29/04/2015 14:20 GMT+7

​Gặp lại “anh hùng châu Á” Phạm Thị Huệ

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Đã 11 năm kể từ khi được tạp chí Time trao danh hiệu Anh hùng châu Á, gặp lại Phạm Thị Huệ - người phụ nữ đất Cảng - vẫn trẻ trung, xinh xắn.

Anh hùng châu Á năm 2004 Phạm Thị Huệ trong buổi tuyên truyền về phòng chống HIV mới đây - Ảnh: Hồng Phượng

“Ngày xưa khi biết mình bị bệnh, tôi chỉ nặng 42kg, giờ không gầy đi mà tăng lên 11kg” - Phạm Thị Huệ mỉm cười bảo. Nhìn chị Huệ - một phụ nữ điềm đạm với nụ cười rạng rỡ, thật khó để tin chị mang trong mình căn bệnh thế kỷ đã 15 năm nay.

Vừa kiếm sống vừa hoạt động

Mười mấy năm trước, chị Huệ là một trong những người đầu tiên dám công khai tình trạng nhiễm HIV của mình và chị xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng để nói về HIV/AIDS. Chị cũng là người đưa ra ý tưởng thành lập nhóm tự lực của người có HIV đầu tiên ở Hải Phòng: nhóm Hoa Phượng Đỏ. 

Chị cùng các thành viên trong nhóm cùng nhau làm những việc mà không ai dám làm, kể cả gia đình người bệnh: chăm sóc người có HIV giai đoạn cuối, hỗ trợ khâm liệm khi họ qua đời.

Việc làm âm thầm của Huệ và các thành viên nhóm Hoa Phượng Đỏ đã trở thành điểm tựa, niềm tin, biểu tượng của sức mạnh tinh thần, ý chí và tiếp thêm động lực sống cho hàng nghìn người không may bị nhiễm HIV khác tại Việt Nam.

Nữ Anh hùng châu Á năm nào bây giờ là trưởng phòng truyền thông của Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS tại TP Hải Phòng. Hiện nay, chị vẫn tham gia các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS, tư vấn qua điện thoại và tư vấn trực tiếp, giới thiệu chuyển tuyến các bệnh nhân đến các cơ sở điều trị kịp thời và động viên họ có thêm nghị lực.

“Từ sáng giờ mình tư vấn bốn ca. Từ giờ đến tối phải vài ca nữa mới được ngủ. Giờ mình tư vấn qua điện thoại là chủ yếu. Số điện thoại mình đưa lên mạng để mọi người dễ liên lạc. Bằng sự trải nghiệm của bản thân và những kiến thức về HIV, mình cố gắng giúp được ai cái gì thì giúp” - chị Huệ tâm sự.

Chị vẫn miệt mài với những chuyến đi xa, cả trong nước và nước ngoài để chia sẻ về cách phòng tránh lây truyền HIV/AIDS. Chị cho hay vừa vào TP.HCM làm báo cáo viên của lớp tập huấn của chương trình học bổng của Úc cho sự phát triển tại Việt Nam.

Người tham dự là những sinh viên nhận học bổng của chương trình và chuẩn bị đi du học. Rồi Huệ hào hứng “khoe” những hình ảnh chụp lại các hoạt động của trung tâm vừa tổ chức: đợt tặng quà cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV ở Hải Phòng, hình chụp chuyến đi tặng quà cho gần 300 trẻ cùng một tiến sĩ người Mỹ...

Cuộc nói chuyện có lúc ngắt quãng vì những cuộc điện thoại. Nghe điện thoại xong, Huệ mỉm cười, chia sẻ: “Trung tâm đang hợp đồng làm truyền thông cho công nhân cầu đường của một số gói thầu thuộc dự án phát triển đô thị TP Hải Phòng và triển khai dự án hỗ trợ ông bà chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS tại Hải Phòng do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. Dự án này đã triển khai ở Q.Lê Chân từ năm 2003 và đang làm thêm ở Q.Hồng Bàng”.

Hỏi thăm về nhóm Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng nổi tiếng một thời do Huệ sáng lập từ năm 2003, chị cho hay: “Ban điều hành nhóm Hoa Phượng Đỏ đã tách ra và thành lập thêm một số nhóm nhỏ ở các quận, huyện. Những năm gần đầy, nhờ có sự vào cuộc rất quyết liệt của các ban ngành, đoàn thể nên sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tại Hải Phòng đã giảm, khuyến khích rất nhiều người nhiễm HIV cùng tham gia. Họ cũng thành lập được nhiều nhóm tự lực và triển khai rất tốt các hoạt động. Hiện Hải Phòng đã có 23 nhóm tự lực của người có H, người dễ bị tổn thương”.

Con rất tự hào về mẹ

“15 năm trước, mới 21 tuổi đầu, vừa sinh con xong, cầm giấy xét nghiệm HIV trên tay, tôi thấy đất trời như sụp đổ. Tương lai, cuộc sống... đầy rẫy khó khăn và không lối thoát. Mọi người đều sợ hãi, xa lánh. Đã có lúc tôi bị rơi vào trạng thái tuyệt vọng và không dưới hai lần mua thuốc chuột về định cho cả nhà tự tử” - chị Huệ hồi tưởng lại những ký ức buồn.

Vậy mà chị đã vượt qua. Và còn đưa cánh tay kéo những người bị nhiễm khác bước ra ánh sáng, là tấm gương tiếp thêm cho họ sức mạnh để sống, để vượt qua mặc cảm và cả nỗi sợ hãi. Khi mọi người vẫn còn rất yếu đuối thì chị giúp cho họ có sức mạnh cùng làm với mình: chăm sóc người bệnh giai đoạn cuối, khâm liệm...

“Ngẫm lại thời gian đó, tôi không nghĩ mình vượt qua được nếu như không có những người đã yêu thương, chỉ bảo cho tôi. Và tôi gắn với công việc này, nhiệt tâm vì nó cũng vì thấy mình phải có trách nhiệm với xã hội và muốn trả ơn những người đã “cứu” mình” - chị tâm sự.

“Giờ tỉnh nào cũng có nhóm tự lực của người nhiễm HIV. Các bạn làm rất tốt nên số người gọi cho mình xin tư vấn cũng giảm. Nhưng nhiều lúc 6g sáng chưa kịp đánh răng đã có người gọi. 9g-10g đêm đi làm về mệt muốn nghỉ ngơi cũng có người gọi.

Buổi tối mình muốn dành thời gian để nghỉ ngơi và cho gia đình. Không bắt máy thì họ buồn mà bắt máy thì có lúc ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Nhiều lúc mình stress vì điện thoại. Đôi khi cứ phải tự an ủi: phải thấy vui vì mọi người vẫn đặt niềm tin vào mình. Thôi cố được đến đâu cứ cố, làm được cái gì cho ai thì cứ làm” - chị kể.

Huệ có duy nhất một cậu con trai. Cậu bé bây giờ đã là học sinh lớp 8 và rất tự hào về mẹ. Huệ mỉm cười kể: “Có lần đi học về, bé bảo: mẹ, bạn con nói rất ngưỡng mộ mẹ. Con công nhận con cũng rất tự hào về mẹ. Mình cũng tự hào lắm. Thay vì cháu phải xấu hổ vì có một người mẹ nhiễm HIV thì thằng bé không ngại ngần.

Từ bé, cháu đã được mình dẫn đi cùng khi mình tham gia các hoạt động truyền thông cộng đồng. Từ nhỏ cháu đã phải đối mặt với kỳ thị nên cháu biết hoàn cảnh mình như thế nào.

Ngày bé khi đi ra ngoài đường, thấy những dải băng đỏ về phòng chống HIV, cháu bảo: mẹ, HIV của nhà mình kìa. Nó phải đối mặt với khó khăn từ bé nên chững chạc, chín chắn hơn với những đứa trẻ con cùng tuổi khác”.

Cùng nhau vượt qua cú sốc

Nói chuyện với chị, cảm nhận niềm tự hào lớn nhất của chị rõ ràng không phải là danh hiệu Anh hùng châu Á.

“Thời điểm đó mọi người bị sốc, mình giúp họ vượt qua cái sốc đó bằng chính bản thân một người bệnh như mình - Huệ nói - Tôi tự hào vì sự thay đổi rất rõ về nhận thức của cộng đồng, ít nhất tại TP này, về căn bệnh HIV/AIDS, và sự tự tin của người bệnh. Bây giờ đã có rất nhiều người nhiễm HIV công khai để tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS. Đây là bằng chứng của việc giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng và giúp người có HIV bớt đi mặc cảm, sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng”.

Chị Huệ thổ lộ: “Mình trăn trở nhất chính là việc làm cho người nhiễm HIV. Phải có việc làm ổn định mới đảm bảo được cái ăn, cái mặc, họ mới có niềm tin để sống. Mình chỉ muốn sống khỏe mạnh để cùng mọi người đi tiếp chiến tuyến phòng chống AIDS này và giúp đỡ những người nhiễm HIV”.

 

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên