25/02/2012 08:04 GMT+7

Giấc mơ siêu thực

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Khi bàn về thương vụ bầu Đức đưa Kiatisak về Hoàng Anh Gia Lai, đã có người mỉa mai “xứ Thượng mơ Kiatisak”.

Nhưng không đầy hai tháng sau, Kiatisak có mặt ở Pleiku! Khi xôn xao bàn về việc kết hợp với Arsenal để đào tạo bóng đá trẻ, cũng đã có người phán “ngủ mơ giữa ban ngày”. Nhưng giờ đây, Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal đã ra đời hơn bốn năm! Nhưng với tất cả những gì đã làm, ông Đức cũng chỉ thường bảo rằng: ”Tôi muốn bóng đá VN đứng đầu Đông Nam Á”.

Chưa bao giờ bầu Đức mơ vào năm này năm nọ, lứa cầu thủ của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal sẽ đưa bóng đá VN có mặt ở vòng chung kết World Cup!

Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal là một trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ kiểu mẫu. Những ai từng đến đó tham quan đều không khỏi trầm trồ: thầy dạy đá bóng từ Pháp đưa sang (được HLV Wenger chọn lọc), nơi ở sang trọng, chuyện ăn có chuyên gia dinh dưỡng chăm sóc, chuyện học văn hóa lẫn học tiếng Anh đều có thầy cô chăm chút... Kiểu mẫu như thế, nhưng ông Đức cũng chỉ dám mơ đội bóng của mình đứng đầu VN, giúp đội tuyển chiếm ngôi số 1 Đông Nam Á. Tại sao? Vì người Thái cũng có một học viện giống y thế và làm trước ông Đức hai năm.

Nhưng điều quan trọng hơn khiến ông Đức không dám mơ đến việc các cầu thủ của mình sẽ góp sức đưa đội tuyển VN có mặt ở VCK World Cup là chuyện đào tạo nên một nền bóng đá mạnh, một đội tuyển xuất sắc đâu có dễ dàng đến thế. Những cầu thủ nhí đang được đào tạo tại Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal có thể đá bóng giỏi, có thể thông minh, có thể dẻo dai nhưng thể hình không thể nào đối chọi được với các cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, các đội vùng Trung Á, Tây Á. Chuyện này thì tiền của ông Đức dù có nhiều đến mấy cũng không thể thay đổi, khi nó liên quan đến di truyền, đến dinh dưỡng từ trong bụng mẹ.

Chúng ta có thể tham khảo bóng đá Nhật để hiểu hơn về con đường trở thành một cường quốc bóng đá châu Á như thế nào: bóng đá Nhật cho đến năm 1994 vẫn chưa một lần có mặt ở vòng chung kết World Cup.

Năm 1992, Nhật mới chính thức đi vào con đường bóng đá chuyên nghiệp bằng việc J-League ra đời. Khi đó họ đã là một cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế. Họ đã thành công trong việc cải thiện tầm vóc sau nửa thế kỷ thực hiện một cách quyết liệt.

Khi có nền móng tốt về kinh tế, tầm vóc con người, bóng đá Nhật mới vạch ra ba giai đoạn rõ ràng cho J-League: 1- Áp dụng chính sách mời các danh thủ gần về hưu như Zico, Littbarski, Lineker... sang để khuấy động không khí và học tập cung cách chuyên nghiệp. 2- Mời những danh thủ đang có phong độ cao của Brazil như Dunga, Bebeto, Edmundo... sang để các cầu thủ nội học hỏi phong cách mà bóng đá Nhật chọn (hướng theo lối chơi kỹ thuật của Nam Mỹ chứ không thiên về sức mạnh của châu Âu). 3- Xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu. Hiện có cả chục cầu thủ Nhật đang thi đấu ở Đức, Hà Lan, Ý, Anh. Chính lực lượng này đã giúp Nhật vững ngôi số 1 châu Á hiện nay.

Làm bài bản như thế, vậy mà người Nhật đã mất đến hơn 20 năm (tính từ năm 1976 khi họ không vượt qua được vòng loại Cúp châu Á nên bắt đầu cải tổ bóng đá) mới có mặt ở vòng chung kết World Cup 1998. Trong khi đó bóng đá VN tiền không nhiều, chương trình cải thiện tầm vóc con người đến nay vẫn chưa áp dụng rộng khắp, nguồn nhân lực cho khâu quản lý kém... vậy mà lại đặt chỉ tiêu 18 năm sau có mặt ở vòng chung kết World Cup (vào năm 2030, theo dự thảo chiến lược phát triển bóng đá, do Tổng cục TDTT và VFF soạn thảo).

Chỉ có những người thật lãng mạn, lãng mạn đến mức... liều mới dám nghĩ ra chuyện đặt chỉ tiêu có mặt ở vòng chung kết World Cup 2030 với hai bàn tay trắng.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên