![]() |
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Scotland |
Ngay từ 30 năm trước đây, theo đề nghị của Pháp tháng 7-1975, các nước công nghiệp là Pháp, Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản lần đầu tiên đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh, quyết định thành lập một tổ chức lỏng lẻo ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, định ra một số luật chơi và quy phạm đạo đức nhằm duy trì lợi ích và phồn thịnh của chính họ.
Năm 1976, có thêm hai nước mới gia nhập là Canađa, Ý và hình thành nhóm G7. Năm 1994, Tổng thống Nga Yeltsin chính thức tham dự hội nghị 7+1, ra Tuyên bố kết thúc "Hội nghị thượng đỉnh tám nước" và từ đó hình thành G8.
Liệu việc Trung Quốc chính thức tham dự hội nghị có hình thành cơ chế 8+1 để cho G8 trở thành G9 hay không? Câu trả lời chắc chưa thể là lạc quan với hai lý do. Thứ nhất, tham dự hội nghị Edinburgh ngoài Trung Quốc còn bốn nước khác được mời là Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Mexico, với danh nghĩa "Đối thoại giữa những người lãnh đạo G8 và năm nước Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Mexico", nếu Trung Quốc nổi lên trên 4 nước còn lại thì chắc chắn các nước trên không hài lòng, ít nhất Ấn Độ và Brazil sẽ có ý kiến.
Thứ hai, trong thời gian ngắn Trung Quốc chưa muốn trở thành thành viên câu lạc bộ các nước giàu, vì đến nay Trung Quốc vẫn tự nhận mình là nước đang phát triển. Trung Quốc không muốn mất đi "các bạn nghèo" vẫn có quan hệ hữu nghị từ mấy chục năm nay thuộc "thế giới thứ ba" sau khi làm bạn với nước giàu. Quan trọng hơn nữa, Trung Quốc không thừa nhận luật chơi và quy phạm đạo đức của G8, không muốn bị gò bó.
Ngày 22-2-1974 khi hội kiến Tổng thống Zambia Kawanda, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông lần đầu tiên đưa ra thuyết "ba thế giới", chia tất cả các nước trên thế giới thành ba thế giới, trong đó Mỹ, Liên Xô là thuộc thế giới thứ nhất, Nhật Bản, châu Âu, Canada và Úc thuộc thế giới thứ hai, tất cả các nước châu Á còn lại và châu Phi, khu vực Mỹ Latinh đều thuộc thế giới thứ ba.
Đương nhiên, Trung Quốc thuộc về thế giới thứ ba, vì xét theo góc độ kinh tế, Trung Quốc đều không phải nước giàu và so với các nước lớn khác thì Trung Quốc chỉ có thể đứng chung được với một số nước nghèo. Đảng Cộng sản Trung Quốc giành được chính quyền và gia nhập Liên Hiệp Quốc đều nhờ các "bạn nghèo" giúp đỡ. Vì thế thuyết "ba thế giới" vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay. Củng cố quan hệ hữu nghị với "bạn nghèo thế giới thứ ba" vẫn là một trong những trọng điểm trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Bắt đầu từ năm nay Bộ ngoại giao Trung Quốc xuất bản bộ sách "Ngoại giao Trung Quốc" (bản in năm 2005) xếp chủ trương "ổn định và phát triển quan hệ với các nước lớn chủ yếu" ở vị trí số một, thay đổi chủ trương "tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước xung quanh" từ vị trí số một thành vị trí thứ hai.
Như vậy tuy không thay đổi phương châm ngoại giao "các nước xung quanh là trụ cột, ngoại giao nước lớn là quan hệ, các nước đang phát triển là cơ sở" nhưng sau hơn một năm ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, Trung Quốc đã liên tục giao hảo với các nước lớn, chứng tỏ thể chế Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo đã xếp "ngoại giao nước lớn" lên vị trí quan trọng nhất.
Trong cuộc gặp gỡ chính thức mỗi năm một lần, ông Hồ Cẩm Đào cần nắm được cơ hội để triển khai đối thoại. Muốn đối thoại, hai bên đều cần nhượng bộ. Một mặt G8 thừa nhận địa vị nước lớn của Trung Quốc, mặt khác Trung Quốc phải có trách nhiệm của nước lớn, phải tuân thủ luật chơi và quy phạm đạo đức của G8.
Vừa tính toán tương lai vừa xem xét hiện thực, đó sẽ là bài toán Trung Quốc đang tự tìm lời giải trong bối cảnh thế giới và vị thế của Trung Quốc hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận