Tác phẩm "L’origine du Monde" (Cội nguồn nhân gian) của danh họa bậc thầy Gustave Courbet suốt thời gian qua đã gây không ít sóng gió bởi tính táo bạo của nó - Ảnh đã được xử lý lại
Vụ việc xảy ra từ tháng 2-2011 liên quan việc đăng tải tác phẩm L’origine du Monde (Cội nguồn nhân gian) của danh họa bậc thầy Gustave Courbet.
Ông Frédéric Durand-Baissas, thầy giáo mỹ thuật 57 tuổi sống tại Paris, đã cho đăng tải tấm ảnh chụp tác phẩm đó trên tài khoản Facebook của mình kèm theo đường link dẫn đến bài viết về tác phẩm hội họa danh tiếng vẽ người phụ nữ khỏa thân thể hiện rõ hình ảnh bộ phận sinh dục nữ.
Thầy giáo Pháp đã khởi kiện đòi bồi thường 20.000 euro vì tài khoản của mình bị khóa mà "không có cảnh báo lẫn lời giải thích lý do".
Facebook cần xem lại các chính sách kiểm duyệt của mình sao cho chặt chẽ, khi mà ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục gần như bị xóa nhòa. Trong khi đó, còn vô vàn các ý tưởng xấu khác vẫn đang tồn tại trên mạng xã hội nhưng vẫn thoát được sự kiểm duyệt.
Luật sư của thầy giáo mỹ thuật đưa ra luận điểm
Cũng trong vụ việc đó, họa sĩ Đan Mạch Matthew Weinstein đã hưởng ứng với việc phản ứng lại kiểu hành xử của Facebook và cho đăng tải hình ảnh tương tự. Tài khoản của họa sĩ này bị khóa nhưng do áp lực dư luận sau đó Facebook phải mở lại.
Vụ việc xảy ra bảy năm trước nhưng giờ mới khởi kiện tại Pháp được bởi trước đây theo luật, tập đoàn Facebook có trụ sở tại Mỹ nên chỉ có thể ra tòa ở Mỹ.
Nhưng vị thầy giáo Pháp đã quyết tâm tiến hành nhiều lần khởi kiện nên đến tháng 2-2016, tòa Phúc thẩm Paris ra phán quyết khẳng định tòa án ở Pháp có quyền thụ lý xét xử Facebook.
Theo Europe 1, nhiều khả năng tập đoàn về mạng xã hội của Mỹ sẽ bị phán quyết thua cuộc với tội danh xâm phạm quyền tự do ngôn luận.
Bức tranh L’Origine du Monde được hoàn thành vào năm 1866 khi họa sĩ Gustave Courbet 47 tuổi. Do tác phẩm mô tả chân thực, không che đậy bộ phận sinh dục của nữ giới nên nó phải trải qua rất nhiều sóng gió, tranh cãi mới được trưng bày cho công chúng thưởng lãm trong viện bảo tàng vào năm 1995.
Đây là một trong số 10 tác phẩm nổi tiếng nhất của viện bảo tàng Orsay.
Nổi tiếng là một trong những gương mặt tiêu biểu của trường phái hiện thực, danh họa Gustave Courbet đã vẽ bức tranh này theo đơn đặt hàng của nhà sưu tầm tranh khỏa thân Khalil Bey.
Giai thoại kể rằng ông Khalil Bey quen biết họa sĩ Gustave Courbet theo lời giới thiệu của nhà văn kiêm phê bình văn học Charles Augustin Sainte-Beuve. Ông Khalil Bey đặt hàng với họa sĩ Gustave Courbet nhiều bức vẽ táo bạo chứ không phải là một bức duy nhất.
Tác phẩm Cội nguồn nhân gian trong lần được chuyển đến trưng bày ở bảo tàng Gustave Courbet tại Ornans - Ảnh: AFP
Điều chỉnh trước áp lực dư luận
Cơ chế kiểm duyệt của Facebook theo quy tắc "không được tải lên Facebook hình ảnh khỏa thân và khiêu dâm" đã bị trở quẻ khi người dùng đăng tải tác phẩm nghệ thuật.
Facebook giải thích rằng, họ đã gỡ bỏ các hình ảnh và khóa các tài khoản trên do nhầm lẫn của đội ngũ nhân viên tại một số văn phòng trên khắp thế giới. Họ phải đánh giá hàng trăm ngàn cảnh báo vi phạm hàng tuần, đôi khi họ sai và loại bỏ một số nội dung không cần thiết.
Nhưng giải thích đó vẫn gặp phải phản ứng mạnh của giới văn hóa nghệ thuật vì họ cho rằng tất cả những bức tranh đều được trưng bày công khai tại các viện bảo tàng nghệ thuật.
Nhiều bộ trưởng về công nghệ số ở Pháp sau đó cũng đã đứng về phía người dùng chống lại nguyên tắc quá cứng nhắc của Facebook.
Chẳng hạn trên đài Europe 1, vào tháng 11-2017, ông Mounir Mahjoubi, quốc vụ khanh phụ trách mảng Số hóa của Pháp, đã đá xoáy tập đoàn của Mỹ về việc cũng nên cấm cả những hình ảnh ngực phụ nữ cũng như chuyện quấy rối tình dục cho đúng nhẽ.
Theo các nhà quan sát, trước áp lực của dư luận, Facebook đã điều chỉnh dần qui tắc đăng tải hình ảnh nhạy cảm của mình.
Theo đó người ta thấy thông báo của Facebook cho biết: "Chúng tôi sẽ xóa bỏ những tấm ảnh chụp thể hiện các bộ phận sinh dục hoặc thể hiện toàn bộ hình đôi mông", nhưng chỉ vài dòng sau đó lại có câu "Chúng tôi cho phép đăng tải hình ảnh chụp tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc và những tác phẩm nghệ thuật dạng khác thể hiện người khỏa thân".
Vào thời điểm cách đây 7-8 năm thì câu này không hề tồn tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận