Phóng to |
Chúng tôi đến thăm “anh hùng châu Á” (do tạp chí Time của Mỹ bầu chọn năm 2004) vào một ngày cuối đông lạnh giá.
Vượt qua đau khổ
Trong căn nhà nhỏ ấm cúng ở phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng, Hải Phòng), cậu bé Hiếu đang bi bô với mẹ hết chuyện nọ tới chuyện kia... Còn Huệ nhớ lại ngày tai họa ập đến...
Hồi ấy Huệ chẳng biết chút gì về HIV/AIDS. Và cô cũng không hiểu tại sao mẹ con cô bị xa lánh. Ở bệnh viện người ta cách ly và bỏ mặc cô với một bộ đồng phục sản phụ trên người.
Ai tới thăm cũng chỉ dám đứng ngoài nhìn vào hoặc ngồi xa xa. Tám ngày cô độc trong bệnh viện, Huệ khóc hết nước mắt, lòng ngập nỗi âu lo: mai mốt cuộc đời mình rồi sẽ về đâu.
Tin đôi vợ chồng “bị sida” nhanh chóng lan đi khắp nơi. Hồi đó người ta còn sợ căn bệnh này một cách kỳ lạ. Họ hàng nội ngoại chẳng ai dám “lãnh” về. Vợ chồng cô lần lượt bị cho thôi việc. Cứ vài tháng họ phải bồng bế nhau đi tìm chỗ ở mới do bị chủ nhà trọ đuổi khéo.
Quầy hàng bún cá, bánh đa của cô và mẹ chồng mở trước cửa nhà ế ẩm thảm thương do thực khách sợ bị lây nhiễm HIV. Huệ đi học may, nhưng rồi cũng hiếm thấy vị khách nào tới may đo dù chuyện đó chẳng dính dáng chút nào tới “căn bệnh thế kỷ”.
Thấy nỗ lực của vợ chẳng tới đâu, anh chồng đâm ra thất chí, hết ngày này sang tháng khác cứ nặng trĩu nỗi ân hận vì đã lây bệnh cho vợ. Cô nhỏ nhẹ động viên chồng cố gắng giảm dần “đô” chơi ma túy và giữ gìn sức khỏe để sống lâu với “mẹ con em”.
Lúc nào Huệ cũng vui tươi để “dụ” chồng tham gia các hoạt động cộng đồng. Cô giúp chồng nhìn nhận sự thật: “Đâu phải ai cũng có được gia đình hạnh phúc như vợ chồng mình. Anh xem bé Hiếu nhà mình thật là dễ thương. Em nghĩ nhiễm HIV cũng chỉ là một căn bệnh. Bệnh gan, tim, phổi... có khi còn chết sớm hơn. Cái chính là lúc sống mình làm được việc có ý nghĩa”.
Rồi Huệ chấp nhận xuất hiện trước ống kính truyền hình. Người bạn thân cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ phát hoảng: “Mày điên à, mai mốt sẽ sống làm sao?”. Nhưng Huệ có lý lẽ riêng: mình nào có làm gì nên tội.
Sau khi “trút bỏ gánh nặng”, Huệ cảm thấy thanh thản đến lạ lùng. Nhiều người cùng cảnh ngộ đã tìm đến Huệ chia sẻ nỗi niềm. Số điện thoại 031.8422747 của nhà chồng Huệ dần dần trở thành “tổng đài tư vấn” của không ít người có HIV/AIDS. Chẳng mấy chốc Huệ trở thành cầu nối cho nhiều tổ chức quốc tế, các nhóm tự lực. Cô cùng một số bạn gái đồng cảnh lập ra Câu lạc bộ Hoa Phượng Đỏ nay đã trở nên quen thuộc với cộng đồng qua các đợt thu gom bơm kim tiêm, chăm sóc bệnh nhân AIDS, tuyên truyền về HIV/AIDS.
Càng đi nhiều, làm nhiều, Huệ càng thấu hiểu thêm nỗi niềm của những người đồng cảnh: “Người ta chưa chết vì bệnh thì đã chết vì sự kỳ thị”.
Cho con hình mẫu anh hùng
Tháng 5-2004, Huệ đưa bé Hiếu đi xét nghiệm HIV. Cầm tờ giấy báo “âm tính” trên tay mà nước mắt cứ trào ra. Không ít lần Huệ đau đớn ôm con vỗ về khi bé Hiếu bị bọn trẻ cùng xóm “tẩy chay” chỉ vì bố mẹ cậu mắc “bệnh thế kỷ”.
Ngày đầu tiên đưa con đến trường mầm non, bà mẹ trẻ bắt gặp những ánh mắt rất lạ lùng. Ở lớp, bé Hiếu cứ phải thui thủi nơi góc lớp vì chẳng đứa trẻ nào chịu chơi cùng. Đến bữa, cậu không được ăn cùng bạn mà ngồi một mình xúc cơm hột được hột không…
Bà mẹ trẻ luôn thanh minh với mọi người: “Con tôi không bị AIDS, xin mọi người hãy đối xử với nó như bao đứa trẻ khác!”.
Chuyện xảy ra với bé Hiếu đã gợi cho Huệ nhớ lại nỗi đau bị kỳ thị ngày xưa khiến lòng cô đau như xát muối. Cô chỉ biết vỗ về con trai, vì cậu bé còn quá nhỏ để hiểu những chuyện phức tạp của người đời.
Huệ chua xót: “Cho dù bé Hiếu có nhiễm đi chăng nữa cũng không đáng bị cư xử như thế”. Càng lớn bé Hiếu càng thông minh. Cậu chỉ tay về phía màn hình tivi: “HIV của mẹ kìa!”. Người mẹ trẻ ôm con vào lòng.
Huệ đã bắt đầu trang bị cho con trai kiến thức, kỹ năng sống và bản lĩnh để đương đầu với những trở ngại cuộc đời. Hơn hết thảy, Huệ cố gắng tạo một hình ảnh đáng tự hào cho cậu con trai. Cô sôi nổi: “Bố mẹ của bé Hiếu phải là những người yêu đời, biết sống vì cộng đồng và dũng cảm vượt qua nghịch cảnh...”.Tháng 2-2005, Huệ trở thành tình nguyện viên Liên Hiệp Quốc (UNV), bé Hà Minh Hiếu cũng được các tổ chức cam kết nuôi dạy đến lúc trưởng thành.
Mới trở về từ hội nghị quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại TP.HCM, cô lại tất bật cùng các đồng sự đến nhà thăm hỏi, chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Có khách đến thăm nhà, bố mẹ anh Thảo (chồng chị Huệ) chốc chốc lại khen khéo cô con dâu đảm đang. Mấy tháng trước Huệ lại bắt đầu học ngoại ngữ...
Nhờ hăng say hoạt động nên hệ miễn dịch của Huệ vẫn khỏe mạnh như người bình thường. Cô tâm sự: “Mỗi người có một số phận. Con người ta sống bao lâu không quan trọng, quan trọng là sống để làm gì”. Vâng, mỗi người có một số phận, và anh hùng đơn giản chỉ là những người vượt qua số phận của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận