
Lặng ngắm "nhân sinh họa đồ" giữa không gian rộng thoáng của 'Sắc và Không' - Ảnh: H.VY
Trưng bày 20 tranh khổ lớn từ nay đến hết ngày 8-6 tại Chillala - House of Art (75 Xuân Thủy, Thảo Điền, TP.HCM), triển lãm Sắc và Không mang đến một trải nghiệm thị giác đậm tính cá nhân, cũng là hành trình tìm về chính mình của Trần Trung Lĩnh.
Đi qua hai tầng triển lãm, khán giả được dẫn dắt vào một hành trình huyền diệu từ Sắc đến Không, từ hỗn độn sắc màu đến trắng đen tĩnh lặng, từ hữu hình dần tan biến hư vô, từ khởi sinh đến cái vô cùng… Và khi sắc màu tan biến, người xem đối diện với sự lặng yên.
Điều thú vị là ở những khoảng lặng đó, gợi mở từ những trải nghiệm rất riêng của Trần Trung Lĩnh, mỗi người xem đều có thể tìm thấy đâu đó những mẩu cảm xúc nội tâm, suy niệm, hay bản ngã của chính mình.
Tất cả được thể hiện một cách đầy chủ ý, có kế hoạch chi tiết ngay từ phác thảo đầu tiên cho đến trải nghiệm xem tranh sau cùng, có lẽ bởi Trần Trung Lĩnh còn là đạo diễn.
Hiểu rõ mình muốn gì, sắp xếp mọi thứ tỉ mỉ, chỉn chu để kể tốt nhất câu chuyện của mình, đó hẳn là sức hút đặc biệt khiến mỗi triển lãm của “gã” nghệ sĩ đa năng này luôn thu hút đông đảo giới yêu nghệ thuật.

Triển lãm "Sắc và Không" thu hút công chúng đến thưởng lãm
Từ ‘sự cô đơn sáng tạo’ đến ‘Sắc và Không’
* Đang ghi dấu ấn với rực rỡ sắc màu của ‘Hậu Ấn tượng - Van Gogh in Sài Gòn’ và ‘Pop Art - HaHaHa’, sao anh lại chuyển hẳn sang biểu hiện với ‘Sắc và Không’?
- Mọi người thường biết Lĩnh qua tranh Pop Art, nhưng từ khi mới ra trường, con đường tranh pháo của mình đã theo biểu hiện. Nó giống như trồng cây, đến một ngày thấy trái tới lúc chín.
Mình coi Pop Art như cuộc dạo chơi, còn bản chất Trần Trung Lĩnh vẫn là tranh biểu hiện và trừu tượng biểu hiện. Nên ‘Sắc và Không’ là sự trở lại rất tự nhiên, theo kế hoạch của mình.
* Vậy khi trái đã chín, 'Sắc và Không' lần này có gì đặc biệt?
- Loạt tranh này mang đậm tính cá nhân. Có nhiều họa sĩ vẽ biểu hiện về những vấn đề xã hội, những thứ gai góc bên ngoài. Xưa mình cũng thế, nhưng lần này mình vẽ từ chuyện cá nhân.
Mình lôi những thực tại trong chính tâm trí ra, san sẻ những vấn đề rất cá nhân bằng nhãn quan cá nhân. Ai chẳng có lúc nhìn lại bản thân và mong nhận được sự đồng cảm?
Mình dùng hai năm để tập bỏ những thói quen vẽ cũ, những lối suy nghĩ cũ, tránh xa những điều tiêu cực. Suốt ngày, mình chỉ quanh quẩn bên gia đình và xưởng vẽ, vừa vẽ vừa tập sống khác đi một tí, tập trung vào việc làm, không để đầu óc tha thẩn những nơi không cần đến.
Lúc đầu, Lĩnh định vẽ về sự cô đơn của người sáng tạo, nhưng càng cô đơn lại càng tìm ra chính mình. Bất ngờ đến một ngày, mình chợt nhận ra những gì đang làm giống như “Sắc bất dị không, không bất dị sắc” của nhà Phật, nên dùng triết lý đó đặt tên cho bộ tranh này.

Tầng một triển lãm là những bức tranh khổ lớn mang tính "Sắc" đủ màu sống động - Ảnh: H.VY
* Một triết lý đậm chất thiền như vậy được anh trình bày qua biểu hiện như thế nào?
- Những sơn phết lúc đầu mang nặng tính sống, tính "sắc". Ở đó là chúng ta, những thực thể con người tràn đầy sức sống giãy giụa giữa đời, gắn kết nhau bằng những sợi dây hữu hình, vật lộn giữa vô minh để tìm tới tuệ giác.
Những sắc màu ngồn ngộn được chồng chất lên nhau, sau đó dùng đen trắng xóa đi, từ động về lại tĩnh, từ sắc về lại không.
Mình lặp đi lặp lại quá trình này nhiều lần, hàm ý nhắc bản thân về bước ngoặt mới trong chính kiến hội họa của mình. Sự lặp lại đó, Lĩnh coi là cách thiền định cho riêng mình.

Tầng hai là không gian tĩnh lặng của sắc trắng đen, nhưng bên dưới vẫn đủ màu tâm tưởng - Ảnh: H.VY
Cứ sống nhẹ nhàng, rồi sẽ bình yên
* Luôn làm việc theo kế hoạch, nhưng trong quá trình sáng tác, có khoảnh khắc nào vượt ra ngoài sự tính toán chặt chẽ của anh?
- Những cộng sự thân cận sẽ biết những phác thảo cho loạt tranh này gần giống chính xác bản cuối cùng. Nhưng khi sáng tác, nguồn chính để làm nên vẻ đẹp vẫn là cảm xúc cá nhân.
Vì cảm xúc là thứ dẫu thất thường, mãnh liệt hay chán chường, quá khứ hay hiện tại… đều là những nguyên liệu đẹp nhất cho sáng tạo. Và con người không thể vượt khỏi bản ngã của mình.
Ở cả những bức vẽ không, bên dưới vẫn là sắc. Trong những khoảng không vắng lặng vẫn thấy ngồn ngộn bút pháp, là những tâm tư chất chứa. Trên mỗi bức tranh, mình đang đấu tranh với chính mình, giảm bớt những cuồng bạo để tâm dần tĩnh lặng.

Trần Trung Lĩnh trước bức tranh yêu thích tại không gian "Sắc" - Ảnh: H.VY
* Trong quá trình sáng tác 'Sắc và Không', đâu là điều anh tâm đắc?
Mỗi lần vẽ một loạt tranh, mình thường tìm ra một cách vẽ mới và tự vui: “Ô, kỹ thuật này phù hợp với mình”. Nhưng cái được nhất lần này là vợ và mọi người đều thấy mình trở nên một Trần Trung Lĩnh "rất khác". Không còn một gã rocker máu lửa như xưa mà suốt ngày đắm chìm trong nhạc cổ điển, nhẹ nhàng, đằm thắm. (cười)
Mình nghĩ ai rồi cũng đến lúc thế, đâu thể lúc nào cũng cháy bừng bừng. Ở tuổi trung niên, nhiệt huyết nghệ thuật cháy không ở bề mặt mà sâu thẳm bên trong.
Đôi khi mình buộc phải đẩy mình vô tâm thế điềm đạm, tìm đến những gì giản đơn. Đó mới là khó nhất! Và khi làm được cũng giống người ta thiền thôi. Mọi động tác, thời gian, sự quan sát… được dồn nén để cuối cùng bật lên một tiếng "Không". Đó là điều mình tâm niệm.

Khoảnh khắc tĩnh lặng của Trần Trung Lĩnh giữa không gian "Không"
* Vậy với 'Sắc và Không', anh muốn chia sẻ gì với công chúng yêu nghệ thuật?
- Với loạt tranh này, Lĩnh chỉ muốn gửi vài điều đơn giản. Chúng ta vội quá! Đời như quả chuông, đánh quá mạnh vào thì tiếng vọng lại sẽ đinh tai nhức óc.
Cuộc sống vốn phức tạp rồi, đi coi tranh hay trong đời sống thường ngày, cứ đối xử nhẹ nhàng thì sự “nhẹ nhàng” trong tâm thức sẽ vang vọng lại một cách cực kỳ bình yên thôi!
Một số ảnh tại triển lãm 'Sắc và Không':

Trình diễn đương đại tại buổi khai mạc triển lãm

Hai bức tranh khổ lớn "Nhân sinh họa đồ"

Tác phẩm "Sắc và Không"

Tĩnh lặng giữa không gian "Không"

Những hình thể dần tan biến về "Không", hai bức "Năm tháng" và "Cô sắc"

Tác phẩm "Kén đời"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận