23/12/2015 09:13 GMT+7

Giá cước vận tải: Không giảm sẽ rút giấy phép

L.THANH - C.V.KÌNH - T.PHÙNG
L.THANH - C.V.KÌNH - T.PHÙNG

TT - Ngày 22-12, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu sở GTVT các địa phương tăng cường kiểm soát giá cước vận tải, đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu.

Vận chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM trưa 22-12. Người kinh doanh kêu trời vì doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá cước  - Ảnh: Quang Định
Vận chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, TP.HCM trưa 22-12. Người kinh doanh kêu trời vì doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá cước - Ảnh: Quang Định

Cụ thể, sở GTVT phải yêu cầu doanh nghiệp vận tải kê khai lại giá cước, đặc biệt là các chi phí cấu thành giá cước. Đặc biệt, sở GTVT phải phối hợp với sở tài chính kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải, nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí có thể bị rút giấy phép.

Giá xăng dầu giảm sâu, cước vận tải đứng yên

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị thúc doanh nghiệp vận tải giảm giá cước vận tải, do giá cước vẫn án binh bất động dù giá xăng dầu liên tục giảm và hiện đứng ở mức thấp. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết từ giữa tháng 9 đến nay, giá xăng dầu giảm mạnh, trong đó giá dầu diesel đã được điều chỉnh giảm sâu với 1.250 đồng/lít vào ngày 18-12, trong khi giá cước vận tải vẫn không giảm.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, so với ngày 1-7-2015, giá xăng hiện nay (18-12) đã giảm 20,8%, giúp giá thành xe chạy xăng giảm từ 5,2-7,3% tùy mức độ tiêu hao nhiên liệu của xe. Tương tự, giá dầu diesel 0,05S cùng thời điểm này giảm 25,5%, giúp xe chạy dầu giảm 8,9-11,5% chi phí giá thành.

Trong khi đó, nếu so với cách nay ba tháng (18-9), giá xăng hiện đã giảm 8,6%, giúp giá thành vận tải của xe chạy bằng xăng giảm 2,2-3%, còn giá dầu diesel 0,05S giảm 13,7% với mức giá thành vận tải giảm tương ứng là 4,8-6,2%.

Ông Tuấn cho rằng đây là cơ sở để Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo sở GTVT các địa phương chủ trì, phối hợp với sở tài chính và các cơ quan chức năng tăng cường quản lý giá cước vận tải, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và góp phần bình ổn giá cả trên thị trường nói chung.

Trước mắt, sở GTVT các địa phương yêu cầu doanh nghiệp vận tải kê khai, rà soát đánh giá lại giá cước. Theo đó, với tỉ lệ giá xăng dầu giảm như vậy, mức độ giảm giá cước vận tải thời gian tới như thế nào để đảm bảo công bằng với người tiêu dùng.

Nhiều hành khách đi taxi than phiền giá xăng dầu giảm nhưng tiền cước đi xe không giảm. Các số liệu trong ảnh là diễn biến giá xăng dầu từ 18-9 đến nay và tác động đến giá thành cước vận tải (Nguồn: Bộ Tài chính)Ảnh: Hữu Khoa - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Nhiều hành khách đi taxi than phiền giá xăng dầu giảm nhưng tiền cước đi xe không giảm - Ảnh Hữu Khoa

Mạnh tay với doanh nghiệp chây ì giảm cước

“Nếu doanh nghiệp chây ì không giảm giá cước, cơ quan quản lý vận tải không chỉ xử phạt hành chính mà còn rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Tuấn, để biết chính xác giá cước vận tải giảm bao nhiêu là phù hợp, cần phải đánh giá tổng thể, gồm các chi phí cấu thành nên giá cước vận tải là lương, điện, nước sạch... Tuy nhiên theo ông Tuấn, nhiên liệu chiếm 30-40% giá thành cước vận tải, nên giá nhiên liệu giảm sâu mà giá cước vận tải đứng yên là không chấp nhận được.

Trong khi đó, ông Phan Thế Ruệ - nguyên thứ trưởng Bộ Công thương - cho rằng khi giá dầu xuống thấp, nền kinh tế và người tiêu dùng phải được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong suốt hai năm nay, chuyện nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải chây ì hoặc giảm giá cước vận tải không tương xứng vẫn cứ diễn ra. Đặc biệt là hầu hết doanh nghiệp taxi không chịu giảm giá cước.

“Giá xăng đã giảm sâu suốt hai tháng nay nhưng giá taxi không nhúc nhích là điều rất bất hợp lý” - ông Ruệ nhấn mạnh. Theo ông Ruệ, nhiều ý kiến đánh giá khi giá dầu thô giảm, VN có lợi 60% và không có lợi là 40%. Nhưng nếu Nhà nước không điều hành tốt, cơ quan quản lý không giám sát chặt chẽ thì nền kinh tế, người tiêu dùng sẽ không được hưởng lợi đủ 60% trong khi vẫn phải gánh đủ 40% thiệt hại.

Theo ông Ruệ, đây là câu chuyện của Nhà nước. Cơ quan quản lý cần phải kiên quyết hơn, giám sát chặt chẽ hơn trong quản lý giá, nhất là khi giá cước vận tải chiếm phần không nhỏ trong giá thành của hàng hóa. “Nếu doanh nghiệp nào chây ì không giảm giá cước vận tải phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu, Nhà nước cần phải đình chỉ hoạt động, ngưng cấp phép mở tuyến…” - ông Ruệ đề nghị.

Các số liệu trong ảnh là diễn biến giá xăng dầu từ 18-9 đến nay và tác động đến giá thành cước vận tải (Nguồn: Bộ Tài chính) - Đồ họa: Vĩ Cường
Các số liệu trong ảnh là diễn biến giá xăng dầu từ 18-9 đến nay và tác động đến giá thành cước vận tải (Nguồn: Bộ Tài chính) - Đồ họa: Vĩ Cường

Xăng đã giảm 12 lần, dầu giảm 13 lần

Theo thông tin từ Bộ Công thương, từ đầu năm đến hết đợt điều hành ngày 18-12, đã có tổng cộng 23 đợt điều chỉnh giá xăng dầu. Trong đó, xăng A92 đã giảm tới 12 lần với tổng giá trị giảm là 7.311 đồng/lít, chỉ có 6 lần tăng giá với giá trị tăng là 5.826 đồng/lít. Trong khi đó, xăng A92 cũng đã được quỹ bình ổn (do người tiêu dùng đóng góp) bù đắp 5 lần để tránh phải tăng giá.

Với dầu diesel 0,05S, số lần giảm giá trong năm 2015 còn nhiều hơn, lên đến 13 lần với tổng giá trị giảm là 7.017 đồng/lít. Ngược lại, dầu diesel 0,05S chỉ 4 lần tăng với giá trị tăng gần 2.000 đồng/lít.

Cần công khai doanh nghiệp vi phạm

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải nên giảm thế nào phù hợp? Chưa cơ quan chức năng và chuyên gia nào đưa ra mức tính cụ thể và chính xác mức giá cước cần giảm mà chỉ nói theo cảm tính. Câu chuyện về giá xăng dầu, giá cước vận tải VN như một vòng luẩn quẩn chưa có hồi kết.

Giải thích việc chậm giảm giá cước, các doanh nghiệp vận tải cho rằng giá xăng dầu liên tục điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày, tăng giảm không ổn định, mỗi lần tăng giảm rất nhỏ giọt vài trăm đồng, nên phải thận trọng khi thay đổi giá cước. Bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp cần thời gian để tính toán, tốn nhiều chi phí cài đặt đồng hồ, dán decal tốn kém; bổ sung dịch vụ để bù vào...

Chưa hết, những khoản phí cầu đường, phí qua trạm cũng tăng, rồi phát sinh thêm trạm thu phí mới... cũng khiến giá thành vận tải bị đội lên. Tuy nhiên, có một nghịch lý là khi giá xăng dầu vừa rục rịch tăng, các doanh nghiệp đều đồng loạt xin tăng giá cước vận tải mà không đề cập chuyện tốn kém chi phí điều chỉnh giá cước.

Cũng xin nhấn mạnh là theo quy định tại khoản 5 điều 11 Luật giá, “doanh nghiệp phải điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ của mình phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá”. Do đó việc điều chỉnh giá cước theo biến động giá xăng dầu là nghĩa vụ phải làm của doanh nghiệp vận tải.

Doanh nghiệp không điều chỉnh giá là làm sai quy định, hoàn toàn có thể xử phạt theo quy định, thậm chí có thể buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá bất hợp lý. Vậy tại sao pháp lý đã có mà chúng ta chưa thực hiện được hay nói cách khác là luật chưa đi vào cuộc sống?

Nguyên nhân của hiện tượng này, theo tôi, là do cơ chế quản giá (đối với vận tải đường bộ) chưa tương xứng, dù thị trường vận tải đã có cạnh tranh thông qua giá, chất lượng dịch vụ, tiếp thị...

Và mặc dù các doanh nghiệp được tự định giá, nhưng mỗi lần điều chỉnh phải tiến hành qua nhiều bước thẩm định, làm gia tăng thêm nhiều chi phí, mất thời gian và chậm nhịp, không phù hợp so với sự biến động diễn biến của giá xăng dầu.

Trong khi đó, cơ quan chức năng không đủ khả năng và thời gian để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra đối với các doanh nghiệp vận tải khi mỗi lần điều chỉnh tăng hoặc giảm giá. Đặc biệt, những doanh nghiệp vi phạm bị phát hiện sau mỗi lần thanh tra chưa thông báo một cách công khai cho người tiêu dùng biết...

Từ thực trạng trên, để giá cước vận tải có hồi kết không gây nỗi bức xúc cho người tiêu dùng, theo tôi, cần căn cứ vào thực trạng của từng phương thức vận tải mà có cách quản lý giá cho phù hợp.

Đối với thị trường vận tải đường bộ, hiện có sự cạnh tranh rất mạnh, nên để cho doanh nghiệp tự định giá. Nhà nước không nên bắt làm những thủ tục đăng ký, kê khai, báo cáo mỗi lần điều chỉnh giá cước.

Trong tình hình biến động giá nhiên liệu như hiện nay, việc các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh kịp thời giá cước theo cơ chế quản lý hiện hành còn nhiều bất cập về thủ tục hành chính, tốn kém chi phí, không cần thiết.

Bởi khi thị trường đã có sự cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ tự quyết định giá để cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn tối ưu cho mình khi sử dụng dịch vụ.

Cơ quan chức năng cần đưa ra những định mức chi phí cụ thể đối với từng loại hình vận tải, để làm sao đảm bảo doanh nghiệp có lãi hợp lý, Nhà nước có nguồn thu thuế khi doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn người tiêu dùng được sử dụng dịch vụ với mức giá hợp lý.

Cơ quan chức năng theo dõi, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, khi phát hiện doanh nghiệp nào có dấu hiệu bất chính, không hợp lý về giá hoặc vi phạm Luật cạnh tranh sẽ vào thanh tra, kiểm tra. Dựa trên định mức chi phí đã ban hành, nếu có sai phạm xử phạt rất nghiêm minh và công khai cho người tiêu dùng biết. 

TS NGÔ TRÍ LONG

 

L.THANH - C.V.KÌNH - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên