Ở các nước, nhà chức trách can thiệp từ rất sớm để khắc chế, hoặc ít ra là hạn chế trong chừng mực có thể được, ảnh hưởng xấu của tiếng ồn đối với chất lượng cuộc sống, nói chung đối với sự phát triển xã hội bền vững.
Thật ra không thể cấm người ta tạo ra tiếng động, bởi suy cho cùng, đó là một phần nội dung của quyền tự do cá nhân. Khi chấp nhận sống trong không gian chung, con người đồng thời phải chấp nhận những điều phiền toái, bất tiện có nguồn gốc từ những hành vi được người láng giềng thực hiện theo ý thích của họ.
Dẫu sao, nguyên tắc tự do trong quan hệ cộng đồng đòi hỏi một mặt chủ thể có đầy đủ sự tự do của mình và mặt khác, chủ thể phải tôn trọng tự do đầy đủ của mọi chủ thể khác. Vả lại, không ai bị buộc hi sinh lợi ích riêng tư của mình vì lý do cần bảo vệ lợi ích riêng tư của người khác.
Nói riêng về quan hệ láng giềng, cũng bởi vì sự chấp nhận điều phiền toái, bất tiện là bắt buộc, mà việc có người nào lạm dụng sự chấp nhận đó, thể hiện thành những hành vi mang tính quấy nhiễu vượt quá sức chịu đựng của người xung quanh, phải bị coi là việc làm không chính đáng và bị chế tài.
Cụ thể, một khi có đầy đủ bằng chứng về mối liên hệ nhân quả giữa hành vi gây tiếng ồn của một người và những thiệt hại vật chất, tinh thần người khác gánh chịu, thì người gây tiếng ồn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp không chỉ cuộc sống cá nhân mà cả sinh hoạt cộng đồng, trật tự công cộng cũng bị ảnh hưởng xấu do những hành vi loại này, thì người thực hiện hành vi có thể còn phải bị xử phạt hành chính và phải trả một khoản tiền lớn; thậm chí người này có thể bị truy tố theo pháp luật hình sự và phải ngồi tù, một khi hành vi thực hiện bị cho là nguy hiểm đối với xã hội.
Tất cả những điều này cũng được thừa nhận ở Việt Nam và được ghi nhận trong các văn bản luật. Tuy nhiên việc áp dụng trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn. Tòa án ngại can thiệp, các cơ quan hành chính cũng chẳng biết làm gì mỗi khi người dân kêu nài.
Chắc chắn, cộng đồng không thể được coi là có trật tự và văn minh trong điều kiện mỗi người có quyền thụ hưởng cuộc sống của riêng mình theo cách gì đó tùy thích, kể cả việc “tra tấn” người khác. Với tư cách là người đảm nhận chức năng tổ chức, quản lý cuộc sống xã hội, nhà chức trách công phải đầu tư thỏa đáng cho việc hoàn thiện khung chuẩn mực ứng xử nhằm bảo đảm sự bình yên, thoải mái của cuộc sống trong không gian chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận