Giá bán USD tại các ngân hàng gần như không biến động trong suốt một tháng qua - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Lật lại lịch sử giá trong vòng nửa năm qua có thể thấy biên độ biến động giá USD rất hẹp.
Tại thời điểm cuối tháng 7 đến cuối tháng 9, giá bán USD tại ngân hàng Vietcombank chỉ dao động 23.250 - 23.270 đồng/USD. Đến cuối tháng 11, giá bán USD rơi xuống mức 23.245 đồng/USD. Từ ngày 12-12 giá bán USD giảm tiếp xuống mức 23.230 đồng/USD và giữ nguyên cho đến nay.
Giá mua USD tiền mặt tại các ngân hàng cũng khá ổn định, ở mức 23.080-23.110 đồng/USD.
Trong suốt năm 2019, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn tỉ giá bật tăng do leo thang chiến tranh thương mại. Còn lại, tỉ giá mua vào của các ngân hàng luôn ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn tỉ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước 23.200 đồng/USD.
Lý giải về diễn biến "lạ" này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết hiện các ngân hàng, giới kinh doanh không đầu cơ nổi tỉ giá với Ngân hàng Nhà nước.
"Trước đây dự trữ ngoại hối chỉ mười mấy, hai mươi tỉ USD, còn hiện nay dự trữ ngoại hối đã lên mức 80 tỉ USD. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại cũng muốn thỉnh thoảng kiếm một chút lãi nhưng Ngân hàng Nhà nước theo dõi trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại từng giờ cho nên ngân hàng nào găm giữ USD Ngân hàng Nhà nước đều nắm.
Khi đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần điều chỉnh tỉ giá trung tâm lên xuống một chút là ngân hàng lỗ ngay nên các ngân hàng thương mại không có cơ hội nào đầu cơ tỉ giá với Ngân hàng Nhà nước lúc này. Vì vậy, trạng thái ngoại tệ được cân bằng, ổn định", ông Tú khẳng định.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho hay quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là kiên trì, đảm bảo sự ổn định tỉ giá. Đồng thời chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ.
Từ ngày 1-10-2019, các ngân hàng đã chấm dứt cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh. Trước đó, các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn cũng đã chấm dứt kể từ 31-3-2019.
Tuy nhiên, theo ông Tú, do ngân hàng, doanh nghiệp được thông báo trước nên đã chấp hành chủ trương này rất tốt và không gây xáo động cho nền kinh tế.
Vậy trong năm 2020 hướng đi của tỉ giá ra sao?
Theo các chuyên gia, có cơ sở để kỳ vọng tỉ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi, mới nhất là căng thẳng giữa Mỹ -Iran, năm 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc chiến thương mại và Brexit đều chưa đến hồi kết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận