12/10/2015 14:34 GMT+7

Giải cứu bé gái 9 tuổi bị ép cưới ông lão 78 tuổi

HẢI YẾN
HẢI YẾN

TTO - “Cha cháu nói cháu sẽ là một người vợ, nhưng cháu chỉ muốn đến trường. Tuy nhiên người đàn ông ấy muốn cháu trở thành vợ ba của ông. Khi cháu từ chối, ông ta đã giam cháu lại …”

Josephine Kulea - cô gái quyết tâm phá vỡ hủ tục Samburu của bộ lạc mình - Ảnh: CNN

Đây là những lời tâm sự đầy nước mắt của Younis, bé gái người Kenya - nạn nhân của tục tảo hôn đầy man rợ theo thông tục Samburu truyền thống tại địa phương.

Ngay từ khi lên 9 tuổi, bé Younis đã bị ép gả cho một người đàn ông đáng tuổi ông nội mình. Tuy nhiên, với lòng can đảm và sự quyết tâm, Younis cùng các bé gái khác đã dám đứng lên chống đối tục tảo hôn đầy man rợ này, và ra đi tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.

“Cháu biết được có một người phụ nữ đang giúp đỡ những đứa trẻ. Từ Baragoi, trên đôi chân trần, cháu đi bộ đến Maralai. Lúc đó cháu thậm chí còn không có nổi một đôi giày để mang. Cô Kulea đã đón cháu đến văn phòng trẻ em của cô, và cô ấy đã cứu cháu”, Younis nói.

Vào thời điểm đó, văn phòng của cô Kulea cũng đang tiếp nhận 8 bé gái khác có hoàn cảnh tương tự như Younis. Đối với các em, cũng như 200 bé gái khác từng được cưu mang và giúp đỡ bởi Tổ chức Bé gái Samburu do chính Kulea sáng lập, cô chính là một người mẹ thứ hai của các em khi các em bị chính gia đình mình chối bỏ.

Cuộc đấu tranh dai dẳng

Kulea đang chiến đấu chống lại những hủ tục Samburu mà cô phải chịu đựng ngay từ khi được sinh ra. Ngay sau khi được đến trường và học một khóa y tá, cô bắt đầu tự hỏi bản thân về chuyện gì đang xảy ra đối với cộng đồng Samburu nơi cô đang sinh sống.

“Tôi nhận ra chúng tôi là những người duy nhất thực hiện cắt âm vật, những cộng đồng khác không làm như thế  - cô kể - Tôi nhận thức được rằng có điều gì đó không đúng ở đây, và tôi phải tạo ra sự khác biệt, đó là cách mà tôi đã cứu lấy các bé gái”.

Bé gái Younis, một trong những nạn nhân của nạn tảo hôn được Kulea cứu thoát - Ảnh: CNN

Cô Kulea cho biết mặc dù Chính phủ Kenya đã ra lệnh cấm tục cắt âm vật và tảo hôn từ năm 2011, nhưng ở Manyara hay một vài nơi khác, những hủ tục truyền thống vẫn rất khó bị bãi bỏ.

“Lớn lên từ cộng đồng này, mọi người đều nhìn tôi như thể "cô phải giống như chúng tôi, cô không được chống lại chúng tôi". Đó thật sự là một mối nguy đối với tôi, nhưng tôi vẫn tiếp tục tiến về phía trước”.

“Tôi vẫn còn hi vọng. Tôi biết rằng một khi chúng tôi đưa được nhiều trẻ em đến trường hơn trong tương lai, sẽ có sự khác biệt trong cộng đồng của tôi”, cô khẳng định.

HẢI YẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên