24/06/2015 12:06 GMT+7

Gần 23.000 loài có nguy cơ tuyệt chủng

HUỲNH PHƯƠNG (Theo IUCN, Guardian)
HUỲNH PHƯƠNG (Theo IUCN, Guardian)

TTO - Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ngày 23-6 công bố báo cáo cho biết gần 23.000 loài động thực vật (trong tổng số 77.340 loài được thống kê) có nguy cơ biến mất khỏi Trái đất.

 

Dân số loài linh miêu ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang gia tăng dân số (hiện 156 con so với 52 con năm 2002) - Ảnh: Wiki
Dân số loài linh miêu ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang gia tăng (hiện là 156 con so với 52 con năm 2002) - Ảnh: Wiki

Bản cập nhật trong Sách đỏ năm 2015 của IUCN cho biết có 22.784 loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, tăng 371 loài so với thống kê trong năm 2014.

Nguyên nhân chính là do săn bắn và phá hủy môi trường sống (chiếm đến 85% các loài), ngoài ra còn do buôn bán các loài trái phép và sinh vật ngoại lai xâm lấn các loài bản địa.

“Nhưng may mắn năm nay không có sinh vật nào được bổ sung vào danh sách tuyệt chủng (EX)” - nhà khoa học Craig Hilton-Taylor, phụ trách cập nhật Sách đỏ IUCN, cho biết.

“Bản cập nhật Sách đỏ này cũng là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta thế giới tự nhiên đang ngày càng dễ bị tổn thương. Cộng đồng quốc tế phải khẩn trương đẩy mạnh các nỗ lực bảo tồn nếu chúng ta muốn còn nhìn thấy sự đa dạng hấp dẫn các loài sinh vật trên hành tinh” - Inger Andersen, giám đốc IUCN, nói.

Báo cáo cho biết trong 84 loài lan hài vệ nữ châu Á được đánh giá thì có đến 99% loài bị đe dọa tuyệt chủng do tình trạng săn lùng lan làm cảnh của con người, trong đó có loài lan hài quý hiếm Paphiopedilum purpuratum được tìm thấy ở Việt Nam, Trung Quốc và Hong Kong.

Trong khi đó, ở loài sư tử - vốn được phân loại ở mức dễ bị tổn thương (VU) trên toàn cầu, năm nay quần thể này ở phía tây châu Phi đã được cảnh báo nâng lên mức cực kỳ nguy cấp (CR) do tình trạng bị săn bắn quá mức.

Ngoài ra, hai loài cua Karstama balicumKarstama emdi ở đảo Bali (Indonesia) cũng không khả quan hơn (phân loại CR) khi môi trường sống bị đe dọa bởi phát triển du lịch và nghi thức tôn giáo đào hang bắt cua.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu bật nhờ những biện pháp bảo tồn hợp lý nên loài linh miêu Iberia ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cũng như loài hải cẩu Guadalupe (ngoài khơi quần đảo Guadalupe, Mexico) tăng mạnh dân số, nên các nhà khoa học hạ mức phân loại từ CR xuống mức nguy cấp (EN).

Lan hài Vệ nữ quý hiếm Paphiopedilum purpuratum được tìm thấy ở Việt Nam, Trung Quốc và Hong Kong - Ảnh: Wiki
Lan hài vệ nữ quý hiếm Paphiopedilum purpuratum được tìm thấy ở Việt Nam, Trung Quốc và Hong Kong - Ảnh: Wiki
HUỲNH PHƯƠNG (Theo IUCN, Guardian)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên