Thành công của U-23 Việt Nam tại VCK U-23 châu Á 2018 ở Trung Quốc tạo động lực để các CLB chú tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo trẻ - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Riêng khu vực châu Á sẽ có 9-10 suất dự VCK. Điều này đồng nghĩa, muốn hiện diện ở World Cup 2026, bóng đá Việt Nam phải nằm ở tốp 10 châu Á.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận định muốn có mặt ở tốp 10 châu Á, bóng đá Việt Nam đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Trước tiên là phải có sự phát triển bóng đá phong trào thật sự mạnh và rộng khắp cả nước. Hiện tại, bóng đá phong trào Việt Nam hoàn toàn mang tính tự phát, quá thiếu sân bãi, thiếu HLV trầm trọng.
Ông Xương cho biết ông vừa có trong tay tài liệu của bóng đá Trung Quốc đề ra mục tiêu đến World Cup 2050 họ phải đoạt chức vô địch thế giới.
Để làm được điều đó, bóng đá Trung Quốc xây dựng đề án (có sự tham gia của chính phủ) bóng đá phong trào với quy mô rầm rộ kết hợp giữa hai ngành TDTT và giáo dục, xây mới 20.000 sân bóng trên cả nước, đào tạo đội ngũ HLV hùng hậu được học hành bài bản từ các khóa học do FIFA tổ chức, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong huấn luyện, kết hợp dinh dưỡng...
Bóng đá trẻ Việt Nam đã và đang có tiếng vang trong vài năm trở lại đây ở châu lục với việc giành nhiều thành tích bất ngờ. Đó là động lực thúc đẩy các CLB chú tâm đến đào tạo trẻ nhiều hơn.
Sở dĩ lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh... rồi đến Hà Đức Chinh, Tiến Dũng, Quang Hải... làm nên chuyện lớn - lọt vào trận chung kết U-23 châu Á 2018, tham dự VCK World Cup U-20 thế giới 2017, có nhiều lý do trong đó quan trọng là các em được cọ xát quốc tế rất nhiều khi vừa qua tuổi 17, 18.
Để tính hiệu quả của đào tạo trẻ được nâng cao hơn, đòi hỏi phải có công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến từ nước ngoài để mang lại sự phù hợp cho quá trình phát triển của cầu thủ Việt Nam vốn thấp bé nhẹ cân.
Về khía cạnh này thì cách đây vài tháng, PVF (LTS: Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam - trực thuộc Vingroup) đã công bố đề án xây dựng, phát triển bóng đá trẻ Việt Nam nhắm đến mục tiêu tham dự World Cup 2026.
Ngoài ra, bóng đá Việt cũng cần phải cải tổ hệ thống thi đấu các giải chuyên nghiệp, làm sao để các giải đấu có chất lượng chuyên môn cao hơn, CLB có thể sống bằng nguồn thu từ bán vé, bản quyền truyền hình, quảng cáo hay bán hàng lưu niệm...
Để bóng đá Việt Nam hiện diện ở VCK World Cup còn đòi hỏi phải có sự tham gia, chỉ đạo của Chính phủ trong việc hoạch định đường lối, chính sách, xây dựng cơ sở vật chất, và kêu gọi sự chung tay góp sức, huy động sức mạnh tổng lực của xã hội.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhấn mạnh rằng một khi bóng đá được sự quan tâm lẫn đầu tư của Chính phủ, VFF được kiện toàn và được xã hội thừa nhận là tổ chức xã hội hóa toàn tâm toàn ý, hoạt động trong sáng vì mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nước nhà thì việc đội tuyển xuất hiện ở World Cup mới hi vọng đến gần hơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận