16/04/2015 10:17 GMT+7

​“Galăng” đâu phải thể hiện bằng tiền

CÔNG NHẬT ghi
CÔNG NHẬT ghi

TT - Sau bài viết “Trả tiền, sao không chia đều?” (Tuổi Trẻ 14-4), nhiều ý kiến bàn luận, trong đó một góc nhìn có nhiều người đồng tình là đừng mặc định “galăng” phải được thể hiện bằng tiền.

“Anh trả hay tôi trả” không thể hiện sự “galăng” - Ảnh: Mạnh Khang

Từng có cơ hội đặt chân đến nhiều vùng đất trên thế giới, bạn Nguyễn Văn Hải (ĐH Ostfold, Na Uy) cho biết nam giới và nữ giới ở các quốc gia khác đều rất bình đẳng trong nhiều vấn đề, kể cả chuyện tiền bạc.

“Khái niệm “galăng” của họ thường nằm ở việc biết thông cảm, chia sẻ các giá trị tinh thần. Trong khi đó ở VN nhiều người vẫn mặc định “galăng” phải được thể hiện bằng tiền, cụ thể là giành trả tiền hoặc phô trương giá trị vật chất. Chính vì vậy hiện tôi rất ngại đi ăn uống cùng bạn bè mỗi lần về VN bởi ai cũng đoan chắc tôi sẽ “khao” trong khi tôi đi du học tại Hàn Quốc hay Na Uy đều bằng học bổng Chính phủ chứ nào có dư dả gì” - Hải nói.

Thạc sĩ xã hội học ứng dụng Nguyễn Diệp Quý Vy (giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) vẫn còn nhớ câu chuyện thời còn ngồi ghế giảng đường: “Anh chàng lớp trưởng của tôi thường thể hiện tính “galăng” bằng cách lẳng lặng thanh toán hóa đơn của mọi người sau mỗi chầu ăn uống dẫu mọi người chỉ là bạn bè chung lớp bình thường. Điều ngạc nhiên là một số bạn cho rằng đây là điều hiển nhiên. Sau này khi biết gia đình lớp trưởng làm nông ở Đồng Nai và gia cảnh khá khó khăn mọi người mới băn khoăn, khó xử”.

ThS Quý Vy khẳng định bản thân không ủng hộ quan điểm luôn phải sòng phẳng, rạch ròi trong chuyện tiền bạc, nhưng việc chủ động chi trả tiền sau mỗi cuộc vui nên là một hành động tất yếu để tránh gây hiểu nhầm, khó xử giữa các bên.

“Ở các quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật... trừ các dịp đặc biệt như lần hẹn hò đầu tiên giữa các cặp tình nhân, tiệc chia tay về nước hay để tri ân một hành động nào đó... thường người mời sẽ chủ động báo trước và chi trả cho bữa tiệc. Còn tất cả những dịp khác hoặc khi đi với bạn bè bình thường thì ai sẽ lo phần người nấy và mọi người đều thấy rất thoải mái, không lăn tăn nghĩ ngợi gì” - ThS Quý Vy cho biết.

Trong khi đó, chuyên viên tâm lý Biện Chương Dương nêu: “Theo quan điểm của tôi, việc giành trả tiền nếu không khéo sẽ bị một bộ phận nào đó lợi dụng để thỏa mãn lợi ích cá nhân của họ. Việc giành trả tiền có thể thỏa mãn sự tự tôn của nam giới, hoặc cũng có thể do họ bị những “chuẩn” mà văn hóa, xã hội Việt ấn định vào từ lâu. Ngày nào chúng ta vẫn còn dùng những câu “trai tài, gái sắc”, các bạn nữ còn bĩu môi khi thấy bạn nam không “galăng” - đồng nghĩa chủ động trả tiền cuối buổi tiệc... thì ngày đó tiềm thức của các nam thanh niên Việt sẽ vẫn còn bị ám ảnh với việc “gồng mình” giành trả tiền để giữ được hình ảnh “nam giới đúng nghĩa” trong mắt mọi người”.

CÔNG NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên