Phóng to |
Voi nhà Tây nguyên - Ảnh: ENTER VIỆT NAM |
Phóng to |
Những chú voi nhà Tây nguyên - Ảnh: ENTER VIỆT NAM |
Câu chuyện buồn về những chú voi khổng lồ và yếu đuối đã thu hút được sự chú ý của nhiều người, nhiều giới. Nhưng không chỉ dừng ở voi Tây nguyên, nhóm còn có tham vọng lập một ngân hàng dữ liệu về Việt Nam bằng hình ảnh mang tên Lăng kính Việt Nam.
Từ những chuyến đi du lịch bụi
Trên căn phòng chật chội ở tầng 3 NXB Thế Giới, nhóm ba người đang miệt mài làm việc. Nguyễn Bá Ngọc “cắm” mặt vào máy tính để sắp xếp hình ảnh cho những trang tạp chí, Mã Phương Uyên chú thích cho từng bức ảnh mà nhóm mới chụp về. Giữa phòng, cạnh màn hình tivi to đùng kết nối với ổ cứng máy tính là hình bản đồ Việt Nam với nhiều màu sắc, đường giao thông, các vùng, tỉnh, các địa danh văn hóa. Trên bản đồ này, có thể tìm được từ những hình ảnh cụ thể như bông lúa, cánh hoa mua đến các sinh hoạt văn hóa của người dân các tỉnh thành, các dân tộc anh em.
Nguyễn Bá Ngọc (thành viên nhỏ tuổi nhất nhóm, sinh năm 1983) cho biết: “Ý tưởng thành lập một ngân hàng dữ liệu về Việt Nam thông qua hình ảnh được bắt đầu với những chuyến du lịch bụi bằng xe máy vào bất kể lúc nào thời tiết đẹp”. Chiếc xe máy Jupiter không biết đã bao lần được đưa vào đại tu trước và sau mỗi chuyến đi. “Công việc chính của chúng tôi vẫn là thiết kế, còn làm thuê cho nhiều tạp chí khác nhau chỉ đủ tiền sinh nhai. Cái được trong những chuyến đi là nhìn nhiều, thấy nhiều, gặp nhiều cảnh vật, con người, sự kiện và sau đó... là sự “thâm hụt tài chính” nghiêm trọng” - tay máy Nguyễn Bá Ngọc nói.
Trên con đường thiên lý khắp hang cùng ngõ hẻm trong ròng rã gần chục năm trời ấy, Enter Việt Nam chỉ với ba con người cặm cụi đã có trong tay 300.000 bức ảnh. “Chưa thể gọi là đầy đủ, nhưng sau khi đưa được toàn bộ số ảnh này lên sản phẩm thử nghiệm ban đầu (vietnamlens.com) chúng tôi sẽ kêu gọi sự tham gia của các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên” - trưởng nhóm Lê Văn Thao cho biết.
“Càng đông người gửi ảnh lên thì việc tra cứu tìm hiểu càng thêm sinh động và dễ dàng hơn. Ngày nay bạn có thể tìm thấy đường đi bằng bản đồ định vị toàn cầu, địa danh nơi bạn đến bằng một phím enter trên máy tính, nhưng nếu đến ngân hàng dữ liệu bạn có thể tìm được nhiều hơn thế: vừa có hình ảnh, lời chú thích rõ ràng về bức ảnh, nguồn gốc sự kiện cũng như đường dẫn đến những nơi ấy” - anh Thao nói.
Biết mặt, biết tên thì biết quý
Không phải là nhà nghiên cứu, không có chuyên môn thống kê, nhưng bằng những chuyến đi và ghi chép cụ thể (diện tích vùng đất, số dân, đặc điểm địa lý, đường đi, văn hóa đặc trưng...), Enter Việt Nam đang đến gần với ước mơ “ngân hàng dữ liệu” của mình.
Lý giải về dự án đầu tiên là triển lãm ảnh voi nhà, anh Lê Văn Thao nói: một lần đọc báo thấy những con voi nhà Tây nguyên bị giết hại dã man, thậm chí không phải bị bọn đạo tặc mà chính là chủ giết hại để bán thì nhóm quyết định vào Tây nguyên chụp ảnh voi. “Người Việt ta có câu “biết mặt biết tên”, nếu biết mặt biết tên rồi thì người ta không nỡ xuống tay với những chú voi tội nghiệp. Để những chiếc đuôi voi như chiếc chổi sể quét đất hay những cặp ngà cong đầy kiêu hãnh của những chú voi đực không bị nhòm ngó bởi sự tham lam ích kỷ của con người”.
Hai tháng sống tại Tây nguyên, làm quen với những quản tượng, chủ voi và các cá thể voi nhà, nhóm Enter Việt Nam đã chụp ảnh những lúc voi thảnh thơi nhất, không phải đi chở khách hay chở gỗ lậu trong rừng. Tiếp cận, ghi chép những câu chuyện liên quan đến đời sống voi nhà và tính nết từng chú voi một cách sinh động hài hước, để thấy voi cũng có một đời sống tình cảm, yêu thương, thù ghét hệt con người.
“Biết mặt, biết tên” thì sẽ thêm yêu thêm trọng, niềm tin ấy Enter Việt Nam không chỉ dành cho đàn voi nhà Tây nguyên mà còn hướng tới những làng quê, những đình chùa, nhạc cụ truyền thống, nghi lễ cổ truyền... Thách thức rõ ràng còn ở phía trước, nhóm ba người tự nhận chương trình của mình là “điên rồ” nhưng họ quyết “điên” đến cùng: “Các chuyến đi giúp chúng tôi tìm được những câu chuyện hay, những khó khăn cần được sẻ chia, giúp đỡ. Ba tháng nữa, khi trang web Lăng kính Việt Nam chính thức hoàn thiện sẽ là nơi lấy ảnh miễn phí cho bất kể ai cần. Và cũng hi vọng, đây cũng sẽ là nơi gặp gỡ của những người yêu thích nhiếp ảnh, du lịch vào tìm hiểu, khám phá về Việt Nam”.
Enter Việt Nam (được hiểu là một cách tiếp cận Việt Nam đơn giản nhất, quy ước tượng hình là dấu enter trên bàn phím máy tính) được thu thập tư liệu từ đầu năm 2000. Những người khởi xướng làm việc tại NXB Thế Giới là một đơn vị xuất bản đối ngoại, có trách nhiệm giới thiệu Việt Nam ra nước ngoài. Chúng tôi có cơ hội thường xuyên tiếp xúc với các nội dung tư liệu về Việt Nam và va chạm với các phương thức quảng bá của các nước khác trên thế giới. Điều mà chúng tôi nhận thấy là mình rất lạc hậu về phương thức quảng bá. Tuy nhiên chúng tôi chỉ là những nhân viên, công chức không thể tác động đến việc đầu tư, hay thay đổi chính sách và phương thức quảng bá hình ảnh đất nước đối với các cơ quan có trách nhiệm. Nên chúng tôi tự tìm tòi, học hỏi các công nghệ và phương thức để tự làm ra những sản phẩm xứng tầm, chí ít cũng là lưu giữ những giá trị nhân văn cho đất nước. Những sản phẩm ban đầu như: bản đồ số về văn hóa - du lịch Ninh Bình, nhà triển lãm ảo 100 họa sĩ và tác phẩm hiện đại Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học 3D... đã củng cố và khích lệ chúng tôi quyết tâm phát triển Enter Việt Nam trở thành một cơ sở dữ liệu toàn diện về Việt Nam.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận