29/04/2019 17:01 GMT+7

EVN nói gì về 42.000 tỉ gửi ngân hàng?

N.AN
N.AN

TTO - Khoản tiền hơn 42.000 tỉ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được gửi không kỳ hạn tại ngân hàng là số tiền tổng hợp từ tất cả các báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên. Số tiền này được EVN cho là 'quá nhỏ' và chưa đủ để trả nợ.

EVN nói gì về 42.000 tỉ gửi ngân hàng? - Ảnh 1.

Khoản tiền gửi của EVN là chưa đủ để trả nợ và các khoản vay ngân hàng - Ảnh: TTO

Theo EVN, đây là số dư tiền gửi được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên của EVN bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.

Tuy nhiên, tập đoàn cho rằng số tiền gửi này so với số dư nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm phải trả của EVN (hơn 106.000 tỉ đồng) là quá nhỏ. Số tiền này cũng chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện… (55.000 tỉ đồng) và khoản trả nợ ngân hàng đến hạn 22.000 tỉ đồng.

Cũng theo EVN, do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên số dư tiền gửi trên mới giúp EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế.

EVN hiện có hàng trăm đơn vị thành viên nên cần duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất. Đặc biệt, các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước.

Ngoài ra, công ty mẹ EVN cũng cần có một số tiền lớn đủ để thanh toán tiền mua điện hằng tháng cho các đơn vị bán điện.

Doanh thu tiền điện thường tập trung vào cuối tháng trong khi nhu cầu thanh toán tiền nhiên liệu và điện mua ngoài thường tập trung vào đầu tháng, dẫn tới số dư tiền gửi của EVN vào cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.

Chưa kể, trong lĩnh vực đầu tư nhu cầu vốn rất lớn, phải cung cấp đủ theo kế hoạch, đáp ứng tiến độ thi công của các dự án. Thủ tục cho giải ngân bị kéo dài nên ngoài việc đảm bảo vốn đối ứng, EVN và các đơn vị thành viên phải dự phòng thêm vốn để thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp chậm giải ngân.

"Hiện EVN có số dư nợ vay rất lớn, vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao. Điều này đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai" - tập đoàn này cho hay.

Theo đó, EVN cho biết đã chỉ đạo các đơn vị cân đối dòng tiền để đảm bảo thanh toán kịp thời cho các nhà cung cấp theo quy định của hợp đồng đã ký, đồng thời thực hiện các giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 được EVN công bố trên website, số dư tiền gửi ngân hàng của EVN đến thời điểm cuối quý 2-2018 là 42.796 tỉ đồng, trong khi cuối năm 2017 số liệu được ghi nhận là 32.262 tỉ đồng.

Nếu so với các năm trước đó, số tiền gửi này tăng mạnh khi giai đoạn 2015 - 2016 EVN có khoảng 8.000 - 9.000 tỉ đồng; báo cáo tài chính tháng 6-2017 khoảng 20.000 tỉ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi không kỳ hạn và đã tăng rất mạnh trong những năm qua.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên