Theo bà Trần Thanh Hoa - tổng giám đốc NH An Bình, vừa rồi NH cho vay lãi suất (LS) trên 18%/năm nên không ai vay. Lý do là hiện nay các NH lớn đã cho vay với LS 17,5%/năm. Đó chính là áp lực buộc các NH chắc chắn phải giảm LS huy động để kéo giảm LS cho vay.
Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc NH ACB, phân tích LS cho vay hiện nay đang gây rủi ro lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho chính NH. ACB chưa bao giờ nợ xấu quá 0,5% nhưng hiện nay đã gần 1%. “Việc giảm LS cho vay là cấp thiết vì chính sự an toàn của NH” - ông Hải nói.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Tuấn, tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), cho rằng sau khi lập lại trật tự lãi suất đồng thời căn cứ các yếu tố vĩ mô, lạm phát, nên cân nhắc giải pháp áp dụng trần LS cho vay đối với những đối tượng thuộc loại ưu tiên, khoản vay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, xuất khẩu... Theo ông Tuấn, LS cho vay như hiện nay NH không giải ngân được, còn nếu được thì toàn vào lĩnh vực không ưu tiên.
Ông Nguyễn Giang Nam, phó tổng giám đốc Navibank, khẳng định hiện nay có NH cho vay với LS lên đến 23-24%/năm, tức cao hơn 9-10%/năm so với LS huy động trên thị trường dân cư.
Tại cuộc họp, nhiều NH bày tỏ lo lắng khi nguồn vốn huy động liên tục sụt giảm. Đại diện NH cổ phần Sài Gòn cho biết đã xác định ba lý do rút tiền phổ biến nhất, trong đó đối tượng rút tiền nhiều nhất là các công ty sân sau của các NH, số khác chuyển tiền sang các kênh đầu tư khác hoặc dịch chuyển sang các NH lớn vì hiện nay LS các NH đã ngang bằng nhau.
Ông Tô Nghị, phó tổng giám đốc Eximbank, cho rằng ngay cả NH lớn cũng sụt giảm huy động, trong khi LS liên NH đã lên trên 20%, có ngày lên trên 23%/năm và một số NH cho vay liên ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp.
Theo bà Nguyễn Thị Mười - phó tổng giám đốc NH Sài Gòn Công Thương, trong điều kiện chưa thể bỏ trần LS như hiện nay, NH Nhà nước nên giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhu cầu vốn cho các NH để ổn định thanh khoản. Thậm chí căn cứ trên cân đối vốn các NH, NH Nhà nước chủ động cung ứng vốn cho các NH chứ không chờ các NH xin như hiện nay.
Ông Trương Hoàng Lương, tổng giám đốc NH Kiên Long, kiến nghị NH Nhà nước nên có chính sách riêng biệt cho các NH nhỏ, tránh tình trạng LS liên NH quá cách biệt với LS huy động trên thị trường dân cư như hiện nay. Trong trường hợp việc khống chế trần LS huy động còn kéo dài, nên quy định biên độ nhất định để các NH nhỏ có thể xoay xở, chứ nếu áp dụng một mức như hiện nay thì rất khó cho các NH nhỏ.
Đại diện các NH đề nghị NH Nhà nước cần sớm công bố các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2012. “NH Nhà nước cho biết khống chế tăng trưởng tín dụng năm 2012 ở 20%. Tuy nhiên, các chỉ tiêu tăng trưởng sẽ được xác định phù hợp với trạng thái hoạt động của từng NH khiến các NH lo lắng” - bà Hoa nói. Theo bà, NH Nhà nước nên sớm công bố vì tháng 11 các NH đã phải thông qua chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng của năm sau.
Có nên xếp loại ngân hàng? Tại cuộc họp, đại diện nhiều NH cho rằng không nên có sự phân biệt giữa NH lớn, NH nhỏ, thay vào đó NH Nhà nước nên công bố NH chuẩn mực và NH không chuẩn mực để người gửi tiền có thể chọn lựa. Ông Lý Xuân Hải cho rằng việc phân biệt NH lớn, NH nhỏ tạo cho người gửi tiền cảm giác NH nhỏ là NH quản lý không tốt, không chuẩn mực trong khi thực tế không phải như vậy. Ông Trương Hoàng Lương còn đề xuất cần có đại diện các NH nhỏ trong nhóm G12 để có thể có tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho các NH vừa từ nông thôn lên đô thị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận