02/10/2022 10:31 GMT+7

Chuyên nghiệp như bóng đá phong trào

HOÀI DƯ
HOÀI DƯ

TTO - Thi đấu giao hữu hằng tuần, có trang thông tin riêng, nhà tài trợ áo đấu, nhóm hỗ trợ truyền thông... chẳng khác gì bóng đá chuyên nghiệp là xu hướng của các đội phong trào sân 11 người tại TP.HCM.

Chuyên nghiệp như bóng đá phong trào - Ảnh 1.

CLB CEO SGFC và Sa Huỳnh đá giao hữu trên sân Thống Nhất - Ảnh: DASC

Vài năm trở lại đây, phong trào rèn luyện sức khỏe trên sân 11 người (sân 11) ở TP.HCM nở rộ với sự xuất hiện của hàng trăm đội bóng với một số cái tên tiêu biểu như CEO SGFC, Vegan FC, Doanh Nhân Quảng Ngãi, Sa Huỳnh, Royal Car, Best Friend, Rio United, Doanh Nhân Plus, Kim Sơn... 

Đi cùng sự gia tăng về số lượng là sự nâng cao chất lượng hoạt động.

Người người cùng đá sân 11

TP.HCM có hàng chục sân 11 nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thuê sân của các đội. Một chủ sân tại TP.HCM cho biết các đội muốn có sân thi đấu phải thuê trước ít nhất 10 - 14 ngày, thậm chí có đội lên lịch đấu trước 2 tháng. 

Nhiều sân bóng hiện nay dù được khai thác hết công suất nhưng chỉ mới đáp ứng được 80 - 90% nhu cầu. Nhiều đội có tiềm lực tài chính mạnh còn thuê cả sân Thống Nhất... để trải nghiệm các tiện ích và mặt sân chuẩn quốc tế.

Lý giải nguyên nhân khiến phong trào bóng đá sân 11 người phát triển mạnh, anh Dương Trung Pháp - một cầu thủ - cho biết: 

"Tôi chuyển từ sân 5, 7 người sang sân 11 người vì đá sân 11 cũng có thể rèn luyện sức khỏe nhưng lại hạn chế các rủi ro chấn thương, lớn tuổi một chút cũng có thể đá tốt. Chưa kể chơi bóng sân 11 cũng cảm giác được sự thú vị, bởi đây là nơi các cầu thủ thể hiện đầy đủ toàn bộ kỹ năng chơi bóng của mình".

Tổ chức chuyên nghiệp

Khi chuyển sang chơi sân 11, các đội phải có đông thành viên mới duy trì sinh hoạt thường xuyên được. Điều này làm nảy sinh rất nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm nhất là công tác tổ chức và quản lý. 

Nhưng trong "cái khó ló cái hay", các đội bóng áp dụng mô hình điều hành không khác đội chuyên nghiệp là mấy. Họ phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân như "ông bầu" chịu trách nhiệm quản lý chung, người phụ trách chuyên môn, người giữ quỹ, người làm truyền thông, hậu cần... 

Các đội đều xây dựng nội quy sinh hoạt riêng và lập group thông báo nhằm trao đổi thông tin, quản lý cầu thủ một cách tốt nhất.

Không chỉ vận hành theo mô hình chuyên nghiệp, các đội bóng phong trào còn rất chú ý đến việc làm hình ảnh. Hầu hết đều có trang fanpage riêng để thông tin hoạt động của mình. 

Thậm chí một số đội tiêu biểu như CEO SGFC còn lập cả trang web riêng để làm truyền thông. Anh Võ Minh Trí, đơn vị truyền thông Dấu Ấn Sân Cỏ, chia sẻ có thời điểm quá tải vì nhu cầu chụp ảnh và livestream của các đội rất lớn.

Tài trợ vì tình nghĩa là chính

Hầu hết các đội bóng đá phong trào hiện nay khi thi đấu hằng tuần đều thuê người chụp ảnh và livestream để ghi lại các khoảnh khắc của đội nhà trên sân bóng cũng như để trả quyền lợi tài trợ. 

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay phần lớn các đội bóng sân 11 đều có nhà tài trợ, thậm chí có đội được hàng chục đơn vị khác nhau tài trợ. Trên áo đấu, ảnh thi đấu và sóng livestream, logo các nhà tài trợ được gắn chi chít - điều không phải đội bóng chuyên nghiệp nào cũng có được.

Để duy trì hoạt động của đội bóng, ngoài nguồn quỹ hằng tháng của thành viên, các đội phải tìm kiếm và vận động tài trợ. Có hai hình thức tài trợ là các cầu thủ trong đội có cơ sở kinh doanh hay nền tảng tài chính tốt đóng góp kinh phí. 

Đơn vị tài trợ sẽ được gắn logo lên các hình ảnh của đội bóng tùy yêu cầu, thậm chí có nhà tài trợ không yêu cầu gì cả. Hình thức thứ hai là các cầu thủ trong đội có quan hệ với các công ty hay doanh nghiệp bên ngoài xin tài trợ về cho đội.

Dù ở hình thức nào đi nữa thì các nhà tài trợ đến với đội chủ yếu bằng tình cảm là chính bởi khả năng quảng bá của các đội bóng này không quá lớn. 

"Nếu nghĩ đến hiệu quả khi tài trợ, nhiều người sẽ không chọn các đội bóng phong trào. Tôi chọn tài trợ cho đội bóng chủ yếu vì đam mê bóng đá đồng thời mong muốn cùng với anh em tạo ra sân chơi để rèn luyện sức khỏe hằng tuần" - anh Võ Viết Hoàng Anh, nhà tài trợ CLB CEO SGFC, nói.

Quản lý các đội bóng phong trào như thế nào?

Đa số các đội bóng phong trào hiện nay đều hoạt động tự phát. Do đó, nhiều vấn đề nảy sinh mà nhức nhối nhất là bạo lực sân cỏ.

Khi đặt vấn đề này với các ông bầu, họ cho biết để ngăn chặn tình trạng đá xấu cần mạnh tay kỷ luật nội bộ hoặc loại bỏ các cầu thủ đó ra khỏi đội. Ý thức cầu thủ tham gia các trận đấu rất quan trọng vì họ là chủ thể trong cuộc chơi.

Sự văn minh và tinh thần thể thao cao thượng là mục tiêu được xây dựng ở hầu hết các đội bóng. Qua thời gian, ý thức của các cầu thủ đã được nâng lên đáng kể.

Giải bóng đá phong trào TP.HCM cho đăng ký 5 cầu thủ chuyên nghiệp Giải bóng đá phong trào TP.HCM cho đăng ký 5 cầu thủ chuyên nghiệp

TTO - Sau một năm tạm hoãn do dịch COVID-19, lễ ra mắt Giải bóng đá các đội mạnh Thiên Long TL1-S7 2022 đã diễn ra tại TP.HCM trưa 25-9.

HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên