06/05/2012 07:39 GMT+7

François Hollande: "Thay đổi, là lúc này đây"

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Cuộc tranh luận mà ông Sarkozy hằng mong đợi vì tự tin vào hùng biện và vì nắm vững hồ sơ hơn lại không được dư luận đồng tình lắm: chỉ 34% ý kiến thăm dò nghiêng về ông Sarkozy.

Trong khi đó, có đến 42% cho ông Hollande (thăm dò Ifop/Fiducial).

tD2UqVhC.jpgPhóng to
Ứng cử viên François Hollande xuất hiện trước cử tri ở Perigueux trong ngày 4-5 - Ảnh: AFP

Song, tê tái hơn cả cho ông Sarkozy chính là tuyên bố tối 3-5 của ứng cử viên trung hữu François Bayrou mà ông Sarkozy đang chờ thu gom 9,13% phiếu của ông này.

“Nicolas Sarkozy đã chạy theo phe cực hữu mà ở đó chúng ta sẽ không tìm thấy giá trị của chúng ta. Chỉ còn mỗi lá phiếu cho François Hollande, và đó là chọn lựa của tôi. Ông này đã phát biểu một cách rõ ràng về việc làm sao cho đời sống công quyền của đất nước chúng ta đạo đức hơn. Sẽ có khối việc cần phải làm” - François Bayrou “bỏ phiếu” vòng 2 cho ông Hollande.

Còn ứng cử viên về thứ ba Marine Le Pen thì khai tử ông Sarkozy bằng một câu: “Đảng cầm quyền đang đào mồ chôn ông ta”.

Khi một ứng cử viên trung hữu bỏ rơi một ứng cử viên cánh hữu để bỏ phiếu cho ứng cử viên cánh tả và giải thích bằng lý do để gầy dựng lại đạo đức công quyền, thì đó chính là “phán quyết” lớn nhất có thể tuyên cho năm năm cầm quyền của ông Sarkozy: bản án đạo đức!

Trong bối cảnh đó, càng có thể hiểu hơn khẩu hiệu tranh cử của ứng cử viên Đảng Xã hội François Hollande: “Thay đổi, là lúc này đây!”.

Vấn đề là: thay đổi cái gì?

Trong bối cảnh nước Pháp đang lâm nguy vì nợ công và kinh tế trì trệ không khác gì nước Mỹ cuối trào ông Bush, khiến ông Obama đòi “Chúng ta có thể thay đổi” và tấn công vào giới tài chính ngân hàng, thì mục tiêu mà ông Hollande nhắm đến cũng chính là những nhóm lợi ích này!

Trong cương lĩnh 60 hứa hẹn thay đổi, ông Hollande đòi sẽ tính sổ: “Phải có những ai chịu trách nhiệm đối với tình hình đó. (Đó là) giới tài chính vốn kiểm soát nền kinh tế, xã hội và cả đời sống chúng ta nữa. (Đó là) những chính sách bất công và không hiệu quả đã được thực thi từ chục năm qua. (Đó là) những sai phạm kinh tế và đạo đức của nhiệm kỳ tổng thống năm năm đang mãn hạn”.

Êkip viết chương trình cho ông Hollande tranh cử gồm 60 cam kết đã cho thấy họ đang “đồng sàng” với dân chúng Pháp khi mô tả hiện trạng nước Pháp như sau: “Cuộc khủng hoảng đang được cảm nhận hằng ngày. Đất nước phải đối đầu với nạn thất nghiệp kỷ lục, lún sâu vào nạn suy thoái và sự khắc khổ (bắt buộc). Công nghiệp bị bỏ mặc, nông dân không còn sống nổi bằng lao động của mình nữa. Mọi thứ đều tăng giá: chăm sóc y tế, nhà ở và chuyên chở, khí đốt, điện.

Trường học và nhà thương tan nát, nhân viên nhà nước thì bị la ó chỉ trích. Khắp nơi, sự bất an thắng thế trong khi pháp luật thì bị “chặt tay, chặt chân”. Lớp trẻ bị hi sinh và sẽ phải đối đầu với một bối cảnh suy thoái, một đồng lương hưu không có tiền đảm bảo và một gánh nợ khổng lồ”.

Và ông Hollande cảnh cáo: “Các ngân hàng phải được đưa về phục vụ nền kinh tế. Tôi sẽ tách bạch các hoạt động ngân hàng nào hữu ích cho đầu tư và công ăn việc làm với các hoạt động chỉ nhằm đầu cơ... Sẽ phải chấm dứt những sản phẩm tài chính độc hại chỉ làm giàu những kẻ đầu cơ song lại đe dọa nền kinh tế. Tôi sẽ bãi bỏ những thương vụ mua bán cổ phiếu kiếm lời, ngoại trừ đối với những xí nghiệp ra đời cần lên sàn, khống chế quỹ thưởng. Tôi sẽ đánh thuế tiền lãi của các ngân hàng. Tôi sẽ đề ra một sắc thuế đánh trên mọi thương vụ tài chính. Tôi sẽ đảm bảo tiền lãi tiết kiệm sao cho vừa cao hơn tỉ lệ lạm phát đồng thời cũng đồng hành với tốc độ tăng trưởng”.

Không lấy làm lạ bốn ngày trước vòng 2, ông Hollande vẫn dẫn trước ông Sarkozy với tỉ lệ 53% so với 47%.

Quân Nguyễn, cộng tác viên Tuổi Trẻ tại Toulouse (Pháp), đã thử phỏng vấn một vòng các cử tri Pháp vùng Midi Pyrénées trước ngày bầu cử 6-5.

Anh Christian, 27 tuổi, nhân viên tín dụng tại một ngân hàng ở Anger: “Tôi biết rõ mình thuộc vào lớp người ít chịu ảnh hưởng từ việc lựa chọn tổng thống, ông nào cũng vậy thôi. Nhưng lá phiếu của mình dù sao cũng sẽ thay đổi tương lai chút ít. Vòng 1 tôi bỏ phiếu cho ông Hollande”.

Anh Didier, 32 tuổi, thất nghiệp và đang học nghề để tìm việc mới: “Sarkozy trong năm năm qua chẳng làm được gì thay đổi cuộc sống của những người ở tầng lớp dưới như tôi. Thất nghiệp thì ngày một tăng cao trong khi giá cả thêm leo thang. Bởi vậy lần này tôi chọn người khác”.

Chị Natalie, 35 tuổi, nhân viên điều dưỡng: “Kể từ khi Sarkozy nắm quyền, mọi việc ngày một tồi tệ, ai cũng thấy cuộc sống trở nên khó khăn. Lương của tôi thậm chí còn ít hơn trước, trong khi giá cả thì tăng đều. Có thể đó không phải là lỗi của ông ta nhưng tôi quyết định tạo cơ hội cho ứng viên khác với hi vọng người đó sẽ mang đến một sự thay đổi nào đó”.

Laurent Posocco, phó giáo sư luật giảng dạy tại Đại học Toulouse, chủ tịch hàng tỉnh của đảng trung hữu (Modem): “Với tư cách một cử tri, tôi sẽ lựa chọn Hollande với hi vọng đổi thay nước Pháp một cách sâu rộng và lật sang một trang mới sau năm năm đầy tai họa dưới nhiệm kỳ Sarkozy”.

Laurence, hưu trí từ 10 năm nay: “Ông Sarkozy có những chính sách mạnh tay chống lại tình trạng mất an ninh, với những người già về hưu như chúng tôi thì an ninh là mối quan tâm hàng đầu”.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên