Theo thống kê của Sở Tài nguyên và môi trường, từ năm 2016 - 2021 trên địa bàn TP có 90 dự án phát triển nhà ở của các tổ chức với tổng diện tích là 354,48ha. Trong đó có 4 dự án nhà ở thương mại; 2 dự án cải tạo chung cư cũ; 7 dự án nhà ở xã hội; 74 dự án nhà ở dưới 10ha.
Có 35 dự án chưa được cấp giấy chứng nhận do nhiều nguyên nhân, như: vướng mắc do dự án có nguồn gốc nhà đất công sản, đất sử dụng cho công ích; vướng mắc do chủ đầu tư dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung; vướng mắc do cơ quan nhà nước đang thanh tra, kiểm tra; vướng mắc do vi phạm xây dựng.
Theo ông Võ Trung Trực, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, tổng số dự án có phát sinh nghĩa vụ tài chính là 21 dự án với tổng số 16.827 căn, trong đó đã cấp giấy chứng nhận 5.254 căn, 11.573 căn nhà chưa được cấp. Điều này cho thấy số lượng nhà chưa được giải quyết cấp giấy chứng nhận rất lớn, dù người mua đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
“Từ năm 2017, số lượng dự án phát triển nhà ở đã giảm rõ rệt. Với các dự án phát triển nhà ở có quy mô diện tích dưới 10ha, chủ đầu tư đều lựa chọn hình thức nộp tiền tương đương với quỹ đất 20%. Do đó, quỹ đất sạch để thực hiện dự án nhà ở xã hội đang bị hạn chế. Và thực tế, quỹ đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP đang quản lý, đa số không phù hợp quy hoạch hoặc không đủ quy mô để thực hiện dự án nhà ở xã hội”, ông Trực thông tin.
Qua báo cáo từ Sở Tài nguyên và môi trường, trưởng đoàn giám sát Văn Thị Bạch Tuyết đặt nhiều vấn đề yêu cầu sở trình bày thêm. Cụ thể, theo bà Tuyết, có tình trạng dự án chỉ hình thành những phần để bán cho người dân, còn hạ tầng thì chủ đầu tư không làm hoặc làm không hoàn chỉnh, nên không cấp giấy được.
“Đây có phải là một trong những nguyên nhân để dẫn đến việc sở không cấp giấy chứng nhận được? Và đề nghị sở cung cấp thêm thông tin từ giai đoạn 2016 - 2021, đơn vị có lập danh sách đề xuất thu hồi các dự án nhà ở, chung cư đất nền nhà biệt thự hay không?”, bà Tuyết nói.
Trả lời về vấn đề trên, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết hằng năm đều có phối hợp quận, huyện hối thúc tiến độ thực hiện các dự án. Với những dự án nếu thực hiện quá 3 năm không có lý do chính đáng sẽ thu hồi.
“Công tác thu hồi cũng khó khăn vất vả khi sở chỉ thu hồi được chủ trương chấp thuận đầu tư chứ đất vẫn của chủ đầu tư. Do đó, đôi lúc chúng ta đi đến các quận, huyện thấy đất trống nhưng thực chất đã có chủ đầu tư. Về việc cấp giấy chứng nhận, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ có văn bản hướng dẫn cho TP để tháo gỡ việc cấp giấy cho gần 12.000 căn hộ đến nay bị vướng”, ông Trực cho hay.
Nhiều dự án 15 - 20 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận
Phát biểu kết luận buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng các chỉ tiêu về nhà ở theo kế hoạch TP đều tăng, nhà ở thương mại vượt gấp đôi nhưng nhà ở xã hội rất thấp, do nhiều vướng mắc.
Bà Tuyết đề nghị Sở Xây dựng báo cáo bổ sung những kết quả xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực nhà ở trên địa bàn TP trong giai đoạn này; đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường có sự quan tâm đến việc cấp giấy chứng nhận các dự án trên địa bàn bởi có một số phản ánh việc cấp giấy còn chậm.
“Đề nghị các đơn vị tổng hợp lại các dự án về nhà ở còn đang vướng mắc nhằm kiến nghị với UBND TP tháo gỡ. Nhiều dự án ở khu vực Thủ Đức, quận 2, 9, 12 đến nay chủ đầu tư đi mất mà nhà người ta 15 - 20 năm chưa được cấp giấy”, bà Tuyết nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận