09/01/2025 09:21 GMT+7

Gãy 2 xương cẳng chân liệu có trở lại thi đấu được không?

Bác sĩ Võ Châu Duyên (trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) chia sẻ về quá trình hồi phục với cầu thủ đá bóng khi bị gãy xương nghiêm trọng.

Gãy 2 xương cẳng chân liệu có trở lại thi đấu được không? - Ảnh 1.

Cầu thủ gãy chân nghiêm trọng vẫn có thể trở lại thi đấu đỉnh cao - Ảnh: AFP

Tối 5-1, tiền đạo Nguyễn Xuân Son của đội tuyển Việt Nam đã bị chấn thương nghiêm trọng trong trận chung kết ASEAN Cup 2024 với Thái Lan. 

Anh bị gãy chân và phải rời sân lên xe cấp cứu đến bệnh viện. Khi trở về Việt Nam phẫu thuật chiều 6-1, các bác sĩ cho biết Nguyễn Xuân Son bị gãy kín phức tạp 1/3 giữa thân 2 xương cẳng chân, có mảnh rời lớn. 

Ca phẫu thuật của Son đã diễn ra thành công, ngày 8-1 anh đang bắt đầu tập hồi phục tại bệnh viện.

Nhân sự cố xảy ra với Xuân Son, Tuổi Trẻ Online gửi đến bạn đọc chia sẻ của bác sĩ Võ Châu Duyên (trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) về quá trình hồi phục với cầu thủ đá bóng khi bị gãy xương nghiêm trọng.

Theo bác sĩ Võ Châu Duyên, phương pháp đóng đinh nội tủy giúp cố định xương chày và đảm bảo xương nhanh lành hơn so với các phương pháp khác. Tuy nhiên, quá trình phục hồi chức năng vẫn cần được thực hiện bài bản để đảm bảo khả năng vận động trở lại hoàn toàn.

1. Giai đoạn sau phẫu thuật (0-6 tuần)

Mục tiêu:

- Bảo vệ vùng xương gãy, tránh di lệch.

- Kiểm soát sưng, đau và viêm.

- Duy trì sức mạnh các nhóm cơ không bị ảnh hưởng.

Các bài tập:

Tập vận động khớp không chịu lực:

- Xoay cổ chân theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, 10 lần mỗi chiều.

- Gập (dorsi-flexion) và duỗi (plantar-flexion) cổ chân nhẹ nhàng.

- Co cơ tĩnh (Isometric exercises):

- Co cơ đùi: Nằm ngửa, gồng cơ đùi, giữ 5-10 giây rồi thả lỏng, lặp lại 10-15 lần.

- Co cơ bắp chân: Gồng nhẹ bắp chân, giữ 5 giây, thực hiện 10 lần.

Tập phần trên cơ thể:

- Sử dụng tạ tay nhẹ (1-2kg) để tập cơ tay và cơ vai.

- Tập chống đẩy hoặc nâng thân trên để duy trì sức mạnh toàn thân.

Sinh hoạt hằng ngày:

- Sử dụng nạng để di chuyển, không chịu lực lên chân.

- Giữ chân bị thương ở tư thế nâng cao để giảm sưng.

Gãy 2 xương cẳng chân liệu có trở lại thi đấu được không? - Ảnh 2.

Bác sĩ Võ Châu Duyên - Ảnh: NVCC

2. Giai đoạn phục hồi cơ bản (6-12 tuần)

Mục tiêu:

- Kích thích lành xương và mô mềm.

- Khôi phục biên độ vận động của khớp gối và cổ chân.

- Tăng cường sức mạnh cơ đùi và bắp chân.

Các bài tập:

- Vận động khớp không chịu lực:

- Gập và duỗi gối thụ động: Ngồi trên ghế, dùng tay hoặc dây kéo từ từ để gập gối, giữ 5 giây rồi duỗi ra. Thực hiện 10-15 lần.

Bài tập chịu lực nhẹ:

- Tập đứng chịu lực một phần: Đứng với sự hỗ trợ của nạng hoặc khung tập đi, dồn 20-30% trọng lượng cơ thể lên chân bị thương, giữ 5 giây, thực hiện 10 lần.

- Đạp xe tĩnh tại (Stationary cycling):

- Đạp xe với mức kháng lực thấp, bắt đầu 5-10 phút/ngày, tăng dần thời gian lên 20 phút.

Tăng sức mạnh cơ:

- Nâng chân thẳng (Straight-leg raises): Nằm ngửa, nâng chân thẳng lên, giữ 5 giây, thực hiện 10-15 lần.

- Co cơ với dây kháng lực: Đeo dây vào mắt cá chân, kéo chân ra xa hoặc gập chân về phía trước.

Sinh hoạt hằng ngày:

- Bắt đầu đi lại bằng nạng và dần dần tập chịu lực nhiều hơn.

3. Giai đoạn chịu lực toàn phần (3-6 tháng)

Mục tiêu:

- Tăng cường sức mạnh cơ bắp và xương.

- Cải thiện khả năng chịu lực và thăng bằng.

Các bài tập:

- Tập chịu lực toàn phần:

- Đi bộ ngắn không cần nạng, ban đầu có thể cần khung hỗ trợ.

- Tăng dần khoảng cách và thời gian đi bộ mỗi ngày.

Tập cơ chuyên sâu:

- Squat nửa người: Đứng với hai chân ngang vai, từ từ gập gối, giữ lưng thẳng, không để đầu gối vượt qua mũi chân. Lặp lại 10-15 lần.

- Tập nâng tạ chân (Leg press): Dùng máy tập để đẩy tạ bằng chân bị thương, bắt đầu với trọng lượng nhẹ.

Bài tập cân bằng:

- Đứng trên chân bị thương, giữ thăng bằng trong 10 giây. Khi ổn định hơn, có thể đứng trên bề mặt mềm (như thảm cao su).

Tập đạp xe và bơi lội:

- Đạp xe với cường độ cao hơn hoặc bơi lội để tăng sức bền mà không gây áp lực lớn lên xương.

Sinh hoạt hằng ngày:

- Có thể đi lại bình thường, không cần dụng cụ hỗ trợ nếu xương đã ổn định.

4. Giai đoạn phục hồi chuyên sâu (6-12 tháng)

Mục tiêu:

- Hoàn thiện sức mạnh và linh hoạt.

- Tái tạo các kỹ năng thể thao cần thiết.

Các bài tập:

- Chạy và nhảy nhẹ:

- Chạy nhẹ trên bề mặt mềm: Bắt đầu trên máy chạy giảm trọng lực hoặc sân cỏ.

- Nhảy bước nhỏ: Nhảy tại chỗ, sau đó nhảy xa dần.

Bài tập Plyometrics:

- Nhảy hộp thấp (Low box jumps): Nhảy lên xuống từ hộp cao 20-30cm.

- Bounding (bước dài): Nhảy bước dài xen kẽ hai chân.

Tập kỹ năng chuyên môn thể thao:

- Đối với cầu thủ bóng đá: Tập chuyền bóng, sút bóng, đổi hướng nhanh.

- Tăng dần cường độ trong các buổi tập luyện.

Tập với tạ nặng hơn:

- Tăng trọng lượng khi tập squat, leg press để cải thiện sức mạnh tối đa.

Sinh hoạt và vận động:

- Tập luyện các kỹ năng cơ bản như chạy và sút bóng ở cường độ trung bình.

Gãy 2 xương cẳng chân liệu có trở lại thi đấu được không? - Ảnh 4.

Tiền đạo Nguyễn Xuân Son tập phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật gãy xương chân - Ảnh: VINMEC

5. Khi nào quay lại hoạt động bình thường?

- Với việc sinh hoạt hằng ngày: sau 6-8 tuần, với sự hỗ trợ của nạng.

- Để vận động nhẹ (bơi, đạp xe): Sau 3-6 tháng, khi khả năng chịu lực đạt khoảng 70-80%.

- Với thể thao chuyên nghiệp: Sau 9-12 tháng, nếu xương và cơ đã phục hồi hoàn toàn, được kiểm tra kỹ bởi chuyên gia y tế.

Gãy 2 xương cẳng chân liệu có trở lại thi đấu được không? - Ảnh 4.Chấn thương dây chằng, không phải mổ là xong

Bác sĩ Trương Minh Hải (khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) chia sẻ về những nỗi lo người chơi thể thao phải đối mặt sau khi bị chấn thương đứt dây chằng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên