Trong khi đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa Thu Đông 2017 chuẩn bị hoàn thành thu hoạch. Hiện giá lúa tăng mạnh và rất khó tìm mua.
Tại thành phố Cần Thơ, tổng diện tích sản xuất vụ lúa Thu Đông là gần 74.000ha. Hiện nông dân cơ bản đã thu hoạch xong còn lại vài nghìn ha tại huyện Vĩnh Thạnh.
Nguồn cung khan hiếm nên hầu hết diện tích lúa hoàn thành thu hoạch đều được thương lái thu mua ngay tại ruộng. Giá lúa tại thời điểm này tăng trên dưới 500 đồng/kg so với vụ trước. Nhờ vậy, lợi nhuận vụ này đạt được khá cao, khoảng 20 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nông dân có thói quen bán lúa tươi tại ruộng nên khi giá tăng cao nhiều nông dân thu hoạch sớm không còn lúa để bán, những hộ thu hoạch muộn bán được giá cao và thu nhiều lợi nhuận hơn.
Tại các địa phương lân cận Cần Thơ như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... phần lớn nông dân phấn khởi trước tình hình giá lúa tăng cao nhưng nhiều hộ cũng tiếc vì thu hoạch sớm, bán sớm.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, giá lúa gần đây tăng cao bởi phần lớn diện tích lúa trong vùng cơ bản đã hoàn thành thu hoạch, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp tăng cao.
Năm nay, ngoài việc ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn ký kết xuất khẩu gạo sang các thị trường mới như Bangladesh, Iran, Philippines... Vì vậy, nhu cầu gạo nguyên liệu hiện tại cũng như trong thời gian tới sẽ còn tăng mạnh.
Nhu cầu gạo nguyên liệu tăng cao nên hiện tại các quận huyện ngoại thành của thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh lân cận, dù nông dân chưa xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2017-2018 nhưng thương lái đã tới địa phương để ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân với giá khá cao, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 400-600 đồng/kg.
Cụ thể, giá lúa tươi giống IR 50404 được thương lái đặt cọc thu mua với giá trên dưới 5.000 đồng/kg, giống OM 5451 và Jasmine có giá từ 5.400-5.500 đồng/kg...
Việc các doanh nghiệp và thương lái đặt cọc thu mua lúa với giá cao từ sớm giúp nông dân phấn khởi và tích cực đầu tư sản xuất, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thương lái và nông dân bởi từ trước đến nay, các hợp đồng trên thường ít được thực hiện nghiêm túc. Khi giá lúa tăng cao hoặc giảm mạnh, thương lái hoặc nông dân sẵn sàng phá vỡ hợp đồng.
Theo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ, hiện trên 90% diện tích sản xuất lúa của nông dân trên địa bàn đã được các thương lái đặc cọc mua trước dù đến cuối tháng 10, các địa phương chưa thực hiện xuống giống.
Việc các doanh nghiệp ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo mới với giá tốt nên cạnh tranh thu mua nguyên liệu thời gian tới khả năng còn tiếp diễn và hơn ai hết người hưởng lợi là nông dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận