30/11/2019 11:39 GMT+7

'Èo uột' thi tuyển lãnh đạo đại học

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Nhiều bộ, địa phương thí điểm tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường ĐH nhưng việc này chưa thu hút được nhiều người tham gia.

Èo uột thi tuyển lãnh đạo đại học - Ảnh 1.

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM làm công tác tại kỳ thi THPT quốc gia 2019. Nhiều ứng viên từ trường này ứng tuyển phó hiệu trưởng nhưng bị gạt vì “không nằm trong quy hoạch” - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều chuyên gia cho rằng sự "èo uột" này đến từ những quy định cứng nhắc và nhiều lý do khác.

Lưa thưa ứng viên

Tháng 6-2019, Bộ Tài chính phát đi thông báo tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính kế toán, hạn chót nhận hồ sơ 12-7-2019, không có ngày thi. Từ đó đến nay vẫn chưa có thông tin mới liên quan đến việc thi tuyển phó hiệu trưởng trường ĐH này.

Tháng 12-2018, Bộ Y tế lần đầu tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Hải Phòng. Cả bốn người đạt tiêu chuẩn dự thi đều là người của trường và một phó hiệu trưởng đạt điểm cao nhất đã trúng tuyển. Tương tự, tỉnh Quảng Nam tổ chức thi tuyển hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam vào năm 2014, chỉ có hai ứng viên đang là phó hiệu trưởng của trường tham gia.

Trước đó, vào năm 2015, giám đốc một công ty luật trúng tuyển trong kỳ thi tuyển hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội nhưng sau đó không được bổ nhiệm vì tại thời điểm dự thi, ông này không phải là "công chức, viên chức nhà nước". 

Bộ Tư pháp đã xin lỗi người trúng tuyển cũng như ghi nhận và đánh giá cao những ý tưởng, giải pháp nhằm đổi mới bộ máy và hoạt động của Trường ĐH Luật Hà Nội mà người trúng tuyển đã đề xuất trong quá trình tham dự kỳ thi.

Cũng vì nhiều quy định liên quan đến điều kiện và đối tượng dự thi mà có trường thông báo tuyển phó hiệu trưởng nhiều tháng trời, gia hạn thời gian nhận hồ sơ thêm vẫn không có đủ ứng viên để tổ chức thi. 

Tháng 3-2018, Bộ Giao thông vận tải thông báo tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ngoài yêu cầu về đối tượng dự thi phải là công chức, viên chức, còn có điều kiện phải nằm trong quy hoạch phó hiệu trưởng của trường, nếu không nằm trong quy hoạch thì phải được Bộ Giao thông vận tải đề cử, Đảng ủy nơi công tác và Đảng ủy khối cơ sở Bộ Giao thông vận tải tại TP.HCM đồng ý bằng văn bản và phải giữ vị trí tối thiểu trưởng phòng, trưởng khoa. 

Tháng 5-2018, bộ này ra thông báo gia hạn thêm 2 tháng nhận hồ sơ và đến tháng 11-2018 thông báo dừng thi tuyển phó hiệu trưởng.

PGS.TS Nguyễn Văn Thư - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết thời điểm đó có vài hồ sơ, trong đó người trong trường có 4 hồ sơ ứng tuyển. Tuy nhiên, tất cả đều bị gạt do chưa nằm trong quy hoạch phó hiệu trưởng của trường. 

"Quy hoạch theo nhiệm kỳ trường gửi ra bộ nhưng không được duyệt. Quy hoạch bổ sung hằng năm trường gửi ra cũng không được duyệt. Do đó, chỉ có 1 hồ sơ đạt yêu cầu và bộ đã ngừng việc thi tuyển" - ông Thư nói thêm.

Khó thu hút vì nhiều quy định cứng

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo trường ĐH là xu hướng tích cực, cần khuyến khích. Việc này không chỉ hạn chế những tiêu cực phát sinh trong quá trình chuẩn bị nhân sự mà còn tuyển được người phù hợp để lãnh đạo và phát triển trường.

Một phó hiệu trưởng chia sẻ: "Cứ mỗi lần thực hiện quy hoạch hay lấy phiếu tín nhiệm, trong nội bộ trường lại có chuyện này chuyện kia tố nhau. Ở lĩnh vực công, điều này dường như xảy ra không ít. Do đó, việc thi tuyển sẽ phần nào hạn chế những xào xáo nội bộ này cũng như đưa ra kết quả khách quan để mọi người trong trường yên tâm, không có sự chạy chọt hay dàn xếp".

Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất đó là đối tượng dự thi bị giới hạn do các quy định liên quan như phải nằm trong quy hoạch, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cứng cho từng vị trí. 

Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM nhận định theo Luật giáo dục ĐH sửa đổi, hội đồng trường có quyền quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó. Vai trò bổ nhiệm của bộ chủ quản không còn. Trường cần tự thực hiện bởi mỗi trường có mục tiêu phát triển khác nhau.

Nhưng việc thi tuyển này cũng bị giới hạn về đối tượng, nhất là những người ngoài trường do các quy định liên quan ở các luật khác nhau dẫn đến sự cạnh tranh chưa nhiều. 

"Người không làm trong trường ĐH sẽ khó đáp ứng tiêu chuẩn về quy hoạch cho từng vị trí cụ thể. Người trong ngành được quy hoạch ở vị trí tương đương cũng sẽ không mặn mà vị trí tương đương ở trường khác. Đó là chưa kể người trong cùng một trường đôi khi cũng ngại va chạm khi vị trí đó được quy hoạch cho người khác rồi" - vị này nói thêm.

Là người trong giai đoạn thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Văn Thư cho rằng điều quan trọng nhất của việc thi tuyển là tuyển được người có tiêu chuẩn, năng lực. Tuy nhiên, có thể nói việc thi tuyển chưa thu hút được nhiều người ngoài tham gia, ngoài các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, đối tượng, còn có việc người quản lý bị chi phối bởi nhiều luật, trong đó có Luật viên chức. 

Một người mới hoàn toàn về trường có thể không chịu nổi sự bè phái, ỷ lại của viên chức trong khi rất khó để buộc thôi việc một viên chức. Môi trường làm việc như vậy sẽ khiến người ngoài ngại về trường.

Phải khách quan, minh bạch

Ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) - thì quan tâm đến tính khách quan và công bằng của kỳ thi. "Đề thi ai ra, ra như thế nào, ai phỏng vấn, phỏng vấn ra sao? Việc phỏng vấn phải có cấu trúc và định hướng, tránh việc thiếu khách quan khi thi.

Chẳng hạn, nếu ủng hộ, người phỏng vấn sẽ chỉ hỏi những vấn đề liên quan đến điểm mạnh của nhân sự. Còn không ủng hộ, họ lại tìm điểm yếu để hỏi. Thực tế đã có tình trạng như vậy khi tôi ngồi hội đồng phỏng vấn tuyển dụng" - ông Vinh nói.

Việc quy hoạch, tín nhiệm là cần thiết nhưng theo ông Vinh, việc đánh giá cũng phải khách quan. Quy hoạch không phải xếp chỗ, tín nhiệm không phải đo lường bằng sự hài lòng mà là hiệu quả công việc, kết quả mang lại cho nhà trường.

"Các trường ĐH lớn trên thế giới họ cũng có quy hoạch lãnh đạo nhưng họ cho ứng viên kinh qua nhiều vị trí khác nhau để sau đó có đánh giá dựa trên hiệu quả công việc chứ không phải bỏ phiếu" - ông Vinh nói.

Hội đồng trường sẽ quyết

Ở góc độ người từng quản lý trường ĐH nhiều năm, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng với khu vực công, công tác cán bộ được quy định trong nhiều văn bản khác, trong đó có những quy chuẩn không dễ vượt qua.

"Hiện nay, hội đồng trường được trao quyền lựa chọn hiệu trưởng. Bộ chủ quản căn cứ vào đề xuất nhân sự của hội đồng trường, báo cáo bộ chủ quản để phê duyệt. Nguồn cán bộ lãnh đạo trường học có thể từ tại chỗ, từ bên ngoài trường...

Hội đồng trường chủ trì công tác xét tuyển hiệu trưởng đã được quy định trong Luật giáo dục và Luật giáo dục ĐH sửa đổi. Theo tôi, luật đã quy định, vấn đề là các hội đồng trường thực thi quyền của mình như thế nào mà thôi" - ông Hồng nói thêm.

Lần đầu Bộ Y tế thi tuyển hiệu trưởng ĐH Y dược Hải Phòng Lần đầu Bộ Y tế thi tuyển hiệu trưởng ĐH Y dược Hải Phòng

TTO - Sáng nay 8-12, Bộ Y tế đã tổ chức kỳ thi tuyển hiệu trưởng ĐH Y dược Hải Phòng. Có bốn ứng viên đủ điều kiện tham gia dự thi, trong đó người trẻ nhất 40 tuổi.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên