Giá vắc xin được giữ bí mật - Ảnh: GETTY IMAGES
Chưa bao giờ một đại dịch trong lịch sử y tế thế giới lại huy động nguồn lực tiền bạc quy mô như đại dịch COVID-19.
Hiện thời có hai cuộc chạy đua diễn ra. Một bên là các hãng dược phẩm ráo riết tìm phương thuốc chiến thắng COVID-19 và một bên là các nước đua nhau chi tiền bảo đảm nguồn cung vắc xin.
Rủi ro cao, lợi nhuận khủng
Đến nay Liên minh châu Âu (EU) đã chi 2,15 tỉ euro để bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin vừa COVID-19 cho 447 triệu dân EU.
Các quỹ đầu tư công của Mỹ đã bỏ ra 9 tỉ USD đầu tư vào các dự án vắc xin (ví dụ 1 tỉ USD dành cho Công ty Johnson & Johnson) và ký kết các hợp đồng cung cấp vắc xin.
Ông Guillaume Roty - người phát ngôn cơ quan đại diện EU tại Pháp, ghi nhận: "Đây không phải là tiền tạm ứng mà là tiền tài trợ đầu tư công để giúp các hãng dược tăng tốc độ nghiên cứu và mở các đơn vị sản xuất".
Tuy các hãng dược tham gia cuộc đua phải chấp nhận rủi ro lớn vì mất thời gian phát triển vắc xin và thường chỉ có 6% ứng viên vắc xin tiến đến giai đoạn thương mại hóa, tuy nhiên vắc xin COVID-19 cũng sẽ mang lại lợi nhuận khủng.
Công ty Moderna Therapeutics (Mỹ) ra đời năm 2010 chỉ đạt doanh thu 71 triệu USD năm 2019.
Nhờ vắc xin mRNA-1273 mới công bố đạt hiệu quả ban đầu 94,5%, dự kiến năm tới doanh thu của Moderna sẽ leo lên con số hơn 3,5 tỉ USD. Tính ra từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Moderna đã tăng... 399%.
Cổ phiếu của Công ty BioNtech (Đức) - đối tác của Tập đoàn Pfizer - cũng tăng 207%. Đạt kỷ lục có lẽ là cổ phiếu của Công ty Novavax (Mỹ) tăng 2.075% chỉ trong 10 tháng.
Dược phẩm là ngành công nghiệp hào phóng nhất với các cổ đông. Trong 20 năm qua ngành dược phẩm đã nhận được 1.000 tỉ USD tiền lãi cổ phiếu.
Công ty Sanofi (Pháp) đã từng khoe cổ tức tăng trưởng liên tục 26 năm và năm 2020 đã chi gần 4 tỉ euro cho các cổ đông.
Nói chung, lợi nhuận thường rơi vào túi của các nhà quản lý vốn được trả thưởng bằng cổ phiếu.
Người biểu tình tập trung ngoài trụ sở Công ty Moderna ở Cambridge (Mỹ) hôm 28-8 đòi công ty giảm giá vắc xin - Ảnh: AFP
Giá thành vắc xin là điều bí mật
Một số tổ chức phi chính phủ ở Pháp đặt nghi vấn: Giữa các hãng dược và chính phủ các nước có hợp đồng bí mật nào không? Rốt cuộc có phải người đóng thuế chịu thiệt thòi trong cuộc đua vắc xin?
Báo Le Parisien (Pháp) đưa tin ngày 20-11, một nhà đàm phán châu Âu tiết lộ vắc xin của Công ty CureVac (Đức) sẽ được bán với giá 10 euro/liều thay vì 12 euro như thông báo ban đầu.
EU cũng đã đồng ý mua của Pfizer giá 15,5 euro/liều (18,34 USD) trong khi Mỹ phải trả đến 21 USD/liều.
Người phát ngôn Guillaume Roty khẳng định: "Lần này châu Âu tổ chức đàm phán thống nhất. Các nước thành viên EU đều trả cùng một giá như nhau".
Dù vậy, bà Claire Baudot - người đứng đầu tổ chức Hành động Vì sức khỏe toàn cầu, nhận xét: "Không có gì minh bạch trong các cuộc đàm phán này. Ví dụ chúng tôi không biết gì về giá thành vắc xin, đó là điều bí mật. Giá bán hiện nay không liên quan đến chi phí mà dựa trên khả năng thanh toán của từng quốc gia".
Bà dẫn chứng ví dụ về thuốc Sofosbuvir trị viêm gan C có giá sản xuất từ 75-100 USD nhưng Công ty Gilead bán với nhiều giá chênh lệch nhau ở Mỹ, Pháp và Ai Cập.
Ông Jérôme Martin, thuộc tổ chức Đài quan sát về tính minh bạch dược phẩm, nêu lưu ý: "Hầu hết các loại vắc xin mới đều được quỹ đầu tư công tài trợ. Ví dụ trong 10 năm Sanofi đã nhận được 1,5 tỉ euro tín dụng thuế trong nghiên cứu".
Ông cho rằng lý do các cuộc đàm phán và hợp đồng về giá vắc xin đều được giữ bí mật vì "các nhà sản xuất không muốn các nước biết người khác đã trả bao nhiêu".
Người phát ngôn Guillaume Roty biện bạch: "Chúng tôi phải bảo đảm nguồn cung an toàn cho châu Âu. Các hợp đồng đều được giữ bí mật vì hợp đồng có các yếu tố bí mật".
Nhà máy của Công ty dược CSL Behring ở Úc bắt đầu sản xuất vắc xin COVID-19 AZD1222 của Đại học Oxford hợp tác với AstraZeneca (Anh) - Ảnh: cslbehring.com
Các hãng dược đã dàn xếp tránh bồi thường
Dù giá bao nhiêu thì các hãng dược phẩm cũng thu lợi to lớn từ số lượng vắc xin quá lớn.
EU đặt mua 1,2 tỉ liều vắc xin. Với giá trung bình 12 euro/liều, các hãng dược sẽ thu về 14,4 tỉ euro.
Nếu tính chung thị trường toàn cầu gần 8 tỉ dân, vắc xin COVID-19 sẽ là thương vụ thế kỷ trong khi quá trình nghiên cứu và vận chuyển được nhà nước tài trợ.
Tại châu Âu, các hãng dược còn dàn xếp để trong trường hợp xảy ra kiện tụng về tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc xin, EU sẽ trả tiền bối thường cho bệnh nhân như người phát ngôn EU Vivian Loonela thừa nhận.
Vậy cuối cùng các hãng dược và các công ty công nghệ sinh học bỏ túi bao nhiêu?
Đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp, chỉ biết như bà Claire Baudot nhận định: "Kinh doanh vắc xin mang lại lợi nhuận cao nhất thế giới còn hơn cả dầu mỏ, vì vậy cần phải xem vắc xin COVID-19 tài sản chung của nhân loại".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận