06/07/2014 12:23 GMT+7

Giấc mơ về con hát trẻ

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Những ngày đầu tháng 7, khu tập thể của Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam ở Mai Dịch (Hà Nội) bắt đầu lấp ló những gương mặt trẻ trung, ngơ ngác của độ tuổi 15, 16 từ các vùng quê buổi đầu lên thành phố nuôi mơ ước trở thành nghệ sĩ.

“Tiếng vọng ngàn năm” mang chèo xưa về với ngày nayVĩnh biệt người nghệ sĩ lớn của ca kịch HuếSân khấu cải lương tự thử thách

Nhà hát chèo có 63 học sinh, còn nhà hát tuồng có 66 học sinh. Các em đều đã qua vòng sơ tuyển và được gọi tập trung hơn một tuần để tham gia lớp tạo nguồn của nhà hát. Sau đó các em tiếp tục tham dự kỳ trung tuyển vào hệ trung cấp trong hai ngày 9 và 10-7 tại Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội.

Giữa niềm vui, niềm hi vọng đang được đong đầy của chèo và tuồng thì cải lương lại mang một nỗi buồn xót xa. Ấy là đích thân giám đốc Nhà hát Cải lương đi mỏi chân đến các tỉnh phía Bắc, thậm chí vào cả Nghệ An nửa tháng trời mà chỉ tuyển được hơn mười người (trong đó mới có sáu thí sinh đến nộp hồ sơ).

“Cũng quảng cáo, cũng băngrôn, cũng về tận các tỉnh vậy mà trong ngày sơ tuyển, vui lắm là đón được vài ba cháu, còn lại hai ngày được một người đến, thậm chí có điểm không ai ngó ngàng đến... Chúng tôi có hỏi chuyện người dân, họ nói làm nghệ thuật nghèo thế thì thà ở nhà làm ruộng còn hơn!” - ông Bùi Xuân Tiến, giám đốc Nhà hát Cải lương, chùng giọng nói.

Không phải nai lưng ra tìm chỗ trọ. Không mất một xu để đóng tiền dự tuyển hay trả tiền thầy cho những ngày luyện thanh, luyện hát, luyện nhạc... Một trăm hai mươi chín thí sinh đều “khoe” về “chế độ” ban đầu mình được hưởng từ dự án tuyển sinh trực tiếp mới được Bộ VH-TT&DL chấp thuận trong năm nay đối với ba nhà hát chèo, tuồng và cải lương trung ương. Để rồi trong hơn một tuần, các em cố gắng học cách lấy hơi cho câu hát, cách thẩm âm cho nhịp trống, tiếng đàn, cách biểu diễn sao cho xúc cảm... từ các NSƯT như Thanh Ngoan, Thùy Dung (bên chèo), Ngọc Khánh, Ánh Dương, Xuân Quý... (bên tuồng), thậm chí bên tuồng còn cử cả các NSND như Minh Gái, Hồng Khiêm, Gia Khoản trực tiếp lên lớp.

Những ưu đãi ban đầu dành cho khóa đào tạo này không chỉ có thế. Học sinh tập trung tại đây còn được nhà hát lo chỗ ở, lo nơi tập luyện. Với một quyết tâm lớn, những người đứng đầu các nhà hát đều chia sẻ rằng công việc ở sàn tập, phòng tập của nhà hát trong hai tuần đầu tháng 7 đều được gác lại, phòng làm việc của các phòng ban cũng được dồn chung một chỗ. Cũng bởi lẽ giờ đây khi nhìn lại nguồn nhân lực của mình, ai cũng thấy lo dăm mười năm nữa lấy ai kế cận khi thầy đã già mà không có con hát trẻ.

“Đây là lứa diễn viên, nhạc công chúng tôi sẽ đón tay từ đầu vào đến đầu ra. Các em được miễn học phí, ở nội trú không mất tiền. Trong quá trình học tập, các em vừa được học kiến thức cơ bản bên trường sân khấu - điện ảnh (riêng với những em 15, 16 tuổi thì được gửi học tiếp chương trình phổ thông), vừa được các nghệ sĩ truyền nghề trực tiếp và rèn luyện bản lĩnh sân khấu qua các đêm diễn của nhà hát. Tất nhiên, nhà hát cũng có một điều kiện để giữ chân các em là tất cả phải cam kết sau khi ra trường sẽ phục vụ cho nhà hát tối thiểu năm năm” - ông Tạ Văn Sốp, phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, cho biết.

Những người đi trước thì đặt rất nhiều hi vọng vào “lứa mới” sẽ xuất hiện đôi ba con hát trẻ đủ tài và tâm để thay thế “lớp thầy” đã già lắm rồi. Thí sinh thì bắt đầu dặt dìu tâm hồn theo câu hát, tiếng đàn. Cả hai cùng mơ một giấc mơ về tương lai kịch hát dân tộc trong nay mai sẽ bừng sáng...

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên