03/07/2022 09:27 GMT+7

Giá như mẹ cho con cuộc sống tốt hơn...

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Có người mẹ nào không muốn cho con mình một nền tảng, một cuộc sống tốt đẹp. Song điều tưởng chừng đơn giản ấy cũng trở thành xa xỉ với hai người mẹ dưới đây.

Giá như mẹ cho con cuộc sống tốt hơn... - Ảnh 1.

Bà L. bật khóc khi nhận được khoản tiền nhỏ mọi người góp để chia sẻ khó khăn với bà - Ảnh: TUYẾT MAI

Do quá bức bối vì nghèo lại quá đông con, một người mẹ trẻ đã giết chết đứa con mà mình rứt ruột sinh ra, còn một người mẹ sống hoài với những ân hận và day dứt.

Tòa gia đình và người chưa thành niên TAND TP.HCM xét xử bị cáo Trần Thị Dung (27 tuổi) về tội giết người, nạn nhân là con ruột của Dung.

Mẹ - Con

Ở tuổi 25, Dung đã có 5 đứa con với 5 người đàn ông khác nhau, đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi. Các con của Dung đều không có cha, bởi khi Dung bụng mang dạ chửa thì người tình cũng bỏ đi.

Không nghề nghiệp, không nơi nương tựa, Dung ôm con về quê Thừa Thiên Huế ở với cha mẹ. Nhưng cha mẹ Dung vốn nghèo, cha Dung làm nghề chài lưới, còn mẹ ở nhà có gì làm nấy. 

Cha mẹ Dung cũng phải chật vật mới nuôi lớn được 4 chị em Dung, nhưng chỉ có 2 người được đi học đến cấp I. Quá khó khăn, năm 2020 Dung gửi lại 3 đứa con cho cha mẹ nuôi rồi ẵm đứa con gái 3 tuổi và đứa con trai út 2 tuổi vào TP.HCM đi ăn xin và bán vé số sống qua ngày.

Sáng hôm đó, Dung dậy sớm nấu cháo cho hai con. Đến 6h20 thì con gái dậy. Dung cho bé đi vệ sinh rồi trở ra nấu nướng. Quay lại, thấy người con vấy bẩn, cơn giận phừng phừng, Dung xách ngược con lên. 

Dung không nhớ mình đã đánh con gái bao nhiêu cái, khi sực tỉnh lại thì con đã bất tỉnh. Dung vội vàng ôm con chạy ra đường nhờ người chở đi bệnh viện cấp cứu.

Con - bé C. (3 tuổi) - cũng là kết quả của mối tình chớp nhoáng như vậy. Từ khi lọt lòng, C. chỉ có mẹ. Sáng đó, cũng như bao ngày bình thường khác, C. dậy và được mẹ dẫn đi vệ sinh. Trong cơn ngái ngủ, C. chẳng may làm bẩn quần áo. 

Lúc này thì mẹ vào. Trông thấy bé C., mẹ giận lắm, mẹ đánh vào tay và ký vào đầu em. C. mếu máo trong nước mắt, nhưng mẹ đẩy em vào phòng dốc ngược em lên và đập vào sàn nhà. C. khóc lớn, nhưng cơn thịnh nộ của mẹ vẫn chưa nguôi. 

Mẹ lại tát vào mặt, vào đầu, vào lưng em. Mỗi trận đòn trút xuống, mẹ lại hét "chết đi, chết đi". Em chạy đến ôm lấy mẹ, nhưng mẹ đẩy em ra. Rồi em lịm đi, đau đớn và sợ hãi... Bé C. đã hóa thành thiên thần bay đi, còn mẹ em phải ra trước tòa.

Bức bối, ngột ngạt

Trước bục khai báo là một cô gái trẻ, chiếc áo xanh thẫm tương phản với nước da trắng bệch của cô. Đôi mắt Dung cụp xuống khi nghe đại diện viện kiểm sát thuật lại hành vi tàn ác của chính mình đối với đứa con gái ruột.

Cuộc đời buồn của Dung được chắp nối qua những câu hỏi - đáp. Lúc 8 tuổi, trường gần nhà mở, mẹ bị cáo cũng định cho bị cáo đi học nhưng không có tiền đóng học phí nên bị cáo không biết chữ. Năm 17 tuổi, bị cáo đi lang thang rồi lần lượt có 5 đứa con trong đó có bé C.. 

Nghèo, đông con, có lần buồn Dung tìm đến ma túy nhưng không nghiện. Thu nhập từ việc bán vé số không đủ cho 3 mẹ con xoay xở. Cái vòng luẩn quẩn, bức bối cứ thế trôi đi cho đến khi xảy ra sự việc.

Không giấu nổi xót xa, nữ chủ tọa hỏi: "Bị cáo nói bị cáo thương con mà sao lại đánh con mình tàn nhẫn như vậy khi bé còn quá nhỏ?". Dung thều thào trả lời: "Trước giờ bị cáo chưa bao giờ đánh con. 

Hôm đó bị cáo bức bối trong người, vừa buồn vừa lo lắng vì không có tiền gửi về cho mấy đứa con đang ở quê. Bị cáo cũng không biết tại sao lúc đó bị cáo lại làm như vậy". "Bị cáo có biết đánh vào đầu bé C. là nguy hiểm, có thể gây chấn thương sọ não không?". "Bị cáo nóng giận quá... bị cáo không nghĩ là con sẽ chết... bị cáo sai rồi".

Nghịch cảnh của bị cáo, bị hại khiến cho không khí phiên tòa trở nên ngột ngạt. Quay lại bị cáo, vị hội thẩm giáo huấn: 

"Bây giờ bị cáo mới nhận ra thì chậm rồi. Đứa bé sinh ra phải có quyền sống, quyền được cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, cho ăn học chứ không phải sinh con ra thì có quyền giết. Hành vi này không chỉ là sai mà là ác. Tất cả các bà mẹ khi có lỗi đều đổ lỗi cho tâm lý để bao biện cho việc giết con". Dung im lặng.

Không thể cho con cuộc sống tốt

Phía bên dưới phòng xử, với vai trò là người đại diện cho người bị hại, khi nghe tòa hỏi ý kiến, bà L. - mẹ Dung - bật khóc. Vừa rời chuyến xe đò từ quê vào Sài Gòn, bà tất tả bắt xe ôm đến tòa, nơi con gái bà đang bị xét xử về tội giết người. 

Mấy năm trời mẹ con bà mới gặp lại nhau nhưng trớ trêu lại trong hoàn cảnh thế này. Bà nộp đơn xin tòa giảm nhẹ cho đứa con khờ dại của mình vì Dung còn có 4 đứa con nhỏ hiện đang do bà nuôi dưỡng và giấy xác nhận đã nộp 5 triệu đồng tiền viện phí cho bệnh viện.

"Gia đình bà khó khăn, vợ chồng bà sinh 4 người con nhưng chỉ có 2 người đi học mà học rất thấp, sao bà nhìn thấy Dung sinh tới 5 người con mà bà không khuyên bảo? - vừa giận vừa thương, vị hội thẩm trách móc - Đứa bé không có tội, tội do người lớn tạo ra. 

Không có công ăn việc làm, không có trình độ, không có học vấn, rời khỏi quê hương, gia đình vào đây đi bán vé số. Nguồn thu nhập không ổn định nhưng có đến 5 đứa con. 

Với tư cách là người mẹ, đã trải qua hoàn cảnh khó khăn và đông con, thấy con mình như vậy mình phải tư vấn, chỉ bảo cho con biết. Đứa trẻ sinh ra không được quyền lựa chọn. Sinh con ra rồi nghèo khó quá lại đổ lỗi lên đầu con".

Bà L. im lặng. Nước mắt rỉ ra, lăn dài trên má của người đàn bà lam lũ. Có người mẹ nào không muốn cho con mình một nền tảng, một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng mong muốn ấy cũng trở thành xa xỉ với bà L. và con gái. Hẳn nếu được làm lại, bà sẽ không để Dung ly hương, bà sẽ biết cách khuyên bảo để bi kịch hôm nay không xảy ra.

Đứa bé trong sân tòa

Bà L. dẫn theo bé K. - con trai út của Dung - vào Sài Gòn thăm mẹ. Cảm thương hoàn cảnh, trước phiên tòa, anh cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã tạo điều kiện cho hai mẹ con Dung gặp nhau.

Thế nhưng không có cảnh ôm ấp con sau bao ngày xa cách nào, vì Dung không nhận ra con. Lúc K. 2 tuổi thì mẹ bị bắt, K. về sống với bà ngoại, đến nay bé K. đã được 4 tuổi. Do còn quá nhỏ nên K. không được vào phòng xử. Nó thơ thẩn chơi ngoài sân chờ bà ngoại.

Có lẽ những lần sinh nở liên tục trong 6 năm qua, cộng thêm đời sống cơ cực đã khiến Dung kiệt sức, ngất xỉu khi đang thẩm vấn. Phiên tòa buộc phải hoãn vì sức khỏe của bị cáo. Bà L. lại khăn gói dẫn cháu trở về quê.

Nhiều người dự khán đã góp tiền để chia sẻ một phần khó khăn với bà. Bà L. nói rằng dẫu phía trước có nhiều khó khăn nhưng bà sẽ cố gắng cho các con của Dung đi học để cuộc đời chúng không lặp lại bi kịch như bà và mẹ chúng.

Một cuộc đời hoài phí Một cuộc đời hoài phí

TTO - Không chỗ ở, không nghề nghiệp, là con duy nhất trong gia đình nhưng cha mẹ đã mất, không vợ con, phía sau bị cáo không bóng một người thân. Cuộc đời bị cáo là những ngày vào tù, ra tù...

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên