16/11/2017 15:41 GMT+7

Gấp rút hút dầu, trục vớt hàng trong tàu chìm ở biển Quy Nhơn

TRƯỜNG AN
TRƯỜNG AN

TTO - Ngày 16-11, lực lượng cứu hộ bắt đầu hút 31 tấn dầu trên tàu FEI YUE 9 bị gió bão đánh văng vào vách đá bờ biển phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Quy Nhơn.

Lực lượng cứu hộ hút dầu từ tàu FEI YUE 9 và tàu Hà Trung 98 bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn - Video: TRƯỜNG AN

Lực lượng cứu hộ đã dùng máy bơm công suất lớn hút dầu từ khoang máy của tàu FEI YUE 9 vào bồn chứa, sau đó bơm chuyển tiếp qua xe chở xăng dầu. 

Công tác hút dầu đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Trung tâm Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Định và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định.

Trước đó ngày 4-11, tàu FEI YUE 9 trọng tải 4.367 DWT, chở 23 tấn dầu DO và 8 tấn dầu FO, trên tàu có 15 thuyền viên bị bão số 12 hất văng lên vách đá bờ biển phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. 

15 thủy thủ đoàn, trong đó có 9 người Trung Quốc, được người dân và Bộ đội Biên phòng Bình Định cứu vớt. Tuy nhiên đáy tàu bị thủng hai lỗ lớn, nguy cơ tràn dầu rất cao. 

Ông Bùi Văn Vương - giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn - cho biết tàu FEI YUE 9 bị thủng hai lỗ lớn ở đáy, mắc kẹt ở trên tảng đá, có nguy cơ bị thủng két dầu. 

Chỉ riêng 8 tấn dầu FO nếu tràn ra ngoài sẽ nhuộm đen mặt biển Quy Nhơn, gây thảm họa lớn về môi trường, do đó công tác ứng cứu tàu này được ưu tiên triển khai trước và tiến hành hết sức thận trọng để tránh tràn dầu ra biển.

Gấp rút hút dầu, trục vớt hàng trong tàu chìm ở biển Quy Nhơn - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ bơm 31 tấn dầu từ tàu FEI YUE 9 lên bờ - Ảnh: TRƯỜNG AN

Gấp rút hút dầu, trục vớt hàng trong tàu chìm ở biển Quy Nhơn - Ảnh 3.

Tàu FEI YUE 9 mắc kẹt trên tảng đá, đáy tàu bị thủng 2 lỗ lớn có nguy cơ tràn dầu - Ảnh: TRƯỜNG AN

Gấp rút hút dầu, trục vớt hàng trong tàu chìm ở biển Quy Nhơn - Ảnh 4.

Lực lượng cứu hộ dùng phao vây kín các tàu để tránh sự cố tràn dầu - Ảnh: TRƯỜNG AN

Theo ông Vương, hiện chưa phát hiện sự cố tràn dầu trong khu vực có tàu chìm. Các đơn vị triển khai phương án trục vớt đều sử dụng phao vây dầu và kết hợp chặt chẽ với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung đề phòng xảy ra sự cố môi trường. 

Theo các chủ tàu, khó khăn nhất là đơn vị trục vớt đưa ra giá quá cao nên chủ tàu không có khả năng chi trả, trong khi phía bảo hiểm cũng chưa thống nhất được giá trục vớt tàu.

Liên quan đến vụ chìm tàu hàng ở biển Quy Nhơn, ông Võ Đình Trân - phó giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH trục vớt Bảo Trân - cho biết công ty đã trục vớt, đưa lên sà lan 20 tấn gạo trong tổng số 2.890 tấn gạo và cám gạo trong tàu hàng Hà Trung 98 bị chìm dưới vùng biển Quy Nhơn. 

Các thợ lặn đã mở 2 nắp hầm trên khoang tàu nơi chứa hàng, sau đó đưa từng bao gạo vào rọ sắt có khối lượng 3 tấn để sà lan cẩu đưa về vị trí tập kết trong đất liền. 

Trước đó, công ty này cũng đã hút 5.000 lít dầu DO còn trong các két chứa dầu của tàu, đưa vào bờ an toàn. 

Nếu thời tiết thuận lợi, sau 15 ngày việc trục vớt hàng hóa trên tàu mới thực hiện xong.

Gấp rút hút dầu, trục vớt hàng trong tàu chìm ở biển Quy Nhơn - Ảnh 5.

5.000 lít dầu DO trên tàu Hà Trung 98 được hút khỏi tàu - Ảnh: TRƯỜNG AN

Gấp rút hút dầu, trục vớt hàng trong tàu chìm ở biển Quy Nhơn - Ảnh 6.

Trục vớt hàng từ tàu Hà Trung 98 bị chìm ở biển Quy Nhơn - Ảnh: TRƯỜNG AN

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, trong số 84 thuyền viên trên 8 tàu hàng bị chìm đã tìm thấy 82 người (71 người còn sống và 11 người đã tử vong.

Trong 11 người tử vong, cơ quan chức năng đã xác định được danh tích 8 người.

Hiện 2 tàu SAR của Trung tâm cứu nạn Hàng hải, 3 tàu của biên phòng, 4 tàu giã cào của ngư dân và 2 tàu có máy quét dò của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đang tiếp tục tìm kiếm 2 thuyền viên mất tích còn lại.


TRƯỜNG AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên