Phóng to |
Nguyễn Quốc Kỳ (thứ hai từ phải) tại lớp học của chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” 1995 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
Câu chuyện bên tách cà phê nhắc anh Kỳ về những ngày sôi nổi của 18 năm về trước mà như cái chớp mắt. Ấy là một phần kỷ niệm không quên và anh bảo thấy tự hào vì từng là một chiến sĩ tình nguyện.
1
Ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TP.HCM) đã trở thành từ khóa khó quên trong bộ nhớ của Nguyễn Quốc Kỳ. Những ngày tháng 7 luôn gợi nhắc anh về một chuỗi kỷ niệm chưa xa. Ngày đó, Kỳ là sinh viên năm thứ nhất của phân hiệu Đại học Pháp lý tại TP.HCM, Kỳ xung phong đi “Ánh sáng văn hóa hè” vì “thấy mình có thể đứng lớp dạy học được” - anh Kỳ nhớ lại.
Hai bên đường đi vào ấp Vân Hàn bạt ngàn màu xanh của ruộng lúa. Những mái nhà dân thưa thớt xen lẫn giữa ruộng lúa. Những con đường đất dài hun hút mỗi độ mưa về thử thách người đi. Điện thì nơi có nơi chưa. Hình ảnh lưu giữ của Kỳ về Vân Hàn vẫn in đậm như thế. Kỳ, Lâm và Thức là ba chiến sĩ được phân công về ấp Vân Hàn, phụ trách bốn điểm dạy do các chiến sĩ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bàn giao sau khi kết thúc đợt 1 của chiến dịch. Điểm dạy này cách điểm dạy kia hai cây số, phần lớn là đi bộ.
2
Nhận lớp, có nhiều học trò không chịu đi học vì “học nhiêu đó đủ rồi, học nữa cũng không để làm gì”. Có học trò lại khoái cô chứ không thích thầy dạy nên không học. Vậy là phải dùng hết chiêu tỉ tê, phân tích, bí quá phải... năn nỉ học trò làm ơn ra lớp giùm! Nhờ tài thuyết phục của thầy giáo Kỳ mà lớp mỗi ngày đông hơn. Quốc Kỳ nhận hai điểm dạy với 20 học viên. Anh tìm hiểu và biết có những học trò ban đêm đi săn ếch, bắt rắn nên kéo các em lại mở lớp ban ngày. Số học trò khác sẽ học ban đêm. Vậy là cùng lúc Kỳ có thể đứng cả hai lớp.
“Chỉ hơn 30 ngày làm thầy nhưng tôi cảm nhận rõ nét nhất ý nghĩa của câu “tôn sư trọng đạo” là thế nào” - Kỳ kể. Mỗi khi ra đường, không chỉ học trò mà gặp bất kỳ người dân nào trong ấp họ đều chào bằng tiếng thầy kính cẩn. Kỳ nhớ mãi anh học trò nhỏ hơn thầy một tuổi, khoái rủ thầy đi hát karaoke, hát rất ngọt dù chẳng hề biết mặt chữ. Hay anh học trò lớn hơn thầy khá nhiều làm nghề buôn trâu bò, ngồi trong lớp mà cứ nhìn ra sân chỉ mấy con bò gần đó khoe nếu mua sẽ ra giá bao nhiêu, bán lại bao nhiêu và lời được bao nhiêu dù học hoài mà không biết làm toán.
Thế nên lớp học không chỉ có những bài đọc, con số mà còn có cả những câu chuyện ý nhị. Kỳ kể cho học trò chuyện một chị đi cấy thuê không biết chữ nên sau mỗi ngày đi cấy về đều bỏ một viên đất vào chiếc lon. Chẳng may một hôm gặp mưa, đất trong lon gặp nước tan ra hết kết thành một cục, chị không tài nào biết được mình đã cấy bao nhiêu ngày công để đòi tiền. Lớp cười sảng khoái, bớt căng thẳng nhưng đã rút ra được bài học: phải biết chữ, làm toán đặng còn tính toán tiền bạc, làm công.
Phóng to |
Nguyễn Quốc Kỳ sau 18 năm được gọi là “dũng sĩ xóa mù chữ” ưu tú nhất - Ảnh: Q.L. |
3
Nhóm Kỳ ở nhà bác Chín Đô. Sau chiến dịch có vài lần về thăm, nhưng toàn đạp xe vì làm gì có tiền đón xe đò từ Bình Triệu lên Củ Chi. Rồi mất tin tức mãi cho đến nay. Chỉ có bà cụ chủ nhà một điểm dạy của Kỳ hồi đó đã mất lâu lắm thì Kỳ có biết. “Hồi đó không có điện thoại, thỉnh thoảng có viết thư qua lại. Nhưng sau ngày ra trường, cuộc sống vất vả kéo mình vào việc đi làm, kiếm sống nên chẳng còn giữ được liên lạc với ai. Đó cũng là nỗi áy náy lớn nhất của mình” - Kỳ thổ lộ.
Anh vẫn còn giữ bằng khen của Trung ương Đoàn ngày ấy như một kỷ niệm, vì anh nhớ rất rõ trong lễ tổng kết chiến dịch tại nhà hát Hòa Bình duy nhất anh được nhận. Thành tích ấy ghi nhận kết quả cả 20 học viên anh phụ trách, cuối khóa đều vượt yêu cầu về xóa mù chữ theo chuẩn chung. Nhưng với anh, chưa bao giờ đó là thành quả của riêng mình mà là công sức của tập thể, của các chiến sĩ sư phạm đã dạy đợt 1. “Vì nếu không phải là tôi mà một chiến sĩ khác được phân công về nơi này, tôi tin họ sẽ làm như tôi và kết quả cũng sẽ như vậy” - anh nói.
Với Kỳ, cất trong góc ký ức một thời tuổi trẻ là những tháng ngày không quên của một dũng sĩ xóa mù chữ, những ngày cùng bà con ra đồng cắt lúa khi vào vụ thu hoạch, diệt dịch ốc bươu vàng và cả được mời ăn giỗ mệt nghỉ dù chỉ hơn một tháng làm chiến sĩ “Ánh sáng văn hóa hè”.
Từ công nhân may đến quản lý nhân sự Hồi đó nhà nghèo quá, cha mất sớm, chỉ mình mẹ chạy nuôi bảy chị em khôn lớn nên tốt nghiệp phổ thông xong Nguyễn Quốc Kỳ phải đi làm công nhân may suốt một năm để có tiền đi học. Năm sau Kỳ trúng tuyển vào ngành luật, đặt một chân vào bước đường mới với bao lý tưởng về công việc tương lai. “Chính nhờ đi làm công nhân mà sau này lúc mới ra trường làm nhân sự tiếp xúc với công nhân hằng ngày nên dễ dàng hiểu và chia sẻ công việc với họ hơn” - anh Kỳ bộc bạch. Hiện là phó giám đốc nhân sự của Tổng công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai), Nguyễn Quốc Kỳ tự nhận mình hài lòng với công việc, thu nhập và cả mái ấm gia đình nhỏ với người vợ trẻ, cô con gái sắp vào lớp 1, cậu con trai gần 2 tuổi và người mẹ vất vả năm xưa nay đã bước qua tuổi 80. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận