27/08/2019 11:19 GMT+7

Già tự tin, độc lập và nhẹ nhõm, phải chuẩn bị từ khi chưa già mới kịp

DIỄM TRANG
DIỄM TRANG

TTO - Chị nghỉ hưu và tỏ ra bằng an với những tấm ảnh được "up" đều đặn trên trang cá nhân: chậu hoa tỏa nắng ngoài bancông, tách trà sớm trong veo vàng ửng, những chuyến du ngoạn cùng bè bạn, gia đình...

Già tự tin, độc lập và nhẹ nhõm, phải chuẩn bị từ khi chưa già mới kịp - Ảnh 1.

Minh họa: VIIP

Nhưng chẳng bao lâu, những người quanh chị nhận ra vẻ nhàn nhã ấy như lớp bọt trên bề mặt ly cappuchino.

Chị không ngừng dõi theo hoạt động của công ty, bình phẩm, so sánh năng lực của các nhân sự mới để thấy khó ai có thể vượt qua mình.

Chị tập hợp các cộng sự cũ vẫn còn làm việc, mục đích là cà phê cà pháo, nhưng những buổi nói chuyện dần chuyển sang hơn thua, cay cú. Chị trở nên khắc nghiệt với người trẻ, lấy cái uy người lớn để kiểm soát, áp đặt, khiến họ dạ vâng mà trong lòng ấm ức.

Với gia đình, chị đầy mâu thuẫn: vừa nhẫn nhịn, phục tùng vừa vùng vằng, bất cần. Mọi người ngột ngạt nhưng không tiện nói, đành chọn cách xa chị dần. Chính chị cũng nhận ra mình dễ sa ngã vào những cuộc tranh cãi, dễ xúc động đồng thời dễ tổn thương.

Chị bắt lỗi chính tả, lỗi từ ngữ của người quen dù đó chỉ là mấy lời bâng quơ trên Facebook. Chị tỏ ra tinh quái khi dùng kinh nghiệm của mình để vạch mặt sự non nớt, sơ hở của một vài bạn trẻ.

Chị kiểm kê hạnh phúc và nhiều lần dằn vặt vì chưa kịp làm những điều mình muốn, rồi cuống cuồng sắp cái này, đặt cái kia và dễ bất mãn khi mọi thứ cứ trơ ra chứ không chịu theo ý chị.

Chị thường trách móc mọi người bỏ quên chị hoặc không đủ tốt với chị, không hề biết rằng chị đang trở nên xa lạ với chính chị ngày trước và đang vô tình đẩy các mối quan hệ vào chỗ ngặt nghèo.

Nói cách khác, chị đánh mất phong độ. Dường như tuổi già ập đến ngay lúc chị chưa kịp học cách thích nghi. Giá như tôi có thể nói với chị, cũng là tự dặn mình: đừng trở thành một người già ngoa ngoắt, đáo để, khó ưa và khó chơi. Đó là kiểu "già không buông bỏ".

Má tôi lại là trường hợp "già không độc lập". Má có "cái hạnh" đạo mạo từ khi còn trẻ, lúc cao tuổi hơn lại được dịp phát huy tối đa. Má mặc lụa lèo kín đáo, cử chỉ khoan thai, ăn uống tinh giản, thể dục nhẹ nhàng, đi chùa, đi chơi với các bạn đồng trang lứa, đi tham vấn bác sĩ thường xuyên.

Như bao bậc phụ huynh, má cũng cày cuốc cả đời để cho con mái nhà, cuốn sổ tiết kiệm và giúp con quán xuyến trước sau. Nhưng má cũng có những tật xấu của người già: ưa lèm bèm, ưa hoài niệm, ưa phán xét, dễ tủi thân, chuộng cấm đoán, chuyện vui hay không vui cũng thích "nhai đi nhai lại" và đặc biệt sợ bị con cái bỏ rơi.

Tâm lý "Trẻ cậy cha, già cậy con" khiến má muốn được con cái báo hiếu kiểu "chén cơm, đôi đũa, chung trà", phải thường xuyên xúm xít vấn an, phải xáo trộn thời khóa biểu mỗi khi má đau ốm.

Dẫu cảm thông và yêu thương má, tôi vẫn mong má đừng "lệ thuộc" như vậy. Má tôi đã được giáo dục và sống theo cách của một người Á Đông cả đời, nên khước từ cách già của Âu Tây.

Soi vào cuộc đời má, tôi hiểu rằng dù có bạn đời, con cái hay không, sự đơn độc là khó tránh khỏi trong chặng cuối hành trình của mỗi con người. Nhưng tôi sinh ra ở một xứ sở chỉ chú trọng cách dạy người trẻ nên làm thế nào, chứ hiếm khi để ý đến cảm nhận của người già.

Báo chí, truyền thông đầy rẫy quảng cáo cách vớt vát tuổi thanh xuân nhưng thật khó để tìm một bài viết, một cuốn sách nghiêm túc hướng dẫn người ta làm sao để già cho đúng, cho đẹp. Hay là già rồi thì chỉ cần đứng qua một bên thôi, ý kiến ý cò gì nữa!

Những cơ sở, trung tâm dành cho người già, trẻ tự kỷ, người khuyết tật... vẫn tạo ra nhìn nhận tiêu cực hơn là cảm giác an sinh. Cứ quan sát những tổ chức như vậy sẽ biết mức độ văn minh của một đất nước.

Những ngày gần đây, bộ phim Điều ba mẹ không kể lại khiến dân tình bất ngờ, khâm phục cách chuyển tải các vấn đề xã hội của điện ảnh Hàn Quốc.

Người xem rưng rưng vì phim không chỉ nói về sự nghiệt ngã của tuổi già, mà còn đánh thức mối bâng khuâng: bất kỳ ai trong chúng ta rồi cũng sẽ nhăn nheo, mỏi mệt, nguy hiểm hơn cả là tiêu luôn trí nhớ. Nếu rơi vào cảnh ngộ đó, mình sẽ "xử lý" mình như thế nào?

Thôi thì chủ động chuẩn bị một kế hoạch để... già. Thể nào thì ta cũng sẽ già, chớm già, sắp già hoặc đã già, nên phải tranh thủ tận dụng quỹ thời gian ngày càng teo tóp.

Nếu không bị vướng vào bạo bệnh, nghịch cảnh gia đình hay kinh tế bấp bênh, một người già đã có thể gầy dựng đời sống hạnh phúc với các tiêu chí: sức khỏe, tài chính, không gian chung và không gian riêng cùng nỗ lực để trở nên dễ thương.

Không gian chung là những chỗ có thể gặp gỡ gia đình, họ hàng, bè bạn; là những nơi dù già vẫn phải lui tới như công viên, nhà hát, tiệm sách, quán xá, siêu thị... để tránh lạc nhịp với xã hội.

Không gian riêng là nơi ở riêng, thoáng đãng gọn gàng, đủ chỗ cho những nhu cầu sinh hoạt cá nhân hay tiếp một vài người bạn; sâu xa hơn là kiến tạo một thế giới riêng cho tâm hồn, để tự chủ và tự do, để bớt dòm ngó và thôi xéo xắt.

Người già nhất định phải thiết lập "khoảng cách an toàn" với người thân và người trẻ để vẫn có thể gần gũi, quan tâm họ nhưng không tạo cảm giác gánh nặng, phụ thuộc, bu bám. Và còn để "rút lui" đúng lúc đúng nhịp mà vẫn thanh thản, hài lòng.

Già một cách tự tin, độc lập và nhẹ nhõm, phải chuẩn bị từ khi chưa già mới kịp!

Ai nói tuổi già là đoạn cuối đời người, già bây giờ cũng là già kiểu khác Ai nói tuổi già là đoạn cuối đời người, già bây giờ cũng là già kiểu khác

TTO - Năm 1965, André-François Raffray, luật sư 47 tuổi ở miền nam Pháp, đạt được một thỏa thuận tưởng chừng rất khôn ngoan.

DIỄM TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên