Phóng to |
Năm 2005 tới đây, Đài truyền hình TP.HCM (HTV) sẽ tổ chức và phát sóng thêm bốn gameshow hoàn toàn mới nữa song song với việc duy trì sáu gameshow đã phát sóng. Ông Nguyễn Chí Tân, phó giám đốc HTV, cho biết.
* Ông có thể lý giải về việc bùng phát gameshow trên truyền hình hiện nay?
- Gameshow là thể loại giải trí truyền hình rất thông dụng trên thế giới từ nửa thế kỷ qua. Tại VN gần đây bùng phát gameshow là do các yếu tố: công nghệ, kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình trong nước có bước phát triển mạnh, thời lượng phát sóng tăng cao và chủ trương xã hội hóa (hợp tác trong và ngoài nước) trong việc thực hiện những chương trình giải trí truyền hình hay, hấp dẫn.
Phóng to |
- Hiện nay thế giới có đến hàng ngàn gameshow. Vào VN đương nhiên chúng ta phải chọn lọc những gameshow phù hợp với đất nước, con người, văn hóa VN và điều chỉnh nội dung mang tính VN (ví dụ cách thể hiện và hình thức ra đề thì đúng mẫu bản quyền quốc tế, nhưng câu hỏi đề thì do VN soạn, mang nội dung VN thay vì sử dụng ngân hàng câu hỏi rập khuôn của quốc tế). Gameshow có giá bản quyền quá đắt (đã có chương trình chào tại VN với giá 1,5 triệu USD/sử dụng trong một năm) không hiệu quả về mặt kinh tế thì chúng tôi đành từ chối.
Tùy tính chất mà các gameshow có thể mang tính giải trí trước - kiến thức sau (như Nhịp sống sôi động, Năng động, Chung sức...) hoặc kiến thức trước - giải trí sau (Rồng vàng, Trúc xanh, Nốt nhạc vui...) nhưng để một gameshow thành công, thật sự có ý nghĩa bổ ích và thu hút công chúng thì hai yếu tố giải trí và bổ sung kiến thức cần hội đủ trong một gameshow.
* Ông có thể cho biết vai trò của các đơn vị ngoài đài truyền hình trong việc hợp tác thực hiện những gameshow?
- Một giờ sản xuất gameshow chi phí khoảng 160 - 180 triệu đồng. Tiền bản quyền mua một gameshow trung bình 150.000 USD/năm (những năm về sau tiền bản quyền sẽ tăng lên). Nếu mua bản quyền cộng với toàn bộ trang thiết bị máy móc, camera chuyên dùng thì có thể lên đến gần 1 triệu USD (như chương trình Rồng vàng mua trọn gói từ Tập đoàn Katana, Thái Lan).
Gameshow đòi hỏi sự đầu tư khá cao về công sức lẫn kinh phí như vậy nên để có thể tổ chức cùng lúc nhiều gameshow, HTV luôn mở rộng việc hợp tác thực hiện với các công ty, đơn vị có khả năng tìm kiếm và tổ chức gameshow. Những công ty, đơn vị ngoài đài truyền hình sẽ góp thêm thế mạnh về sự chuyên nghiệp và năng động trong việc thương thảo mua bản quyền, xúc tiến thực hiện chương trình lẫn tạo hiệu quả kinh tế (khá cao). Nhiều công ty có chuyên gia nước ngoài tư vấn, thuận lợi cho việc chuyển giao, học tập công nghệ, thiết bị và năng lực tổ chức hiện đại. Thông thường để làm gameshow, toàn bộ êkip phụ trách (đạo diễn, biên tập, quay phim, nhân viên kỹ thuật...) đều ra nước ngoài tham khảo, học cách làm rồi mới trở về VN bắt tay thực hiện. Phải nói rằng chúng ta đã học hỏi thêm được rất nhiều về chuyên môn từ những cơ hội này.
Ở những gameshow thành công, chúng tôi sẽ làm mới thêm cách thể hiện lẫn bài trí sân khấu. Ví dụ như chương trình Rồng vàng năm 2004 theo khuôn thức chơi của Malaysia thì sang năm 2005 sẽ áp dụng khuôn thức của Mexico (sân khấu diện tích rộng hơn, các đội thí sinh ở trong phòng thi lịch sự hơn...). Ngoài ra năm 2005 HTV sẽ dành sóng cho những gameshow mới, có thể các gameshow chỉ phát duy nhất một lần chứ không phát lại.
Lượng người xem các gameshow HTV(Kết quả khảo sát tháng 11-2004 của Công ty khảo sát thị trường TNS với đối tượng khán giả tại TP.HCM) 1. Chung sức: 45,8%2. Nhịp sống sôi động: 44,7%3. Trúc xanh: 42,4%4. Rồng vàng: 32,2%5. Nốt nhạc vui: 28,1%6. Vui để học: 11,8% |
- Tôi nghĩ sau khoảng 10 năm ứng dụng gameshow quốc tế, chắc chắn chúng ta sẽ nắm vững công nghệ làm chương trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị được trang bị đầy đủ và hiện đại, từ đó sẽ đầy đủ điều kiện nghĩ đến việc sản xuất gameshow nhãn hiệu “made in Vietnam” 100% đạt chất lượng cao ở mức có thể bán lại bản quyền cho quốc tế.
* Trong các gameshow, vai trò người dẫn chương trình (MC) khá quan trọng. Họ có thể khiến khán giả thích thú hoặc chán xem gameshow đó. Ông đánh giá các MC gameshow của HTV như thế nào?
- Trước mỗi gameshow chúng tôi luôn “đau đầu” để tìm mời một MC phù hợp với chương trình. Thậm chí như gameshow Nốt nhạc vui nếu không có một MC như Thanh Bạch thì có lẽ chúng tôi chưa xúc tiến thực hiện chương trình này. Thực tế đội ngũ MC ở TP.HCM hiện tại còn thiếu về lực lượng lẫn quá ít người đáp ứng được về chất lượng để làm gameshow.
Phóng to |
Một công chúng nhiều thành phần, lứa tuổi cho gameshow truyền hình |
* Thế nhưng người xem vẫn còn lời than phiền hoặc chưa hài lòng về MC của các gameshow, cụ thể là một số người có phong cách quá cứng, thiếu linh hoạt và thiếu duyên!
- Chúng ta sẽ thông cảm cho MC nếu như biết rằng bản thân MC không phải là người tham gia công tác đạo diễn, biên tập gameshow nên họ chưa thể hòa nhập tuyệt đối vào nội dung chương trình, đồng thời họ vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên từ đó có những bó hẹp nhất định. Đồng thời MC còn chịu sự đòi hỏi từ qui định khắt khe của bản quyền chương trình gốc. Ví dụ MC của Rồng vàng có qui định phải đi từ chỗ ngồi ra sân khấu bao nhiêu bước chân, MC Chung sức bắt buộc phải thực hiện động tác bắt tay với thí sinh ra sao... Do vậy MC đôi khi nếu có bị lặp lại, cứng nhắc và gò bó thì xin khán giả hãy hiểu là không phải do họ.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận