26/04/2014 01:00 GMT+7

Giải đáp những câu hỏi lớn của loài người

HỒNG NHUNG
HỒNG NHUNG

TT - Ước muốn khám phá những bí ẩn của vũ trụ và câu hỏi Trái đất có phải là nơi duy nhất trong vũ trụ có sự sống, có sinh vật phát triển cũng như liệu có người ngoài hành tinh hay không là những vấn đề loài người muốn làm sáng tỏ.

Hãy cho trẻ nhìn lên bầu trời và học thiên văn“Đi tìm sự sống ngoài Trái đất”

5yR3Ttfm.jpgPhóng to
GS Michel Mayor (giữa) và PGS.TS Phan Bảo Ngọc (phải) trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ - Ảnh: Trường Đăng

Khi Tuổi Trẻ mở ra chủ đề giao lưu trực tuyến “Đi tìm sự sống ngoài Trái đất” với hai nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Michel Mayor và Phan Bảo Ngọc trên tuoitre.vn và tuoitrenews.vn vào chiều 25-4 đã có hàng trăm câu hỏi gửi về tham gia giao lưu. Trong vỏn vẹn một tiếng giao lưu, các nhà khoa học đã cố gắng giải đáp hết thắc mắc của bạn đọc một cách giản dị, dễ hiểu nhất.

Các vấn đề bạn đọc Tuổi Trẻ đặt ra với hai vị khách mời đó là các nhà khoa học đi tìm sự sống ở các hành tinh như thế nào? Nếu tìm ra được hành tinh có sự sống giống như Trái đất thì sự sống đó thế nào? Có oxy để thở, có nước hay không và liệu con người có thể đến sinh sống ở đó? Khoảng cách từ Trái đất đến các hành tinh đó bao xa và bao giờ thì con người mới chế tạo ra các phương tiện hiện đại để có thể đặt chân lên những hành tinh đó? Hay nỗi lo lắng về điều gì sẽ xảy ra nếu Trái đất va chạm với một hành tinh khác, hay một ngày nào Mặt trời không còn chiếu sáng thì Trái đất lấy năng lượng từ đâu để tồn tại cũng như nếu một ngày nào đó, Trái đất bị hủy diệt thì con người sẽ đi đâu về đâu?

Bạn đọc Tuổi Trẻ cũng quan tâm đến việc có hay không người ngoài hành tinh và hiện tượng UFO, liệu có hay không những người ngoài hành tinh đến viếng thăm, thậm chí đang tá túc trên Trái đất và tạo ra những hiện tượng kỳ lạ như những hình vẽ khổng lồ trên các cánh đồng?...

Những câu hỏi tưởng như rất “phim viễn tưởng” đã được hai nhà vật lý giải thích bằng những căn cứ khoa học. GS Mayor “trấn an” mọi người rằng xác suất để Trái đất va chạm với hành tinh khác là bằng 0 bởi các hành tinh đều ở cách nhau rất xa và phải 5 tỉ năm nữa Mặt trời mới thôi phát ra năng lượng và không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra trong khoảng thời gian đó.

PGS Phan Bảo Ngọc cũng cho rằng việc đi tìm những hành tinh giống Trái đất hay sự sống ngoài Trái đất không phải để di cư đến đó mà để giải đáp câu hỏi lớn nhất của loài người là chúng ta có phải là duy nhất trong vũ trụ hay không. Hai nhà khoa học cũng cho biết chưa tìm thấy những tín hiệu của các nền văn minh khác ngoài vũ trụ và những hình thù kỳ lạ trên mặt đất chỉ là sản phẩm của con người. Đôi khi người ta tìm thấy những tín hiệu từ vũ trụ nhưng xem xét kỹ thì đó chỉ là tín hiệu phát đi từ các vệ tinh do con người phóng lên.

HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên