Bộ Giao thông vận tải cho rằng ghép dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là không phù hợp - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trước đó, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (đang thực hiện dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) đã có đề xuất gửi Thủ tướng nên ghép dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc địa bàn Đồng Tháp và Vĩnh Long với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang để có một cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính…
Tuy nhiên, trả lời Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ Giao thông vận tải - cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cho biết: hiện tại Thủ tướng đang giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì báo cáo Ban cán sự Chính phủ để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chuyển đổi dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (loại hợp đồng BOT) sang hình thức đầu tư công.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chuyển sang đầu tư công thì trách nhiệm quản lý đầu tư vẫn thuộc về Bộ Giao thông vận tải theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật giao thông đường bộ.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc ghép dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ gặp nhiều vướng mắc.
Bởi vì dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 2 dự án khác nhau được thực hiện bởi 2 cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác nhau. Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc phạm vi tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, không thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang nên sẽ phát sinh những vấn đề pháp lý, khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, việc ghép dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa có nhà đầu tư vào dự án đang triển khai thực hiện cũng không phù hợp với những vấn đề đã được nêu tại nghị quyết số 437NQ - UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Ngoài ra, trong thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã có ý kiến kết luận về một số dự án BOT, trong đó khẳng định việc bổ sung dự án, bổ sung hạng mục ngoài phạm vi dự án BOT ký hợp đồng là chưa phù hợp quy định.
Hiện tại tuyến đường cao tốc Bắc - Nam từ TP.HCM đến Cần Thơ đã khai thác đoạn đoạn TP.HCM - Trung Lương đầu tư bằng vốn nhà nước, đang thi công đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận bằng vốn BOT, thi công cầu Mỹ Thuận 2 bằng nguồn vốn nhà nước.
Còn đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23,6km, giai đoạn I đầu tư mặt đường 4 làn xe, rộng 17m, tổng mức đầu tư 5.408 tỉ đồng từng đấu thầu chọn nhà đầu tư quốc tế theo hình thức đối tác công tư nhưng không thành công dù Nhà nước đã tham gia 932 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng.
Theo thông báo kết luận số 126/TB- VPCP ngày 25-3-2020 của Thủ tướng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo báo cáo Bộ Chính trị: Đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công; bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và đường băng, đường lăn của cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu ( kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán khi triển khai các dự án, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận