31/10/2013 10:00 GMT+7

Giá cà phê rơi tự do

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Ngày 30-10, giá cà phê một số nơi tại Tây nguyên đã giảm xuống dưới 30.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân lo lắng không yên. Mức giá này không những thấp nhất trong hơn ba năm qua mà còn gần chạm đến điểm hòa vốn của người trồng cà phê.

uvEDuWBJ.jpgPhóng to
Thu hoạch cà phê ở xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Gia Lai - Ảnh: Tiến Thành

Giá giảm hơn nữa là người dân cầm chắc thua lỗ dù niên vụ cà phê 2013-2014 vẫn chưa thu hoạch rộ.

Giá giảm nhanh

Xuất khẩu trên 1 triệu tấn cà phê

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm đạt khoảng 1,09 triệu tấn với kim ngạch 2,33 tỉ USD, giảm 24,6% về khối lượng và 24,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Từ mức 34.000 đồng/kg ngày 24-10, giá cà phê đã giảm liên tục 4.000 đồng/kg xuống còn khoảng 30.000 đồng/kg vào ngày 30-10, nhiều nơi đã xuống dưới “mức tâm lý” 30.000 đồng/kg. Như vậy kể từ đầu tháng 10 (đầu niên vụ cà phê 2013-2014) giá cà phê đã mất gần 6.000 đồng/kg.

Trên sàn giao dịch cà phê London, tình hình cũng ảm đạm không kém khi giá cà phê robusta (loại cà phê chủ yếu của VN) giao dịch kỳ hạn tháng 11 giảm thêm 13 USD/tấn xuống còn 1.486 USD/tấn. Tại thị trường New York, giá cà phê arabica giảm phiên thứ 11 liên tiếp xuống còn khoảng 2.360 USD/tấn.

Theo ông Nguyễn Nam Hải - tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê VN (Vinacafe), giá cà phê giảm do tổng hợp của ba nguyên nhân chính là nhiều quốc gia sản xuất cà phê lớn như Brazil, Colombia, Indonesia đều được mùa đang đẩy mạnh lượng hàng bán ra, bên cạnh đó là sự lên giá của đồng USD và sự thao túng của giới đầu cơ quốc tế.

Ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh (TP.HCM), cho rằng cà phê arabica đang tràn ngập trong các kho của châu Âu nên giá hàng robusta (chiếm 90% sản lượng xuất khẩu của VN) giảm là đương nhiên. Thế giới tiêu thụ hai loại cà phê chính là arabica và robusta, trong đó robusta rẻ hơn arabica rất nhiều. Đầu năm 2011 cà phê robusta lên đỉnh điểm là 2.600 USD/tấn, khi đó giá arabica lên đến 8.000-9.000 USD/tấn. Sau đó arabica giảm liên tục chỉ còn trên 2.000 USD/tấn như bây giờ, trong khi robusta chỉ giảm từ 2.600 USD/tấn xuống còn 1.500 USD/tấn.

Ab1iQRuF.jpgPhóng to
Đồ họa: V.Cường

Kiến nghị tạm trữ

Với vai trò là phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa), ông Nguyễn Nam Hải cho biết niên vụ cà phê 2013-2014 sẽ thu hoạch rộ vào tháng 11 nên cần phải có kế hoạch điều tiết lượng bán ra một cách hợp lý, tránh làm tăng áp lực giảm giá. “Vicofa sẽ kiến nghị lên Chính phủ sớm triển khai chương trình tạm trữ 300.000 tấn cà phê niên vụ 2013-2014 để giảm nguồn cung ra thị trường. Đồng thời chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp thành viên hạn chế xuất khẩu ồ ạt, thay vào đó nên điều tiết bán ra theo từng tháng ngay từ đầu vụ để giữ giá” - ông Hải cho biết.

Ông Phan Minh Thông cũng cho rằng do hàng arabica nhiều quá nên dù các kho của châu Âu khan hiếm, các sàn giao dịch gần như thấp nhất trong lịch sử nhưng vẫn không cứu vãn được giá robusta. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội để giữ giá cà phê trong nước nếu VN biết điều tiết lượng bán ra một cách hợp lý.

Trong năm năm qua khi giá cà phê lên cao, một số nước châu Âu đã bắt đầu quen với việc sử dụng robusta nên họ sẽ tiếp tục mua hàng. VN là nước sản xuất cà phê lớn nên với một chính sách kiểm soát tốt nguồn bán ra thì đến lúc giá sẽ tăng lên. “Hãy nhìn sang mặt hàng tiêu làm ví dụ. Đã có lúc giá tiêu xuống dưới mức 5.800 USD/tấn mà bây giờ bật lên 7.500 USD/tấn chỉ vì VN không cung cấp hàng cho thế giới” - ông Thông nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Bình - giám đốc Công ty TNHH Chánh Tinh Anh (TP.HCM) - tỏ ra thận trọng trước kế hoạch tạm trữ. Theo ông Bình, số liệu xuất khẩu cà phê các tháng vừa qua cho thấy dù sản lượng bán ra của VN giảm liên tục và giảm hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá vẫn giảm không phanh. Do 4-5 năm qua giá cà phê luôn ở mức cao nên các nước đều tăng đầu tư trồng mới tái canh, sản lượng cà phê liên tục tăng. Ngay cả khi VN không bán hàng ra thì các nước khác cũng có hàng để bán ra thị trường, lượng thiếu hụt từ phía VN được bù đắp bởi hàng từ Brazil, Colombia, Indonesia... Trong những tháng qua, VN giảm lượng bán nhưng giá vẫn xuống và lượng hàng bán ra của các nước sản xuất cà phê khác vẫn đều đặn tăng tháng sau hơn tháng trước.

Do đó, theo ông Bình, nông dân cần tính toán có lời là bán ngay. Doanh nghiệp cũng duy trì bán ra nhằm giữ mối hoặc ít ra cho người mua có tâm lý họ luôn có hàng, nếu không họ sẽ chuyển sang mua hàng của nước khác thì còn nguy hiểm hơn.

Không đủ chi phí đầu tư

Nhiều nông dân Đắk Lắk cho biết với giá cà phê như hiện nay, người làm cà phê gần như không có lời... Ông Phạm Hùng Vương (45 tuổi), nông dân làm cà phê tại thôn 6, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, cho biết: với giá cà phê nhân khoảng 30.000 đồng/kg coi như nông dân mất công chăm sóc cả một năm vừa qua. Ông Vương phân tích với 1ha cà phê ở vùng đất tương đối màu mỡ có năng suất khoảng 3 tấn/ha, nếu bán thời điểm hiện nay khoảng 90 triệu đồng. Trong đó nông dân phải chi phí hơn 30 triệu đồng tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Ngoài ra, mỗi năm phải tưới nước ít nhất ba đợt, 2 triệu đồng/đợt/ha, mất thêm 6 triệu đồng. Dù giá cà phê giảm nhưng giá thuê nhân công thu hoạch cà phê lại không giảm mà còn tăng, 140.000-150.000 đồng/người/ngày công, mỗi hecta mất 14-15 triệu đồng công thu hoạch. Như vậy chi phí chăm bón và công thu hoạch cho 1ha cà phê hiện nay vào khoảng 50 triệu đồng. Nếu tính công chăm sóc của người dân trong vòng một năm thì nông dân vừa huề vốn, không có lời.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Cà phê “nóng” chuyện gian lận thuếThử lý giải chuyện đổ nợ của ngành cà phêMỗi sản phẩm nông nghiệp sẽ được cho vay riêngNgân hàng “quay lưng” với cà phê

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên