11/04/2022 06:36 GMT+7

Giải bóng đá làng 'chịu chơi' xài VAR

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TTO - Trọng tài chính Công Hòa cắt còi tạm dừng trận chung kết giữa thôn Hải Thành và Hải Nhuận, giơ hai tay hình vuông trước mặt, rồi chạy thẳng vào khu vực kỹ thuật của ban tổ chức để xem lại video chiếu chậm tình huống. Tất cả nín thở.

Giải bóng đá làng chịu chơi xài VAR  - Ảnh 1.

Các cầu thủ thôn làng tranh bóng quyết liệt - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Cả cầu thủ, cổ động viên hai đội đều nín thở, hồi hộp. Những đôi mắt lo lắng lẫn hy vọng dõi theo trọng tài.

Làm trọng tài giải quê rất áp lực, đặc biệt các tình huống thổi penalty. Anh em trọng tài không chuyên nghiệp nên có những tình huống không theo kịp bóng. Có VAR giúp chúng tôi quyết định chính xác hơn.

Trọng tài Hữu Hải (xã Điền Hải, huyện Phong Điền)

VAR làm dịu đầu nóng của hai đội

Sau phút xem lại video chiếu chậm, trọng tài Công Hòa chạy ra sân, tiếp tục giơ hai tay hình vuông, rồi xua tay, thổi còi ra hiệu trận đấu tiếp tục mà không có quả penalty (phạt đền). Các cầu thủ và cổ động viên đội nhà Hải Thành vỗ tay cảm ơn công nghệ "VAR làng".

Đó là tình huống xem lại video chiếu chậm (VAR giải làng) hiếm hoi tại trận chung kết giải bóng đá nông dân thôn Hải Thành (xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa kết thúc. Năm nay, lần đầu bà con xã Phong Hải được chứng kiến VAR áp dụng vào giải đấu làng mà trước đây chỉ biết VAR qua các giải đấu lớn trên tivi.

Cuối tháng 3, nắng đổ lửa. Sân vận động thôn Hải Thành nằm cạnh bờ biển vẫn đầy ắp bà con đến cổ vũ giải đấu. Dù chỉ là giải làng nhưng ban tổ chức rất "chịu chơi" khi thuê hẳn êkip truyền thông từ Đà Nẵng ra sản xuất phát trực tiếp và áp dụng công nghệ VAR.

Khi trận chung kết giải giữa hai thôn Hải Thành và Hải Nhuận chỉ còn 5 phút, trong một pha tấn công, đội Hải Nhuận cho rằng bóng chạm tay hậu vệ đội Hải Thành ở vòng cấm. Trọng tài chính Công Hòa lập tức cắt còi tạm dừng trận đấu, giơ tay ra hiệu hình vuông, rồi chạy nhanh vào bàn kỹ thuật để xem lại. Cả sân vận động "nín thở, hồi hộp" như cảm giác cổ động viên lo lắng mỗi lần đội tuyển Việt Nam bị trọng tài xem lại VAR ở vòng loại World Cup.

Khi "vua áo đen" quyết định bóng chưa chạm tay hậu vệ, cầu thủ đội Hải Nhuận dù "hụt" quả penalty vẫn vui vẻ thi đấu tiếp, không còn tranh cãi.

Đứng cạnh khu vực kỹ thuật, anh Trương Minh Hải - trưởng ban điều hành giải đấu - thở phào nhẹ nhõm: "May giải có VAR, rõ ràng, cầu thủ và cổ động viên không còn tranh cãi. Những năm trước, nhiều trận đấu căng thẳng từ những quyết định nhạy cảm của trọng tài, các đội lao vào tranh cãi quyết liệt, gây áp lực trọng tài, có đội còn bỏ luôn giải đấu vì không phục quyết định của trọng tài".

Dù chỉ ở cấp làng, nhưng giải bóng đá nông dân thôn Hải Thành thu hút 6 đội bóng ở hai xã Phong Hải (huyện Phong Điền) và Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) tham gia nên sự tranh đấu khá quyết liệt. Năm nay, ban tổ chức lần đầu áp dụng công nghệ VAR, dù còn chút bỡ ngỡ ngày đầu, sau đó cổ động viên dần quen với hình ảnh vị "vua áo đen" giơ tay vẽ hình vuông rồi chạy về khu kỹ thuật. Các đội bóng, cổ động viên hoan nghênh ủng hộ hết mình.

Một thành viên ban tổ chức giải cho biết tình huống xem VAR ở trận chung kết là 1 trong 7 tình huống các vị "vua áo đen" tại giải phải "cậy" đến công nghệ video chiếu chậm để làm mát nhiều cái đầu nóng của cầu thủ. Cầu thủ hai đội "tâm phục khẩu phục" không còn tranh cãi hay bức xúc.

Anh Hải chia sẻ công nghệ VAR hiện đại của FIFA có riêng một tổ trọng tài VAR với nhiều góc quay và trang thiết bị độc lập. Còn ở giải thôn Hải Thành, ban tổ chức cho phép đội trưởng và huấn luyện viên có quyền khiếu nại, yêu cầu trọng tài xem lại video hỗ trợ nếu xảy ra các tình huống chưa rõ ràng dẫn đến penalty, bàn thắng và thẻ đỏ.

"Mỗi trận đấu chỉ có 2 góc máy quay. Việc áp dụng công nghệ VAR đúng chất kiểu làng. Tuy nhiên đây là giải pháp được cầu thủ, ban huấn luyện và cổ động viên ủng hộ cao, giúp giải đấu giảm các tình huống tranh cãi giữa cầu thủ, ban huấn luyện các đội. Công nghệ xem lại video chiếu chậm cũng giúp các tình huống nhạy cảm trong vòng cấm sẽ được quyết định chính xác hơn khi đội ngũ trọng tài điều khiển giải đấu ở quê đa số là nghiệp dư", anh Hải nói.

Giải bóng đá làng chịu chơi xài VAR  - Ảnh 3.

Trọng tài đang xem lại tình huống gây tranh cãi tại giải bóng đá nông dân thôn Hải Thành - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

VAR - xu hướng của bóng đá phong trào

Để chuẩn bị công nghệ VAR hỗ trợ trọng tài, ban tổ chức ký hợp đồng với một công ty truyền thông chuyên nghiệp nhận quay, phát trực tiếp từ Đà Nẵng phụ trách. Một trận đấu sẽ có 2 góc máy, 2 màn hình máy tính và 4 kỹ thuật viên. Khi có yêu cầu xem lại video, trọng tài sẽ được vào khu kỹ thuật, các nhân viên sẽ làm chậm tình huống từ 2 góc máy để trọng tài đưa ra quyết định cuối cùng.

Anh Ngô Quang Hưng - phụ trách êkip Sport & Life TV, nhóm quay phát trực tiếp giải bóng đá nông dân thôn Hải Thành - cho biết đây là lần đầu một giải bóng đá sân 11 ở làng hợp tác với đơn vị áp dụng VAR vào thi đấu. Trước đó, tại giải hạng nhất sân 7 Thừa Thiên Huế cũng áp dụng VAR nhưng chỉ duy nhất ở trận chung kết.

Theo anh Hưng, giải pháp này chính xác là hỗ trợ trọng tài xem lại video chiếu chậm chứ chưa thể gọi là VAR. Các giải áp dụng "VAR làng" này phải chuẩn bị kỹ hơn về thiết bị quay, màn hình máy tính. Khó khăn nhất của êkip là chỉ có 2 góc quay khiến nhiều tình huống cũng khó cho trọng tài tham vấn lại video.

Tùy vào kinh phí giải đấu mà ban tổ chức sẽ yêu cầu từ 2 đến 4 góc máy quay. Nếu có 4 máy quay thì trọng tài sẽ thuận lợi hơn khi xem lại video. Nhưng hiện nay bóng đá phong trào khu vực miền Trung hầu hết chỉ quay 2 góc máy và cũng rất hiếm giải đấu áp dụng công nghệ VAR do nhiều yếu tố. Trong đó, kinh phí sản xuất phát trực tiếp một trận đấu sân 11 gồm 2 góc máy, một bình luận viên có giá dao động 3-5 triệu đồng.

"Với công nghệ phát triển, nhiều công ty truyền thông sản xuất trực tiếp bóng đá ra đời, nên tôi nghĩ thời gian tới có nhiều giải đấu ở nông thôn áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài xem lại video. Đây là giải pháp hiệu quả để nâng chất lượng giải đấu, làm giảm các cuộc tranh luận dẫn đến xung đột giữa các đội bóng trên sân sau các quyết định nhạy cảm của trọng tài", anh Hưng chia sẻ.

Sau khi giải bóng đá nông thôn Hải Thành kết thúc, nhiều giải bóng đá các xã ven biển huyện Phong Điền, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) học theo cách làm áp dụng VAR vào giải đấu. Dù chưa chuyên nghiệp và còn thiếu góc quay, nhưng việc đưa VAR vào giải thật sự hiệu quả, đặc biệt là các giải bóng đá có tính tự phát cao như tại các làng quê.

Giải bóng đá làng chịu chơi xài VAR  - Ảnh 4.

Trận đấu có 2 máy quay để vừa live vừa phục vụ trọng tài xem lại tình huống - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Mong các giải quê cũng có... VAR

Nhiều cầu thủ tham gia giải nông dân thôn Hải Thành đánh giá cao việc đưa VAR vào giải. Anh Hồ Linh (cầu thủ thôn Hải Thành) cho rằng: "Trong bóng đá có nhiều tình huống nhanh, trọng tài không theo được sẽ thổi không chính xác.

Việc cho phép trọng tài xem lại video là cách tốt nhất để công bằng, các đội không còn phàn nàn, tranh luận các quyết định nhạy cảm. Tôi mong các giải đấu sắp tới đều có VAR để giải đấu tốt hơn, tránh những xung đột không đáng có".

AFF chưa từng bàn thảo chuyện sử dụng VAR tại AFF Suzuki Cup 2020 AFF chưa từng bàn thảo chuyện sử dụng VAR tại AFF Suzuki Cup 2020

TTO - Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) chưa từng đề cập đến chuyện sử dụng công nghệ VAR tại AFF Suzuki Cup 2020 đang diễn ra tại Singapore do chi phí quá lớn của hệ thống này.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên