05/05/2023 10:03 GMT+7

Giá điện tăng: Tránh 'té nước theo mưa'

Mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% áp dụng từ hôm qua 4-5 được đánh giá là ít tác động đến người dân, doanh nghiệp song vẫn tiếp tục tạo nhiều sức ép cho tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thời gian tới.

Tăng giá điện đồng thời ngành điện cũng tăng đầu tư hệ thống đường dây truyền tải nhằm phục vụ điện ổn định. Trong ảnh: thi công điện trên quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tăng giá điện đồng thời ngành điện cũng tăng đầu tư hệ thống đường dây truyền tải nhằm phục vụ điện ổn định. Trong ảnh: thi công điện trên quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 4-5, EVN đã chính thức công bố giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 3%. Như vậy sau bốn năm không tăng giá, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức hiện hành là 1.864,4 đồng/kWh (chưa gồm VAT) lên 1.920,3 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tức là tăng thêm 55,9 đồng/kWh (tương ứng 3%).

Vì sao tăng 3%?

Tại buổi họp trao đổi thông tin sau khi công bố việc tăng giá, lãnh đạo EVN cho rằng mức tăng 3% có ít tác động hơn đến việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc EVN - cho hay chỉ số CPI và các hộ sản xuất kinh doanh, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng 5% sẽ tác động đến CPI là 0,17 điểm phần trăm. Như vậy với mức tăng 3%, lãnh đạo EVN đánh giá mức độ tác động đến CPI sẽ thấp hơn.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc giá điện tăng 3% có góp phần đảm bảo cân đối tài chính cho EVN khi đang treo khoản lỗ lớn tới hơn 26.200 tỉ đồng hay không, ông Nguyễn Xuân Nam - phó tổng giám đốc EVN - cho biết với mức tăng 3% thì doanh thu tám tháng cuối năm 2023 của EVN sẽ tăng thêm là hơn 8.000 tỉ đồng.

Việc tăng giá điện dù giúp giảm thiểu khó khăn về tài chính, nhưng ông Nam cho rằng mức tăng 3% này vẫn là khó khăn cho EVN.

"Mức giá huy động từ nguồn nhiệt điện than là 2.400 đồng/kWh, có thời điểm cao nhất là 4.000 đồng/kWh trong khi giá mua vào chỉ 1.800 - 1.900 đồng/kWh. Giá đầu vào với giá đầu ra như vậy để chia sẻ với EVN, chúng tôi phải gồng mình như thế nào đảm bảo đủ điện cho đất nước", ông Nam bày tỏ.

Không trực tiếp tham dự buổi họp trao đổi thông tin nhưng trong một thông báo phát đi chiều 4-5, Bộ Công Thương cho biết việc tăng giá bán lẻ điện bình quân được tính toán dựa trên các yếu tố gồm phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ...

Trong đó chi phí phát điện chiếm tỉ trọng lớn nhất (83%) trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN.

Đơn cử như giá than pha trộn năm 2022 tăng bình quân trong khoảng từ 34,7 - 46,4% so với giá than pha trộn bình quân từng loại than năm 2021; giá than nhập khẩu năm 2022 cũng tăng mạnh so với năm 2021.

Giá than tăng cao dẫn đến chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than cũng tăng cao. Giá khí thị trường bình quân năm 2022 tăng 27,4% so với bình quân năm 2021; làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy tuốc bin khí.

Theo Bộ Công Thương, cơ cấu nguồn điện phát từ nhiệt điện (than, khí) chiếm tỉ trọng cao với trên 60%, dẫn đến chi phí mua điện cao hơn so với thông số tính toán giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

Nhằm ổn định nguồn điện trong sinh hoạt, sản xuất điện lực TP.HCM tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống điện trên đường Lạc Long Quân (quận 11)  - Ảnh: HỮU HẠNH

Nhằm ổn định nguồn điện trong sinh hoạt, sản xuất điện lực TP.HCM tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống điện trên đường Lạc Long Quân (quận 11) - Ảnh: HỮU HẠNH

Tránh tình trạng hàng hóa lợi dụng tăng giá

Nêu quan điểm về việc tăng giá điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa - chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng giá điện tăng 3% cho thấy các cơ quan liên quan đã thực hiện nghiêm túc, điều hành giá điện không giật cục, có lộ trình, bảo đảm ổn định tình hình chính trị, xã hội, hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và người dân.

"Việc tăng giá điện không nhiều nên tác động đến nền kinh tế và người dân là thấp hơn. Tuy nhiên, lưu ý tình trạng "té nước theo mưa", các loại hàng hóa dịch vụ sẽ tăng theo giá điện", ông Thỏa đề nghị các cơ quan chức năng cần yêu cầu tất cả những doanh nghiệp trong diện phải đăng ký giá, những doanh nghiệp nhà nước còn định giá, doanh nghiệp phải kê khai giá báo cáo chi tiết giá thành sản xuất, kinh doanh.

"Điều này nhằm tránh tình trạng giá điện tăng bao nhiêu bị lợi dụng tăng bấy nhiêu, lợi dụng thêm việc tăng giá điện để tăng giá là lôi kéo những mặt hàng mà ở ngoài thị trường, ngoài các chợ dân sinh tăng theo, gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", ông Thỏa nói.

Đối với EVN, ông Thỏa cho rằng mức tăng 3% sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện có rất nhiều khó khăn. Bởi giá thành sản xuất kinh doanh điện bình quân đã tăng trên 10% nhưng giá bán lẻ tăng 3% sẽ gây áp lực lớn cho EVN.

Vì vậy, theo ông Thỏa, Nhà nước cần phải có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngành điện trong bối cảnh tình hình tài chính hiện nay vì dù có tăng 3% cũng vẫn còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá.

"Tôi cho rằng khi chúng ta tiến đến thị trường điện cạnh tranh hoàn toàn thì có thể áp dụng điện một giá để người dân tự lựa chọn. Tuy nhiên trong điều kiện của chúng ta là nguồn cung điện đang còn có vấn đề và yêu cầu phải tiết kiệm điện một cách mạnh nhất thì không cách nào khác cũng như kinh nghiệm của thế giới là phải áp dụng biểu giá điện bậc thang. Đây là cách thực hiện tiết kiệm điện cũng là để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của từng đối tượng trong xã hội", ông Thỏa nói.

Đồng tình, ông Trần Đình Long - phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng mức tăng 3% không quá lớn, nên sẽ khó bù đắp được chi phí tài chính của EVN.

Do đó cần có lộ trình điều chỉnh giá điện cho phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên trên cơ sở việc điều chỉnh giá có thể tính toán "chia nhỏ" và giãn chu kỳ, phù hợp với diễn biến thị trường điện. Đồng thời cần thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh để giá điện tiệm cận hơn với thị trường.

Đồ họa: N.KH.

Đồ họa: N.KH.

Để khắc phục khó khăn, lãnh đạo EVN cho biết phải thực hiện nhiều giải pháp, làm việc với các đối tác cung ứng khí, than đồng hành chia sẻ hỗ trợ giảm giá, huy động tối đa nguồn điện giá rẻ, đàm phán nguồn năng lượng tái tạo...

Đồng thời EVN sẽ tập trung các giải pháp nội tại là nỗ lực tiết giảm chi phí, tiết giảm chi phí thường xuyên.

Dẫn chứng là năm 2022, tập đoàn đã tiết giảm 10% chi phí thì năm nay tăng thêm là 15%, các khoản sửa chữa lớn cũng cắt giảm, từ 30% tăng lên 40%; giảm chi phí nhân công, tiền lương cũng phải cắt giảm.

Cùng với tiết kiệm chi phí đầu vào, EVN cũng tập trung cho tuyên truyền và thực hiện giải pháp tiết kiệm điện theo chỉ đạo của Chính phủ. Lãnh đạo EVN cũng kêu gọi người dân chung tay thực hiện tiết kiệm điện.

Dân sẽ trả thêm bao nhiêu?

Với việc điện tăng giá 3%, EVN tính toán mức tăng với hộ dân và hộ sản xuất kinh doanh:

Đối với hộ dân: tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ; hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng tăng thêm 5.100 đồng/hộ; hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng tăng thêm 11.100 đồng/hộ; hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng tăng thêm 18.700 đồng/hộ và hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ.

Đối với hộ sản xuất kinh doanh: hơn 1,8 triệu hộ sản xuất sẽ phải trả thêm 307.000 đồng/tháng/hộ; 662.000 khách hàng là hộ hành chính sự nghiệp sẽ phải trả thêm 40.000 đồng/tháng/hộ; 528.000 hộ kinh doanh dịch vụ sẽ trả thêm 141.000 đồng/tháng/hộ.

Người dân đóng tiền điện tại Điện lực Sài Gòn - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân đóng tiền điện tại Điện lực Sài Gòn - Ảnh: TỰ TRUNG

Ảnh hưởng với doanh nghiệp, người dân ra sao?

Đã chuẩn bị cho tình huống EVN tăng giá điện nên các doanh nghiệp cho biết không bất ngờ, song trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng nên phải nỗ lực tiết giảm thêm một số khoản chi khác.

Việc tiết kiệm điện cũng được đặt ra với doanh nghiệp, người dân.

Ảnh hưởng tùy mức sử dụng

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-5, ông Tô Ngọc Ngời, tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn, cho biết doanh nghiệp không quá bất ngờ với thông tin tăng giá điện.

Tuy nhiên trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam đang đối diện với khó khăn về đơn hàng, việc tăng giá điện ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp cả trong ngắn lẫn dài hạn.

Ông Ngời cho biết các doanh nghiệp buộc phải có những giải pháp để nâng sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí sản xuất. Về mặt dài hạn, Nhà nước cần thúc đẩy nhanh các chính sách về năng lượng tái tạo để giúp các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất chủ động lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, tự dùng và bán lại lượng điện dư thừa cho EVN.

"Đây là giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp bởi giúp doanh nghiệp giảm được chi phí điện năng lại còn được hưởng các tiêu chí xanh khi xuất khẩu các sản phẩm", ông Ngời nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho rằng việc tăng giá điện sẽ có mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào mức sử dụng điện của từng doanh nghiệp.

Với những doanh nghiệp sử dụng điện nhiều trong ngành cơ khí, ông Tống cho hay việc tăng giá điện 3% sẽ tác động lớn đến chi phí sản xuất.

Ưu tiên tiết kiệm

Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp sản xuất tôn cũng cho biết đã có "kịch bản" các phương án giá điện khi EVN đề xuất tăng giá điện từ năm ngoái.

Tuy vậy, vị này cho biết giá điện ở Việt Nam vẫn "mềm" hơn một số nước, do đó doanh nghiệp buộc phải thích ứng khi tiết giảm năng lượng ở mức tối đa để tối ưu chi phí trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Đoàn Võ Khang Duy, giám đốc Công ty CP công nghiệp Ameco, cho rằng với một số ngành công nghiệp hỗ trợ, chi phí điện năng tương đối ít, khoảng dưới 10% nên mức tăng giá điện 3% tác động không quá lớn đến các doanh nghiệp trong ngành này.

Ông Duy cho hay hiện nhiều doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ, sử dụng các loại máy móc ít hao tổn điện năng so với trước và nhiều nhà máy đã dùng thêm điện mặt trời nên các doanh nghiệp cũng tiết giảm chi phí điện hơn.

Tổng giám đốc một công ty may lớn ở TP.HCM cho biết hiện đơn hàng sụt giảm, khi đơn hàng tăng trở lại, việc giá điện tăng 3% sẽ có tác động về chi phí sản xuất, buộc doanh nghiệp vừa phải giảm chi phí vừa phải tận dụng những lợi thế cạnh tranh khác để có đơn hàng.

Một doanh nghiệp khác trong ngành thủy sản cho biết về nguyên tắc khi giá điện tăng 3%, các doanh nghiệp buộc phải tiết giảm chi phí tương ứng nếu không muốn giá bán đội lên, giảm sức cạnh tranh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-5, ông Bùi Trung Kiên, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết số liệu thống kê tiêu thụ điện tại TP.HCM những ngày gần đây cho thấy mỗi gia đình đã dùng điện tăng hơn 30% so với ngày thường, thậm chí tăng lên gấp đôi so với những tháng dùng ít điện.

Vì vậy, ông Kiên khuyến cáo người dân cần theo dõi, tiết kiệm điện mùa nắng nóng để tránh phải trả các hóa đơn tiền điện tăng cao khi giá điện tăng.

NGỌC HIỂN

Đã chốt xong công tơ, khách hàng không lo thiệt thòi

Tại TP.HCM, đến 19h tối 4-5, với khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt (còn sử dụng công tơ cơ hoặc công tơ đo xa gặp trục trặc, mất tín hiệu) thì nhân viên đã đến tận nơi để ghi chỉ số điện tính tới thời điểm hiện tại.

Với loại công tơ đo xa thì các công ty điện lực trực thuộc dễ dàng lấy được chỉ số điện tính tới thời điểm hiện tại.

"Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt thì sẽ sử dụng phương pháp nội suy. Giả sử ngày ghi điện tiếp theo là 13-5 thì khách hàng đã trải qua 20 ngày sử dụng điện theo biểu giá cũ.

10 ngày còn lại sử dụng điện theo biểu giá mới. Đến đó, sẽ chia tổng chỉ số điện sử dụng trong 30 ngày ra làm ba phần. Hai phần tính theo giá điện cũ và một phần tính theo giá điện mới ban hành. Do đó khách hàng không phải chịu thiệt thòi" - ông Bùi Trung Kiên, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho hay.

LÊ PHAN

Giá bán lẻ điện từ hôm nay 4-5, tăng thêm gần 60 đồng/kWhGiá bán lẻ điện từ hôm nay 4-5, tăng thêm gần 60 đồng/kWh

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, giá bán lẻ điện bình quân chính thức được điều chỉnh tăng lên mức 1.920,3732 đồng/kWh kể từ ngày hôm nay 4-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên