Giao lưu nghệ thuật “Ngọn lửa tuổi trẻ”
![]() |
Các bạn trẻ xem tư liệu được trưng bày ở nhà thờ Lý Tự Trọng - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Ở nhà thờ Lý Tự Trọng tại Việt Xuyên (Thạch Hà, Hà Tĩnh) sáng qua (6-3), nhà sử học Văn Tùng đã bắt đầu câu chuyện về anh hùng Lý Tự Trong bằng một nhận xét với các bạn trẻ: “Những gì anh Trọng có chúng ta cũng có. Những gì anh Trọng làm chúng ta cũng có thể làm. Vì anh Trọng cũng là một thanh niên VN bình thường. Nhưng trong anh tràn một niềm yêu nước nồng nàn, dám hi sinh vì sinh mệnh của đồng chí, đồng bào...”.
Hành trang chỉ một lòng yêu nước
Lời nhận xét ấy có thể minh chứng ngay tại căn nhà cụ thân sinh anh Lý Tự Trọng mà đoàn hành trình dừng chân. Một căn nhà nhỏ, ngoảnh mặt ra cánh đồng Việt Xuyên, chủ nhân căn nhà là ông Lê Hữu Đạt và bà Nguyễn Thị Sờm cũng nghèo khó như bao người dân Hà Tĩnh khác những năm đầu thế kỷ 20, vì kế sinh nhai phải dắt díu lưu hương tận trại cày Noỏng Nhạt ở miền đông bắc nước Thái.
Nhưng gia đình nông dân nghèo khó ấy cũng chính là những người thổi lên đốm lửa Cần Vương cuối cùng của vua Hàm Nghi. Là thành viên của Quang Phục hội, là những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Và Lý Tự Trọng, con trai cả của họ, dù chỉ là một cậu học trò nghèo, một liên lạc viên cho Trung ương Đảng, vẫn vững khí tiết của một người anh hùng, không khai nửa lời về tổ chức và buông ra những lời đanh thép khi rơi vào tay giặc.
Tọa đàm “Sống đẹp tuổi thanh xuân” Đây sẽ là một hoạt động trong khuôn khổ hành trình về nguồn “Ngọn lửa tuổi trẻ” diễn ra sáng nay 7-3 tại TP Hà Tĩnh. Nội dung buổi tọa đàm xoay quanh những quan niệm giá trị sống đẹp qua các thời kỳ và vai trò của Đoàn trong việc định hướng lối sống cho đoàn viên, thanh niên. Tham dự hội thảo sẽ gồm các đại biểu của hành trình về nguồn “Ngọn lửa tuổi trẻ” và nhiều đoàn viên, thanh niên của tỉnh Hà Tĩnh. |
Và ở đất Thạch Hà, Đức Thọ hay Can Lộc này, anh hùng Lý Tự Trọng đâu phải là người duy nhất ra đi từ cuốc cày, rơm rạ để làm nên những phút giây lịch sử.
Đoàn hành trình “Ngọn lửa tuổi trẻ” còn dừng chân ở tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc), đến viếng thăm đền thờ cố Tổng bí thư Trần Phú ở Tùng Ảnh (Đức Thọ).
Những làng quê ấy, những con người dừng chân tưởng niệm ấy, từ đoàn nông dân với dao cuốc vùng lên Xô viết Nghệ Tĩnh cho đến người tổng bí thư đầu tiên của Đảng, cũng như anh hùng Lý Tự Trọng đi vào lịch sử không gì hơn ngoài một lòng yêu nước nồng nàn.
Những gạch nối mới
Câu chuyện của lịch sử từ quê hương anh Lý Tự Trọng hay cố Tổng bí thư Trần Phú thực tế chỉ là những gạch nối của lịch sử mà dường như có thể tìm được ở bất cứ thời kỳ nào. Và tại ngã ba Đồng Lộc, trong đêm hội ngộ giữa các thanh niên xung phong ở nhiều mặt trận, với những nhân chứng một thời đạn lửa còn đây, đoàn hành trình về nguồn “Ngọn lửa tuổi trẻ” đã được nghe, được thấy tận mắt những “gạch nối” ấy.
Ông Vũ Hữu Loan, nguyên bí thư Thành đoàn Hà Nội, kể rằng chỉ sau khi 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc ngã xuống hai ngày, ông đã có mặt tại đây. Ký ức đau thương ấy được ông Vũ Hữu Loan đúc kết bằng một suy nghĩ chung của thanh niên từ hơn 40 năm trước, đó là “hành động của giặc Mỹ làm chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm”.
Xem video Chuyện kể ở ngã ba Đồng Lộc - Nhóm phòng viên báo Tuổi Trẻ thực hiện |
Xem video Thiêng liêng đêm huyền thoại - Nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ thực hiện |
Đó là nỗi căm hờn tự nhiên từ máu thịt mà bất cứ người VN nào cũng cảm nhận được từ cảnh quê hương bị giày xéo. Và nỗi căm hờn ấy với Đoàn thanh niên đã sản sinh phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc, “Năm xung kích” ở miền Nam, những cuộc xuống đường sôi sục của sinh viên Sài Gòn...
Cũng như ông Vũ Hữu Loan, các thanh niên xung phong từ chị Nhàn ở Lam Hạ, chị Thông ở Truông Bồn, chị Lý, anh Tấn từ chiến trường Campuchia - những “gạch nối” đang có mặt ở hành trình này - đều ra chiến trường không có gì hơn là tuổi trẻ và nỗi căm hờn vì điều thân yêu nhất của mình là Tổ quốc bị xâm phạm và cả tình cảm quốc tế cao đẹp.
Chia sẻ câu chuyện này, nhạc sĩ Vũ Hoàng - một thành viên đoàn hành trình - nói có bạn trẻ trong đoàn đã hỏi ông phải chăng thời chiến tranh của các cô, các bác đã có nhiều cơ hội để chứng tỏ, để trở thành những “gạch nối” hơn các bạn. Và nhạc sĩ đã trả lời: “Tôi có nhiều bài hát về mùa hè xanh, về các phong trào tình nguyện. Với cá nhân tôi, nguồn cảm hứng để có những ca khúc ấy không gì hơn chính là những “gạch nối” mà các bạn trẻ tạo nên”.
Hay nói một cách khác, như chị Trinh Nguyên, bí thư Đoàn khối Bộ Giao thông vận tải, khi đại diện trao những suất quà trích từ 20 triệu đồng tiền lương đóng góp của các đoàn viên cho những cựu thanh niên xung phong, đã nghĩ về những “gạch nối” rằng: “Biết trân trọng những gạch nối của lịch sử cũng là một cách tạo nên những gạch nối mới, làm tròn vai của thế hệ đi sau...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận