theo luật, mỗi ván đấu cầu lông là 21 điểm nhưng người tham gia đồng thuận giảm còn 15 điểm/ván để các trận vòng loại kết thúc sớm mới kịp thời gian hoàn thành giải đấu. “Đáng yêu hơn là có nhiều cặp đấu giỏi đã tự nguyện rút tên để nhường sân chơi cho các cặp khác. Đây là điểm nhấn lớn của sân chơi phong trào...” - ông Đăng chia sẻ.

Ban tổ chức còn cho phép các gia đình đăng ký thi đấu ở các nội dung: cha - con, mẹ - con, chồng - vợ ở hai nhóm tuổi trên và dưới 45.

Không chỉ vận động rèn luyện sức khỏe, đây là cơ hội để cha con, mẹ con hay vợ chồng gắn kết.

Thế là trên sân con bao quát để giảm “gánh nặng” bị ép sân cho cha hay mẹ, hoặc chồng vợ cùng phối hợp nhịp nhàng trong một tình huống để ghi điểm.

Chị Lê Thị Thìn (kinh doanh cá thể) - cùng con trai dự giải - cho biết: “Dự giải, tôi và con trai cảm thấy gắn bó với nhau hơn. Con trai đánh khá tốt, bao bọc luôn mẹ.

Tôi có cảm giác được con che chở và chăm sóc, con tôi cũng vì vậy mà tự tin, ra dáng người đàn ông của gia đình hơn. Điều này cũng tập cho con thói quen tự lập và gánh vác việc gia đình. Còn gì tuyệt vời hơn ở sân chơi này”.

Anh Vương Đức Hải (giảng viên Trường cao đẳng Xây dựng TP.HCM) dự giải cùng con cho biết: “Thật ấm áp. Không dễ gì cha mẹ và con nhờ chơi thể thao mà gia đình được gần nhau”.

Trên sân, ta thường bắt gặp khoảnh khắc con “chỉ đạo” cha mẹ phải đánh thế này thế kia, còn đấng sinh thành vui vẻ gật gật đầu. “Mình đánh yếu nên phải nghe con. Ở nhà mình nói con nghe nhưng trên sân tất cả đều là VĐV với nhau” - chị Thìn chia sẻ.

Khoảnh khắc dễ thương - cha và con hội ý trên sân đấu sau một tình huống - Ảnh: VĂN LUÂN

Khoảnh khắc dễ thương - cha và con hội ý trên sân đấu sau một tình huống - Ảnh: VĂN LUÂN

Sẽ có “Giải cầu lông gia đình” thường niên

Theo ông Nguyễn Hải Đăng, “ban đầu chúng tôi âm thầm làm thăm dò “bỏ túi” ở các nhóm chơi tự phát, rồi đến các CLB cầu lông đang sinh hoạt tại thành phố và nhận được kết quả: đủ cơ sở để tổ chức Giải cầu lông gia đình”.

Lo ngại lớn nhất là kinh phí nhưng sẽ vượt qua. Liên đoàn Lao động TP Thủ Đức có hơn 1.000 công đoàn cơ sở với rất đông công nhân nhưng ít có điều kiện chơi thể thao. Rồi ngành giáo dục có các trường cấp I, II và mầm non. Thế là ba bên bắt tay nhau để mở ra cơ hội rèn luyện sức khỏe cho mọi người.

Trung tâm Thể dục thể thao lo sân bãi, trọng tài. Liên đoàn Lao động và Phòng Giáo dục đảm trách giải thưởng và khen thưởng. Chi phí được ba bên cùng “góp gạo”, một phần rút ra từ lệ phí dự giải (300.000 đồng/cặp).

“Hơn 200 triệu đồng phí tổ chức không quá lớn với giải đấu có nhiều người tham dự và nhiều đơn vị đồng tổ chức, nhưng lại là quá lớn nếu chỉ một đơn vị đăng cai...” - ông Đăng chia sẻ.

Sau kinh phí, khó khăn nữa là sân đấu khi số VĐV quá lớn. HLV Lê Văn Luân (phó trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm Thể dục thể thao TP Thủ Đức) cho biết: “Chúng tôi đau đáu với câu hỏi làm sao đủ sân cho hơn 600 cặp gia đình thi đấu?

Anh em tất tả ngược xuôi khắp thành phố để tìm sân với yêu cầu không tổ chức nhiều địa điểm để hạn chế việc VĐV phải di chuyển xa”. Cuối cùng mọi thứ đã được giải quyết khi chủ nhân của 15 sân cầu lông Victory ở phường Trường Thọ góp sức.

Anh Luân cho biết: “Vị chủ nhân này đã miễn phí cho giải đấu trong bốn buổi đánh vòng loại, từ trưa đến chiều tối, từ bán kết trở đi chuyển về Nhà thi đấu Trung tâm Thể dục thể thao thành phố...”. 

Anh Lê Văn Luân kể: “Kết thúc giải, chúng tôi nhận được nhiều tin nhắn của người dự giải. Không chỉ nói lời cảm ơn khi được góp mặt ở sân chơi mang đậm tính gia đình, họ mong sao giải đấu này trở thành truyền thống của phong trào thể thao quần chúng. Cũng có nhiều người trách ban tổ chức vì sao không quảng bá rộng rãi để nhiều người biết đăng ký thi đấu”.

Còn ông Đăng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì Giải cầu lông gia đình trở thành giải đấu thường niên có truyền thống, dự định vào dịp 28-6 hằng năm.

Hấp dẫn giải bóng đá phong trào chuyên nghiệp đầu tiên của TP.HCMHấp dẫn giải bóng đá phong trào chuyên nghiệp đầu tiên của TP.HCM

Chiều 12-11, Giải bóng đá phong trào Saigon Super League 2023 - Tranh cúp Ta Pha đã khai mạc sôi động và chuyên nghiệp trên sân vận động Quân khu 7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên