Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Hungary lên tầm cao mới
Phóng to |
Ông Déri MikLós giới thiệu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bộ tem quý của mình - Ảnh: V.V.THÀNH |
Trong số những vị khách bước xuống từ tàu điện có nhiều người là cựu chiến binh Hungary từng tham gia Ủy ban quốc tế giám sát Hiệp định hòa bình Paris về Việt Nam (ICCS).
Hôm nay (chiều 16-9 giờ địa phương) họ cùng nhau đến khách sạn Four Seasons để dự cuộc gặp gỡ với một vị khách đặc biệt đến từ Việt Nam - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Không khí cuộc gặp trở nên gần gũi khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến bắt tay và thăm hỏi từng vị khách quý, những người đã “trực tiếp chứng kiến nhân dân Việt Nam chịu đựng khổ đau vì bom đạn chiến tranh và vươn lên mạnh mẽ” như tâm sự của trung tướng László Botz (chủ tịch Hội hữu nghị Hung-Việt).
Ông Trương Tấn Sang nhắc đến một câu ngạn ngữ nổi tiếng của Hungary “Tình bạn sẽ được thử thách khi cần nhau” và nhấn mạnh rằng điều đó rất đúng khi nói về tình bạn với bề dày hơn sáu thập kỷ giữa Việt Nam và Hungary.
“Chúng tôi không bao giờ quên những người dân Hungary đã tổ chức các tuần, tháng đoàn kết ủng hộ Việt Nam kháng chiến và tham gia hiến máu tặng các chiến sĩ Việt Nam, những phụ nữ Hungary đan áo len gửi tặng các bà mẹ Việt Nam, những cháu bé Hungary dành xe đạp của mình gửi tặng bạn ở Việt Nam dù chưa hề quen biết.
Hơn 600 lượt quân nhân và cán bộ dân sự Hungary đã tham gia Ủy ban giám sát Hiệp định Paris tại Việt Nam trong những ngày chiến tranh khốc liệt nhất, trong đó có hai quân nhân đã ngã xuống trên đất nước chúng tôi, các bạn luôn ở trong trái tim Việt Nam” - Chủ tịch nước xúc động nói.
Mạch cảm xúc chân tình lan truyền khắp hội trường, thật nhiều kỷ niệm về Việt Nam được các vị khách Hungary chia sẻ với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trung tướng László Botz nói: “Tưởng như tất cả chỉ vừa mới hôm qua, khi tôi là thành viên trong phân đội Hungary thứ nhất đến Việt Nam vào đầu năm 1973. Lúc bấy giờ, trong thư gửi bà xã, tôi đã kể rất nhiều ấn tượng đẹp về đất nước và con người Việt Nam, nhất là lòng yêu nước nồng nàn của các bạn”.
Ông László Botz cho biết sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, các quân nhân Hungary tham gia ICCS hoàn thành nhiệm vụ về nước nhưng vẫn tổ chức các cuộc gặp gỡ hằng năm để ôn lại kỷ niệm xưa cũng như thảo luận về các công việc góp phần phát triển quan hệ hai nước.
Tại cuộc gặp, ông László Botz đã giới thiệu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bộ tài liệu thông tin cơ bản về đất nước, con người Hungary, được in bằng tiếng Việt để phát cho những người Việt Nam mới đến học tập, sinh sống ở Hungary.
Thiếu tá Deri Miklós, một thành viên của ICCS, là người đã chứng kiến và giám sát những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào năm 1973.
Đặc biệt ông Déri Miklós sở hữu một bộ sưu tập hơn 800 con tem Việt Nam quý hiếm qua nhiều thời kỳ lịch sử và ông đã nhiều lần tổ chức triển lãm bộ tem này tại thủ đô Budapest. Nhân dịp này, ông Déri MikLós đã giới thiệu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bộ tem của đời mình và gửi tặng nguyên thủ Việt Nam một số con tem quý.
Kết thúc cuộc gặp, ông Trương Tấn Sang đã chân thành mời các vị khách quý Hungary tiếp tục đến thăm đất nước Việt Nam, chứng kiến những đổi thay to lớn cả ở thành thị cũng như nơi chiến trường xưa từng bị bom đạn cày xới. Chủ tịch nước nói: “Các bạn đã, đang và sẽ là những cầu nối đặc biệt góp phần vào việc đưa quan hệ Việt Nam-Hungary ngày càng bền chặt và phát triển lên tầm cao mới”.
Ngay sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, một lực lượng mang tên Ủy ban Kiểm soát và giám sát quốc tế (ICCS) đã được thành lập. Bốn quốc gia được lựa chọn và được sự chấp thuận của các bên gồm có Canada, Indonesia, Hungary và Ba Lan. Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các thành viên Hội hữu nghị Hung-Việt và các cựu chiến binh tham gia Ủy ban giám sát Hiệp định hòa bình Paris về Việt Nam diễn ra vào lúc 17g15 ngày 16-9 theo giờ địa phương. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Hungary của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận