Phương đang làm việc tại trụ sở Bộ Công an, văn phòng phía Nam - Ảnh: GIA MINH |
Nghi can Trịnh Duy Phương (còn gọi là Tuấn Anh, 27 tuổi, quê Cà Mau, từng có một tiền án về tội trộm cắp tài sản) vừa bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an bắt giữ tối 4-5, nguồn tin từ Bộ Công an cho biết.
Nghi can bị bắt khi đang thực hiện một vụ lừa đảo xe gắn máy trị giá hơn 300 triệu đồng tại Long An.
Thông tin ban đầu cho biết, khoảng từ năm 2015, ở nhiều tỉnh, thành từ Khánh Hòa tới Cà Mau xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có một số vụ nạn nhân trình báo, còn hầu hết các vụ còn lại nạn nhân im lặng vì nhiều lý do.
Qua nắm tình hình và rà soát, C50 phát hiện hiện tượng này ở nhiều địa phương nên đã lập kế hoạch phối hợp bắt giữ đối tượng lừa đảo.
C50 và các địa phương xác định một đối tượng thường xuyên giả danh lãnh đạo cấp cao của các tỉnh, thành phố, có nhiều trường hợp là giả danh nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc giả danh các vị chức sắc tôn giáo.
Người này gọi tới các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mà đối tượng điều tra được, hoặc đoán được có mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao, nghệ sĩ hoặc chức sắc tôn giáo từ trước.
Đối tượng giả giọng lãnh đạo, thông báo mình đang đi công tác xa, có người thân bị tai nạn cần tiền gấp, nhờ giúp đỡ rồi ngay sau đó sẽ chuyển tiền trả.
Vì nghĩ mình và “lãnh đạo” đã có mối quan hệ, không dễ được “lãnh đạo” nhờ giúp đỡ nên nhiều nạn nhân nhận lời và chuyển số tiền lớn theo yêu cầu của đối tượng giả danh.
Ngay sau khi gọi và lừa được nạn nhân tin tưởng, nhận lời chuyển tiền, đối tượng lừa đảo liền gọi cho các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng như điện máy, điện tử hoặc những sản phẩm dễ giao dịch khác để đặt hàng, mua sản phẩm với số tiền lớn.
Đối tượng đề nghị chủ doanh nghiệp, cửa hàng cung cấp số tài khoản để chuyển tiền, hẹn sau khi chuyển tiền sẽ cho người nhà tới lấy hàng.
Kết nối được với nơi nhận tiền, đối tượng liền liên lạc lại với nạn nhân ban đầu để cung cấp số tài khoản, nhờ nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Khi biết tiền đã chuyển, Phương ung dung tới nơi đặt hàng để nhận hàng, sau đó mang bán các sản phẩm này lấy tiền tiêu xài.
Một số trường hợp khác, Phương giả danh người đặt tiệc lớn để chiêu đãi “lãnh đạo các cấp từ trung ương tới địa phương” thông báo đã chuyển tiền đặt tiệc qua tài khoản, nhưng vì khác hệ thống nên cần thời gian xử lý mới tới tài khoản của nhà hàng.
Khi chủ nhà hàng tiệc đã tin tưởng, Phương nói sẽ nhờ “cháu” tới giám sát, kiểm tra việc đặt tiệc.
Lấy lý do không mang theo tiền, trong vai cháu của người đặt tiệc, chính Phương lại là người thuyết phục chủ nhà hàng đặt tiệc ứng hàng chục triệu đồng cho Phương để Phương đi đặt hoa và các dụng cụ trang trí, nhận tiền xong thì Phương trốn luôn.
Một cán bộ của C50 cho biết trong suốt quá trình theo dõi Phương, không ai có thể ngờ Phương có biệt tài giả giọng giống như thật của hầu hết những người Phương nghe qua, có thể giả giọng từ trẻ tới già mà nghe qua điện thoại thì không thể nhận ra. Phương đã thực hiện trót lọt rất nhiều vụ, với số tiền rất lớn và thường xuyên di chuyển, ở các nhà nghỉ, khách sạn, nhà người quen chứ không ở một nơi lâu.
Vụ việc đang tiếp tục được mở rộng điều tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận