22/09/2020 10:53 GMT+7

Gánh rau chợ quê nuôi lớn con chữ

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Nhận tin kết quả thi tốt nghiệp THPT tổ hợp 3 môn văn, sử, địa 25 điểm, Phạm Quốc Hòa vui buồn lẫn lộn, nửa muốn rời quê đi học, nửa lại định thôi vì lo đôi chân cha đau hơn, gánh rau của mẹ lại nặng thêm...

Gánh rau chợ quê nuôi lớn con chữ - Ảnh 1.

Phạm Quốc Hòa đang làm thêm tại một cửa hàng Co.op Food trên đường Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Q.L.

Nhưng gia đình người dì ruột ở TP.HCM bảo Hòa phải vào TP ngay, khó thì dì cháu nương tựa nhau chứ nếu không rời làng quê của mình thì mãi cũng chỉ quẩn quanh với cái nghèo. Cha mẹ động viên con trai cứ đi đi, khó kiểu chi cũng có cách gỡ! Vậy là Hòa đi. Lần đầu tiên Hòa rời quê Nghi Lộc (Nghệ An), cũng là lần đầu tiên được bay, đặt chân đến đô thị nhộn nhịp, khác xa quê mình quá!

“Hòa hiền lành, ít nói và chịu khó, sẵn sàng phụ các anh chị khác bất cứ việc gì được nhờ.

Chị THÂN ÁI LÊ (cửa hàng trưởng nơi Hòa đang làm việc)

Ruộng rau nuôi con lớn

Một tháng vào TP.HCM, Hòa đã xin vào làm tại cửa hàng Co.op Food trên đường Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức) được 3 tuần. Gặp Hòa vào buổi sáng một ngày được nghỉ ca (mỗi tuần được nghỉ ca một ngày, do cửa hàng sắp xếp), cậu nhắc ở quê tầm này chắc mẹ cũng đã bán xong mớ rau ngoài chợ.

Nhà có mảnh ruộng, mẹ Hòa - bà Hồ Thị Hường - trồng rau, khi rau muống, lúc rau cải, mỗi ngày cắt và bán được 30 bó. Ấy là gặp hôm đắt hàng, bán hết, còn không chỉ có nước đem về nhà ăn chứ không để lại hôm sau bán được, héo hết. Chợ quê, giá mỗi bó rau chỉ 1.500 đồng, nếu bán hết sẽ có 45.000 đồng chi phí cho cả nhà bốn miệng ăn gồm cha mẹ và hai anh em Hòa.

Nhưng để có được mấy chục bó rau thành phẩm ra chợ, Hòa và mẹ phải ra ruộng từ 1h sáng mỗi ngày. "Ruộng cách nhà một đoạn, nằm giữa đồng lại kế nghĩa địa, mẹ bị bệnh tim hay hồi hộp, đi sớm quá sợ nên mình đi chung, cũng là phụ làm cho mau hơn chứ để mình mẹ làm vất vả lắm" - Hòa kể.

Đó là công việc Hòa đã làm cùng mẹ từ năm lớp 9 cho đến trước ngày vào TP.HCM. Ngày nào cũng thế, hai mẹ con cắt, bó xong đám rau là lúc trời hửng sáng, mẹ chở rau lên chợ, Hòa về chuẩn bị cho hai anh em đi học. Giờ anh hai đi học, cậu em Phạm Quốc Hợp (đang học lớp 8) đương nhiên "nối nghiệp".

"Lúc cha hắn còn khỏe, còn đi làm được thì mình coi như phụ thêm lo cho anh em tụi hắn ăn học. Chừ cha hắn đau nhức suốt, đi lại còn khó, công việc của mình gần như là chính, chỉ mong mỗi ngày bán hết mới có đồng rau cháo trong nhà" - bà Hường tâm sự.

Mà thực ra cả nhà còn nỗi lo khác. Đó là khoản vay trăm triệu lúc cha Hòa còn khỏe, còn làm được đều đặn để sửa lại cái nhà mà 5 năm rồi mới chỉ trả được gần phân nửa tiền gốc, hiện còn nợ 54 triệu đồng, giờ mỗi tháng góp gần triệu đồng tiền lãi ngân hàng. "Lòng ngổn ngang lắm, phần nhớ nhà, phần lo sức khỏe cha mẹ, thương thằng cu em nữa" - Hòa chia sẻ.

Tâm nguyện của cha mẹ

"Mình làm, lúc mô mệt quá thì nghỉ một chút, chứ bệnh thì cũng mấy năm rồi, đã quen với sức khỏe của mình" - bà Hường kể. Bệnh tim cũng là chẩn đoán của bệnh viện huyện từ mấy năm trước, với kết luận ban đầu là rối loạn nhịp tim, khi vượt hơn trăm, lúc chỉ vài mươi nhịp. Mệt thì tạm nghỉ, cũng không cố làm việc gì nặng nhọc quá sức chứ chưa bao giờ bà dám đi bệnh viện lớn trên tỉnh bởi "lỡ khám kỹ, bệnh đủ thứ, tiền đâu mà trị".

Sức khỏe của cha Hòa - ông Phạm Quốc Việt - cũng không khá hơn. Đôi chân với chẩn đoán bị vôi hóa các khớp ngày một nặng, chân trái đang có biểu hiện teo cơ dần. Ông đi lại khó nhọc, có khi chỉ cần ngồi chừng chục phút thì việc đứng lên là cả thử thách với người đàn ông đang ở tuổi 40.

Hồi đó ông đi chăn vịt mướn cho người ta, rồi làm thợ hồ nữa nhưng chừng hai năm trở lại đây thì chịu. Chân đi còn khó nói gì chạy đồng để theo đàn vịt. Người ta cũng ngại mướn thợ đi đứng khó nhọc vậy trong khi công việc làm hồ lại vất vả, may có người thương thì mướn cho kiếm được đôi công ngồi bẻ sắt làm cốp pha.

Nhưng cha mẹ có bước đến bước cuối cùng thì con cũng phải học. Ấy là điều hai vợ chồng tâm nguyện, nắm tay nhau nỗ lực. "Tui ngày xưa còn học hết phổ thông chứ nhà cha hắn khó, chỉ học đến cấp II. Được cái hai thằng con đứa nào cũng thương cha thương mẹ, chịu học. Đó cũng là động lực lớn nhất để vợ chồng tui cố gắng, nén đau để làm được chi ra tiền thì làm, miễn lo được cho tụi hắn đến trường" - bà Hường bộc bạch.

Chọn ngành quản lý thông tin

Phạm Quốc Hòa đăng ký vào ngành quản lý thông tin của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Là ngành học còn khá mới, năm trước ngành này lấy điểm chuẩn 21 ba môn khối C nên đạt 25 điểm, tính điểm ưu tiên khu vực là 25,5 điểm, cậu cũng yên tâm phần nào khi đang chạm gần ngành học mơ ước.

Nhẩm tính mức lương thử việc tính cả tiền cơm được hơn 5 triệu đồng, trừ tiền xe ôm đi làm mỗi ngày, tính ra mỗi tháng Hòa cũng còn được hơn 4 triệu, tằn tiện cũng tạm lo được vì tạm thời đang ở nhờ nhà dì dượng nên cũng chưa phải lo tiền trọ. Đi làm còn để cậu được giao tiếp với nhiều người, tập cho mình dạn dĩ hơn, nghe và luyện nói giọng trong này chứ nói âm giọng ngoài quê khó nghe lắm.

Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ

1.000 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng năm học 2020-2021 trị giá 10 triệu đồng/học bổng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng.

Báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời, qua địa chỉ email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.997.3838.

Tìm hiểm thêm về học bổng tại đây.

Bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập.

Kinh phí học bổng chuyển về: Phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.

Chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

CÔNG TRIỆU

Gánh rau chợ quê nuôi lớn con chữ - Ảnh 5.
17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 'Mẹ ơi, con đậu đại học'

TTO - Mùa Vu lan, Sâm ngồi trên chiếc giường đối diện bàn thờ của mẹ, cậu gói ghém sách vở vào những thùng giấy, chuẩn bị cho hành trình mới ở TP.HCM dự báo đầy chông gai sắp đến - những ngày ở giảng đường.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên