Không được nuôi chim cút trên toàn thành phốThêm đàn vịt đã tiêm văcxin nhiễm cúmLỗ oan vì cúm gia cầm
Phóng to |
Bà Linh giết mổ gia cầm dưới gầm cầu Trường Đai (P.Thới An, quận 12) - Ảnh: Minh Mẫn |
Ngày 21-2, chúng tôi theo chân đoàn kiểm tra liên ngành đến “điểm nóng” buôn bán gia cầm trái phép tại khu vực cầu Sa (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) nhưng không phát hiện được gì. Một thành viên trong đoàn kiểm tra nói: “Thấy có mùi, lông gà đây rồi mà gà đâu?”. Thực tế hàng trăm con gà, vịt được người bán phân tán khắp nơi. Khách có nhu cầu, gà sống có liền.
Giấu gà dưới đất
Trưa 24-2, vài ba người khách chạy lòng vòng nhưng không thấy gà, vịt được bày bán như mọi khi. “Có gà không anh ơi?”, một người khách hỏi. “Cứ chạy qua đây thấy có treo lông gà là biết còn bán”, một thanh niên trả lời. Hóa ra để làm dấu hiệu nhận biết, những người bán gà vịt ở đây dùng nhúm lông gà nhét vào các viên gạch ống dựng hai bên đường. Vào thời điểm có lực lượng đến kiểm tra, người bán sẽ cất giấu gà vịt trong nhà. Trường hợp lực lượng kiểm tra “chốt” cả ngày, người bán sẽ cắm lông gà trên viên gạch để ra dấu cho khách mua.
Một phụ nữ đeo khẩu trang kín cả mặt vẫy tay ra hiệu cho khách vào nhà xem gà. Đẩy cửa ra, người này kéo ra một lồng sắt đựng khoảng 10 con gà ta. Xách cổ một con gà trống lên, người bán ra giá: “Gà Long An nhập về đó anh. Một ký trăm mốt. Bao ngon luôn”. Khách hỏi gà có bị cúm gì không, người phụ nữ tặc lưỡi: “Đảm bảo an toàn”. Điều đáng nói là việc mua bán gia cầm lén lút diễn ra trước một chốt dân phòng. Trưa 24-2, chúng tôi thấy chốt dân phòng này trong tình trạng “cửa đóng then cài”, và một người mặc đồng phục dân phòng đang ngồi “lai rai” cạnh căn nhà bán gà.
Khu vực gầm cầu Trường Đai (P.Thới An, Q.12) là điểm mua bán, giết mổ gà vịt tại chỗ của vợ chồng bà Linh. Gầm cầu gần như biệt lập với khu dân cư, cây cối cao tới ngực, ẩm thấp và đầy rác thải. Ông Hà - chồng bà Linh - dẫn một khách hàng xuống gầm cầu xem gà. Bà Linh đi tới móng cầu, lôi từ trong các lùm cây ra ba con gà trống. Khách chưa vừa ý, bà Linh tiếp tục lôi thêm hai con gà được giấu dưới các hố đất. “Phải làm vậy mới không bị bắt. Có ngày đoàn của quận xuống chị phải ném gà vịt xuống sông để phi tang” - bà Linh cười. Sau khi khách đồng ý mua, bà Linh cắt tiết và làm sạch lông gà ngay dưới gầm cầu. Theo bà Linh, thường bà và nhiều người khác bày bán gà vịt trên cầu, tới “chiến dịch” kiểm tra của phường, bà phải chuyển hàng xuống dưới gầm cầu, còn chồng đón khách hàng trên cầu. “Mình bán kín đáo xíu thì không sao, chứ bày ra cho mấy ổng thấy là bị bắt liền” - bà Linh cho biết.
Phóng to |
Cắm lông gà vào viên gạch để ra dấu cho người đến mua tại khu vực cầu Sa (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) - Ảnh: Minh Mẫn |
Kiểm tra không có, mua bao nhiêu cũng có!
Tại khu vực chợ Cầu (giáp ranh quận Gò Vấp), chốt kiểm soát của địa phương túc trực suốt ngày, tuy nhiên vẫn không ngăn chặn được việc mua bán gia cầm trái phép. Trong sáng 24-2, chúng tôi đến đây hỏi mua gà. “Muốn mua chạy xuống dốc cầu. Bữa giờ phường kiểm tra ghê quá có ai dám đem gà lên cầu đâu”, một người dân chỉ đường. Theo chỉ dẫn của người này, chúng tôi đến một dãy nhà cũ kỹ nằm ở dốc cầu (P.14, Q.Gò Vấp), gặp người bán bày trứng gà, ba lồng gà (không có gà) để làm dấu. Bên trong căn nhà, mùi phân gà vịt nồng nặc, lông gà vương vãi khắp nơi. Bà Hoa ra điều kiện nếu chắc chắn mua mới dẫn đi xem gà, một phần sợ chúng tôi là “người của phường” hoặc xem mà không mua. Tiếp đó, bà Hoa gọi bà Oanh dẫn chúng tôi đi xem gà. Bà Oanh nhòm ngó ngoài đường rồi ra hiệu cho chúng tôi đi lối bên hông căn nhà. Đi chừng 15m, tiếng hàng trăm con gà, vịt kêu inh ỏi. Lôi một con gà trống từ lồng ra, bà Oanh nói đây là con gà cúng, chân rất đẹp. Chúng tôi lắc đầu, bà Oanh dẫn qua một căn phòng khác đưa ra 3-4 con gà trống để lựa. “Tránh không bị bắt, khuya tụi tôi phải đi lấy gà, rồi phải giấu cho kỹ, cực lắm” - bà Oanh thuyết phục.
Cạnh khu vực này còn có thêm một số người lén lút bán gia cầm. Đối diện với chốt dân phòng dưới chân cầu là điểm bán gia cầm của ông Tèo. Nơi bán gia cầm của ông Tèo rộng chừng 3m2, bên trong chỉ có vài vật dụng và một nồi nước luộc gà đang sôi sùng sục. “Gà vịt đâu không thấy anh?”, chúng tôi hỏi. Ông ló đầu ra quan sát rồi quay vào phòng, lôi một con gà được giấu trong giỏ ra. “Ở đây chỉ để vài con thôi. Nếu không ưa con này thì đi theo tôi vào nhà chọn. Gà nhiều lắm. Mua bao nhiêu cũng có”. Dứt lời, ông đi vào căn nhà cạnh nhà bà Oanh, bắt một con gà trống bỏ vào giỏ, rồi đi qua chốt kiểm soát gia cầm của phường để về lại căn phòng.
Tại một điểm buôn bán gia cầm trái phép khác trên đường TMT (P.Trung Mỹ Tây, quận 12), băngrôn với nội dung cấm buôn bán gia cầm treo khắp nơi. Một chốt kiểm soát buôn bán gia cầm của UBND phường thường túc trực từ sáng đến tối, thế nhưng theo nhiều người bán gia cầm tại đây, chỉ cần không bày gia cầm ra đường, bán kín đáo thì phường “cũng không làm khó”. Tại khu vực này, một dãy khoảng năm căn nhà sát nhau bán đủ loại từ thỏ, ếch đồng, gà, vịt... Chúng tôi vừa dừng lại trước dãy nhà này thì tiếng chào mời mua gà í ới. Bà T., một người bán gia cầm, cho biết gà được nhập từ miền Tây lên. “Ở đây chị chỉ để vài con để khách biết mình còn bán gà, số còn lại chị nhốt trong nhà. Em có mua thì chị chạy đi lấy”, bà T. nói.
Phường làm căng lắm!?
Bà Trịnh Thị Mỹ Lan, chủ tịch UBND P.Thới An (Q.12), nói rằng thời gian qua lực lượng của phường thường xuyên kiểm tra đề ngăn tình trạng mua bán gia cầm sống trái phép. Tuy nhiên khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao có chốt kiểm soát dưới chân cầu nhưng việc mua bán gia cầm vẫn diễn ra, bà Lan phân bua: “Chắc tại họ đối phó kỹ quá nên lực lượng kiểm tra không phát hiện được. Chúng tôi sẽ cử lực lượng kiểm tra xử lý ngay”.
Trong khi đó, giải thích việc gia cầm sống vẫn được mua bán gần chợ Thạch Đà và khu vực chợ Cầu, ông Đặng Công Tuấn, phó chủ tịch UBND P.14, Q.Gò Vấp, cho biết các lực lượng đã lên phương án kiểm tra, xử lý. Theo ông Tuấn, cứ mỗi lần lực lượng kiểm tra thì gia cầm lại được tẩu tán. “Chúng tôi đã nhiều lần tịch thu gia cầm trái phép nhưng tình trạng mua bán gia cầm sống tại khu vực chợ Cầu vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện nay chúng tôi đang rải lực lượng xung quanh các điểm mua bán gia cầm ở chợ Cầu, chờ lực lượng chốt chặn báo về là xuất quân kiểm tra, xử lý ngay”, ông Tuấn khẳng định.
Địa phương phải chịu trách nhiệm Theo Chi cục Thú y TP.HCM, hiện nay mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ 120.000-130.000 con gà và vịt, chủ yếu là từ các tỉnh, thành lân cận. Trong đó, điểm giết mổ tập trung An Nhơn (Gò Vấp) mỗi đêm giết mổ 65.000-70.000 con gà. Phần còn lại là từ các tỉnh giết mổ sẵn rồi đưa về TP.HCM tiêu thụ. TP.HCM cũng có tám cơ sở nuôi khoảng 200.000 con gia cầm tập trung ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, đều được quản lý chặt và sự tuân thủ tốt của các chủ cơ sở. Tuy nhiên, đó là những con số quản lý được, còn thực tế tình trạng lén lút nhập gia cầm sống, không rõ nguồn gốc về bán tại các chợ, các điểm mua bán hiện vẫn chưa được kiểm soát. Cụ thể như gia cầm khu vực chợ Cầu, cầu Trường Đai... là những “điểm nóng” có nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm A/H5N1 rất lớn nếu gia cầm được đưa đến từ các tỉnh đã có dịch. Tại cuộc họp về công tác phối hợp phòng chống dịch cúm gia cầm với bảy tỉnh lân cận ngày 25-2, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ dù có lực lượng cắm chốt nhưng việc mua bán gia cầm tại các “điểm nóng” vẫn xảy ra, ông Phan Xuân Thảo - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho rằng trách nhiệm là của các địa phương. “Mỗi địa phương đều có ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm. Họ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Nếu vẫn để xảy ra tình trạng mua bán gia cầm hoặc dịch cúm tại các điểm mua bán này thì các địa phương phải chịu trách nhiệm với UBND thành phố” - ông Thảo nói. |
Thêm Hưng Yên công bố dịch cúm gia cầm UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định công bố dịch cúm gia cầm, xảy ra tại hai hộ chăn nuôi vịt ở thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, làm trên 2.300 con vịt/tổng đàn hơn 5.000 con mắc bệnh. Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hai tháng đầu năm 2014 đã có 25 tỉnh thành xuất hiện dịch cúm gia cầm, trong đó 21 tỉnh thành còn ổ dịch cúm gia cầm, các tỉnh Nam Định, Long An, Kon Tum và Đắk Lắk các ổ dịch cũ đã qua 21 ngày. Cục Thú y cũng cho biết tính đến nay, tổng số gia cầm mắc bệnh và bị tiêu hủy đã lên đến trên 100.000 con, gấp đôi cả năm 2013. Cục Thú y nhận định các tháng đầu năm 2014, virút cúm H5N1 nhánh 2.3.2.1C ở phía Bắc đã xâm nhập các tỉnh phía Nam gây bệnh thay cho nhóm 1.1 lưu hành phổ biến trước đây. Ngoài ra, việc bùng phát dịch cúm đồng loạt tại nhiều địa phương do các địa phương chưa triển khai tiêm phòng đợt hai năm 2013 và đợt một năm 2014, nên đàn gia cầm chưa có miễn dịch với virút H5N1, việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chưa được thực hiện tại nhiều hộ chăn nuôi, trong khi khảo sát trên thủy cầm cho thấy 6% mang mầm bệnh H5N1. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận