15/05/2009 03:25 GMT+7

Gãy cổ xương đùi: hiểm họa của người già

BS TĂNG HÀ NAM ANH
BS TĂNG HÀ NAM ANH

TT - Một trong những vấn đề lớn của chấn thương chỉnh hình ở các nước phát triển cũng như ở VN chính là bệnh lý gãy cổ xương đùi nơi người già.

kRBDyGZG.jpgPhóng to
Lắp tay vịn cho người già trong nhà tắm để phòng té ngã - Ảnh: N.C.T.

Sở dĩ gọi là bệnh lý vì gãy cổ xương đùi ở người già là do tình trạng loãng xương vùng cổ xương đùi khiến vùng này dễ bị gãy. Chỉ với một chấn thương rất nhẹ như té đập mông, trượt chân trong nhà tắm hay đứng trụ không vững trên một chân khi thay quần cũng làm gãy cổ xương đùi.

Không an toàn 100%

Việc gãy cổ xương đùi là bệnh lý có thể dẫn tới tử vong ở người già. Người ta đã tổng kết thấy gần 50% người già gãy cổ xương đùi không được phẫu thuật sẽ bị tử vong trong hai năm đầu sau khi gãy xương. Vùng cổ xương đùi ở người già khả năng lành xương rất thấp nên dù có kết hợp xương thì khả năng lành cũng rất kém.

Mặt khác, người già bao giờ cũng kèm theo các bệnh lý nội khoa khác như thiếu máu, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý cơ tim thiếu máu, suy thận... Chính những bệnh lý này ngăn cản các cuộc phẫu thuật nếu các bệnh viện không có đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức và nội khoa tốt để hỗ trợ bác sĩ chỉnh hình trước, trong và sau cuộc mổ. Có những bệnh nhân gãy cổ xương đùi có kèm theo các bệnh lý nội khoa này đã không được phẫu thuật. Cho đến nay tại VN chưa có công trình nghiên cứu nào theo dõi tỉ lệ bệnh nhân tử vong vì loét, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng phổi hay suy kiệt do nằm lâu vì không phẫu thuật được.

Gãy liên mấu chuyển xương đùi

Có một loại gãy xương cũng hay gặp trên người già đó là gãy liên mấu chuyển xương đùi, loại này có tiên lượng tốt hơn vì khả năng liền xương cao. Do vậy việc kết hợp xương sẽ đem lại kết quả tốt cho bệnh nhân.

Việc giải thích cho người nhà của bệnh nhân về các nguy cơ và biến chứng của phẫu thuật trên những bệnh nhân này cũng rất khó khăn. Phần lớn chúng ta hay muốn có phương pháp an toàn 100% cho người thân nhưng rất tiếc đến nay không tồn tại phương pháp này. Kể cả ngay khi chọn phương pháp không mổ, chúng ta cũng phải đối mặt với nguy cơ người thân có thể tử vong vì những biến chứng kể trên.

Nhà tắm có tay vịn

Việc ngăn ngừa bệnh lý gãy cổ xương đùi là hết sức quan trọng. Hiện tại các biện pháp điều trị chống loãng xương đang được khuyến khích. Ngoài canxi và các loại thuốc giúp giữ vững các thớ xương thì vitamine D được chứng minh là giảm nguy cơ té ngã ở người già. Những nghiên cứu cho thấy ngay cả người dân ở những nước nhiệt đới vẫn có tỉ lệ cao thiếu hụt vitamine D, dù rằng loại vitamine này được tạo ra ngay trong cơ thể dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời. Ngăn ngừa té ngã là điều quan trọng.

Tổng kết những trường hợp bệnh nhân gãy cổ xương đùi, chúng tôi nhận thấy phần lớn bệnh nhân té trong nhà tắm, khi thay quần áo trong nhà tắm và khi chuyển từ nằm sang ngồi dậy đi. Các kiến trúc sư có lẽ nên tính toán đến việc thiết kế tay vịn cho người già trong nhà tắm để phòng té ngã.

Một khi đã bị gãy cổ xương đùi thì việc thay khớp háng nhân tạo là một giải pháp tốt giúp người già mau chóng được xoay trở, ngồi dậy và đi lại để tránh biến chứng. Tuy nhiên, vì có kèm theo các bệnh lý nội khoa nên có nhiều bệnh nhân đã không được phẫu thuật mà được bó bột hay nẹp rồi cho về. Không một bác sĩ nào biết số phận bệnh nhân sẽ đi về đâu vì chưa có tổng kết xem bao nhiêu người lành, bao nhiêu tử vong ít nhất là trong một năm đầu tiên. Việc phối hợp giữa êkip gây mê, bác sĩ nội khoa và chỉnh hình trong chăm sóc bệnh nhân trước, trong và sau mổ thay khớp sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong của bệnh nhân trước, trong và sau khi mổ.

Những bệnh viện lớn tại TP.HCM đã làm khá tốt việc này như Chợ Rẫy, Đại học Y dược cơ sở 1, Nhân Dân Gia Định, Nhân Dân 115... và đang giúp các bệnh viện tuyến dưới thực hiện việc điều trị gãy cổ xương đùi bằng phẫu thuật.

BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên